Giang hồ chợ đêm

Thứ Hai, 07/03/2016, 15:58
Đêm Đà Lạt sương rơi ướt áo, gió lạnh căm căm, lão giang hồ tuổi "thất thập" chống gậy cầm xấp vé số vừa đi vừa hát những bài tình ca buồn. Giọng hát của lão trầm khàn, đôi lúc xen những cơn ho khù khụ. Tiếng hát ẩn niềm đau về những mối tình, chứa giọt nước mắt sầu thương chát đắng của một cuộc đời đầy giông bão…


1.Nguyễn Văn Hảo vỗ ngực tự hào là trai Hà thành, sinh ra trong gia đình công chức ngành đường sắt. Chiến tranh loạn lạc, gia đình lão phải về vùng nông thôn của huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) sơ tán và sống bằng nghề trồng lúa. Lão lớn lên, học mới đến y tờ thì nghỉ đi chăn trâu. 10 tuổi, lão theo cánh trai làng lên Hà Nội nuôi mộng đổi đời.

Thời gian đầu, nhóm của lão bám khu vực chợ Đồng Xuân, chuyên đi mang vác hàng hóa cho chủ sạp. Sau được các tiểu thương tin tưởng giao nhiệm vụ trông coi hàng hóa vào ban đêm. Từ đó, nhóm của Nguyễn Văn Hảo trở thành "bảo kê" thứ thiệt ở chợ. Ngoài bảo vệ hàng hóa, những gã giang hồ "non" còn kiêm luôn chiếm lĩnh địa bàn bán buôn cho các ông bà chủ. Hễ nhóm nào bén mảng tới khu vực chợ kiếm ăn tức thì cánh giang hồ này sẽ "gầm gừ" ngay.

Lão vừa bán vé số vừa hát tình ca đượm buồn.

Sống ở chợ trời quen, Nguyễn Văn Hảo cùng đồng đội sẵn sàng "xả thân" để bảo vệ quyền lợi cho chủ và khuếch trương thanh thế. Nhiều cuộc giao tranh "máu me" diễn ra ngấm ngầm giữa đêm. 19 tuổi nhưng Nguyễn Văn Hảo đã có thâm niên gần 10 năm ăn dầm nằm dề đời giang hồ xóm chợ.

Tuy nhiên, giang hồ thời của Hảo không hề cướp bóc, trộm cắp của nhân dân, mà sống bằng sức lao động. Chính cái sự tử tế ấy mà Hảo lọt vào mắt xanh của một cô tiểu thư con bà chủ sạp bán quần áo chợ Đồng Xuân. Gia đình cô gái sau khi biết chuyện đã cấm cửa và đuổi Hảo ra khỏi khu chợ.

Với thanh thế và quyền uy của mình, cha cô gái thỏa thuận với các tiểu thương cắt đứt việc làm ăn với Hảo, đuổi nhóm giang hồ đi chỗ khác. Hảo cay cú, thù hận nhưng vì yêu cô gái nên cắn răng kiềm chế, không manh động. Đồng đội của Hảo lao đao sau khi bị đổ bỏ chén cơm. Hảo dứt tình yêu với cô tiểu thư, trở về quê làm bạn với con trâu, cái cày.

Đất Lạc Dương, nơi lão ẩn náu phần đời còn lại.

Được thời gian, cô gái mò xuống tận nhà tìm Hảo và nhất quyết không trở về nữa. Cha mẹ Hảo tặc lưỡi chấp nhận cô con dâu không hôn thú, mặc cho miệng lưỡi người đời cười chê, dè bỉu. Gia đình cô gái thuê giang hồ hùng hổ kéo xuống nhà Hảo, được lệnh đâm, chém hết mình nhưng không được cho Hảo chết. Kết quả, Hảo bị đa chấn thương, mặt mũi bầm dập te tua, cô gái thì bị lôi sền sệch về nhà.

Quá cay cú với trò chơi đao búa của bố mẹ người yêu, Hảo dắt sẵn con dao chọc lợn trong người âm thầm tìm đến để trả thù. Vừa tới nơi, máu thù hận sôi sục, Hảo quyết sống mái để rửa hận thì tiếng kèn trống thê lương vang vọng não nề trong nhà người yêu. Hảo chết đứng khi thấy di ảnh cô gái trên bàn thờ. Chân tay Hảo bủn rủn, đầu gối khuỵu xuống, nước mắt trào ra, người yêu Hảo đã uống thuốc tự tử sau khi bị bắt trở về nhà.

Ý định rửa thù tan theo bọt bèo, Hảo loạng choạng bước ra đường, chạy một mạch đến đường ray xe lửa, muốn gửi thân xác theo chuyến tàu. Bác bảo vệ phát hiện giật Hảo quay lại, ông tát vào mặt Hảo mấy cái nảy đom đóm rồi quát: "Muốn chết thì đi chỗ khác, chết ở đây mang tiếng tao".

Người bảo vệ nhà ga dẫn Hảo đến một am thờ ngay bên cạnh đường ray, ông nói: "Thấy không, chết rồi còn nằm hoang lạnh ngoài này, cha mẹ chẳng biết đâu mà tìm. Ai bắt tội mà phải hành động dại dột như vậy". Nhìn vào mắt Hảo, ông đoán được ít nhiều tâm sự và nỗi khổ của một chàng trai có nanh trong mắt, nhưng lại có sỏi trong tim. Hảo giãi bày mọi chuyện, rút hết gan ruột bộc bạch. Ông bảo vệ cho Hảo ăn bữa cơm thật no, rồi bảo hãy ở lại trạm gác tàu với ông vài ngày mà tĩnh tâm, khi nào muốn thì đi.

Tiếng hát của lão trở thành âm thanh quen thuộc giữa chợ đêm.

2.Những ngày ở ga tàu, Hảo được sống lại không khí hối hả, nhộn nhịp của tháng năm chợ đêm. Nỗi nhớ về một tình yêu non trẻ, sốc nổi mà quá đỗi ngọt ngào hằng đêm choáng lấy tâm trí của Hảo. Hình bóng người yêu lúc nào cũng lởn vởn quanh đầu, Hảo không sao tập trung được.

Giữa đêm, Hảo thường ra trạm gác ngồi tha thẩn nghe tiếng còi tàu hú dài ngoài sân ga. Kẻ vội vã xuống, người hối hả lên cho những hành trình của cuộc đời. Nghĩ đến thân phận nổi trôi của mình, Hảo bế tắc cùng cực. Có tiếng rao đêm yếu ớt nhưng quen thuộc của người đàn bà ở sân ga: "Ai bánh rán đây". Tiếng rao ấy đêm nào Hảo cũng nghe và dáng hình nhỏ nhắn thoăn thoắt ấy cũng trở thành một thói quen trong màn đêm.

Qua lời kể của ông bảo vệ thì người đàn bà bán bánh rán hơn Hảo 3 tuổi, không chồng và có một đứa con trai. Chị bán ở ga tàu ngót 10 năm, cũng thuộc hạng "chợ búa" chứ chẳng vừa. Qua vài lần hỏi han, Hảo trở thành khách hàng thân thuộc của chị bán bánh rán. Những đêm bán ế, chị thường gửi bánh cho những người bảo vệ ga tàu và Hảo ăn cho ấm bụng. Mối tình chị em ấm dần lên trong những đêm gió mùa Đông Bắc tràn về.

Trai thất tình gặp gái một con, Hảo "ập" vào cuộc đời người đàn bà lúc nào không biết. Đứa con trai của chị, Hảo thương như con của mình. Được sự vun vén của đội quân mai mối ga tàu, Hảo chính thức là bờ vai của hai mẹ con người đàn bà bán bánh rán. Hảo dọn về căn nhà lá nép bên đường ray, ngày phụ "vợ" làm bánh rán, đêm bưng hàng ra ga tàu. Một túp lều tranh hai trái tim vàng cứ cuốn quýt bên nhau, hạnh phúc nhỏ nhoi trong nghèo khó. Hảo dẫn hai mẹ con về ra mắt gia đình, nhưng bị từ chối và đuổi đi.

Bố Hảo sỉ vả thẳng vào mặt con trai: "Mày đường hoàng là trai tơ, lại đi rước gái không chồng mà có con. Mày định bôi tro chát trấu vào mặt tao đấy à". "Vợ" Hảo tủi quá, ôm mặt khóc nức nở bỏ chạy ra khỏi nhà. Hảo gầm lên một tiếng, chạy theo "vợ" và thề rằng sẽ không bao giờ quay trở về căn nhà này nữa.

Cuộc sống của vợ chồng Hảo êm đềm trôi đi theo những chuyến tàu. Rổ bánh rán ngày càng đầy hơn, nặng hơn khi ba đứa con ra đời. Người vợ của Hảo ngày càng héo mòn hơn với những gánh nặng cơm áo. Trong một đêm đông rét mướt, vì cố gắng bám víu theo đoàn tàu đang lăn bánh mà người đàn bà ấy bị bánh tàu cuốn vào đường ray, tan xương nát thịt.

Những chiếc bánh rán lăn long lóc giữa trời đêm, sân ga gào khóc tiễn một người đi. Nghe tin vợ gặp tai nạn, Hảo rống lên như một con thú, quằn quại, đau đớn tận xương thủy. Những ngày đông năm đó, Hảo như một người điên, lang thang, vạ vật quanh nhà ga, như để cố kiếm tìm một thứ gì đó. Cha mẹ Hảo lên đón mấy đứa cháu về nuôi, để mặc Hảo ở lại sân ga một mình. Hảo tâm sự với người bảo vệ: "Bây giờ cháu muốn đi tới một nơi nào đó thật xa để làm lại cuộc đời. Cháu ở đây sẽ bị quá khứ ám ảnh đến chết thôi". Bác vệ gật đầu.

Hảo nhảy lên chuyến tàu đêm vắng lặng với một tâm trạng chênh vênh. Tàu cập nhiều ga nhưng Hảo vẫn chưa biết dừng ở bến nào. Ga Sài Gòn là chặng cuối cùng của chuyến tàu Bắc - Nam, Hảo lững thững xuống tàu, cảnh náo nhiệt ở nhà ga không còn lạ lẫm với gã giang hồ từng trải nữa. Hảo liều mình xin làm một chân khuân vác ở nhà ga kiếm bữa cơm qua ngày. Cuộc sống chợ đời bám riết lấy người đàn ông này, nhiều lúc Hảo muốn buông xuôi tất cả.

Tình cờ gặp được một thương nhân buôn chè từ Lâm Đồng xuống, Hảo quyết định theo ông ta lên vùng Tây Nguyên lập nghiệp. Đất Lâm Đồng hơn 30 năm về trước nhiều vùng còn hoang sơ và thăm thẳm, chỉ có rừng rậm và thú dữ. Người đàn ông mách Hảo đến khu vực Lạc Dương khai khẩn đất đai mà trồng cà phê. Hảo hăm hở lên đường. Sau ba năm cuốc bẫm vun trồng, Hảo đã có một đồi cà phê xanh mướt và một ngôi nhà nhỏ. Hảo về quê đón các con vào chia đất đai cho chúng làm ăn sinh sống.

Sau khi các con lần lượt lấy vợ, lấy chồng có cuộc sống riêng, thì chỉ còn một mình Nguyễn Văn Hảo cô đơn bên kia sườn dốc cuộc đời. Bao nhiêu năm chôn đời nơi rừng sâu núi thẳm, quá khứ cũng tan chảy theo thời gian. Khi tâm đã tĩnh, lòng đã nguôi, Nguyễn Văn Hảo lại nhớ phố phường nhộn nhịp, nhớ cuộc sống chợ đêm lắm cạm bẫy thời trai trẻ. Lão lẳng lặng gói quần áo về chợ Đà Lạt, thuê một căn nhà nhỏ dưới gầm cầu thang hành nghề vé số. Tiền kiếm được lão chia sẻ cho những người già cùng cảnh ngộ và trẻ em nghèo quanh xóm chợ.

Các con biết chuyện đánh xe xuống bắt lão về, nhưng lão chỉ tay quát: "Đây là cuộc sống của tao, chúng mày không hiểu được đâu". Và cứ thế, mỗi đêm, chợ Đà Lạt lại văng vẳng tiếng hát của người bán vé số già. Tiếng hát cứ réo gọi, đong đầy nỗi nhớ về một mối tình, chứa những nỗi niềm, giọt nước mắt sầu thương chát đắng của một cuộc đời đầy giông bão.

Ngọc Thiện
.
.
.