Xử lý tình trạng thanh, thiếu niên đua xe để "định danh"
Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, các thanh, thiếu niên vùng nông thôn đi làm ăn ở xa, về quê nghỉ dịch, đã tập tụ, lôi kéo hình thành các nhóm để đua xe. Tại các vùng nông thôn tại Tây Nam Bộ, chưa phát hiện các đối tượng tổ chức đua xe với hình thức ăn thua bằng tiền, phần lớn thanh, thiếu niên tập trung lại, chạy xe thành nhiều hàng với tốc độ cao, nẹt pô rồi lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Mới đây, Công an huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã mời một số thanh niên làm việc, củng cố hồ sơ để xử lý về hành vi tụ tập cổ vũ, đua, kéo xe trái phép và gây rối trật tự công cộng. Đồng thời, lập biên bản tạm giữ xe tải nhóm “quái xế” dùng để chở phương tiện đến để tổ chức đua xe trái phép và 5 xe máy các loại.
Theo Ban Chỉ huy Công an huyện Chợ Gạo, vào rạng sáng cùng ngày, khoảng 10 “quái xế” chạy xe máy đã thay đổi kết cấu, đặc tính, hình dáng, có hành vi chặn ngang tuyến quốc lộ 50 đoạn qua huyện Chợ Gạo đểđua, kéo xe, rú ga, nẹt pô. Ngoài ra, có khoảng 30 người khác tụ tập 2 bên đường cổ vũ, gây mất ANTT.
Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự (CSGT-TT) Công an huyện Chợ Gạo phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang triển khai lực lượng, tiến hành vây bắt nhóm thanh niên này. Khi phát hiện lực lượng chức năng, nhóm “quái xế” đã lao xe vào các con hẻm nhỏ để tẩu thoát. Lực lượng làm nhiệm vụ đã bắt quả tang và mời một số trường hợp liên quan làm việc, lập hồ sơ xử lý. Đa phần các đối tượng ở tuổi thanh, thiếu niên.
Theo Thượng tá Mai Hữu Đức, Trưởng Công an huyện Chợ Gạo, ngay sau khi nới lỏng giãn cách, một số trường hợp thanh, thiếu niên ra đường tụ tập tổ chức đua xe trở lại. Lực lượng CSGT, Công an các xã, phường, thị trấn nắm chắc tình hình, nhất là tuyến giao thông thường xuyên xảy ra tụ tập. Qua đó, phát hiện xử lý, truy cứu trách nhiệm đối tượng cầm đầu. Song song đó, tiến hành ngăn chặn, xử lý ngay từ ban đầu, không để hình thành nhóm có nhiều đối tượng tụ tập, cổ vũ đua xe trái phép, gây mất ANTT, an toàn cho người tham gia giao thông…
Việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn ngừa, giải quyết khi các đối tượng vừa tụ tập, chưa thực hiện được hành vi đua xe là một trong những giải pháp mà Công an các tỉnh, thành Tây Nam Bộ lựa chọn.
Thượng tá Lê Thắng Lợi, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh An Giang cho biết, để đấu tranh, giải quyết tình trạng đua xe trái phép trên địa bàn, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác điều tra cơ bản. Đặc biệt làm nắm danh sách các đối tượng tổ chức đua xe, đối tượng thực hiện hành vi đua xe, cổ vũ, kích động, gây cản trở, gây rối hoặc chống người thi hành công vụ.
Nắm tình hình thông qua các mạng xã hội, thông qua hệ thống camera giám sát ANTT, ATGT, từ đó lên sơ đồ các tuyến đường thường xảy ra đua xe và tổ chức đua xe để có phương án đấu tranh, bắt giữ hiệu quả. Đặc biệt, sử dụng hình ảnh được ghi từ camera giám sát, thông tin từ người dân cung cấp để có biện pháp đấu tranh làm rõ.
Theo Thượng tá Lợi, qua các vụ bị triệt phá, ngăn chặn, đối tượng tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép thường là những thanh, thiếu niên có tuổi đời còn rất trẻ, do ham vui, bốc đồng mà có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với hành vi tổ chức đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, để công tác phòng, chống đua xe, cổ vũ đua xe trái phép đạt hiệu quả cao, rất cần sự vào cuộc tổng thể của các ngành chức năng, sự giúp đỡ tích cực của người dân trong phát hiện, xử lý các đối tượng cố tình vi phạm. Cần nhất vẫn là sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường trong quản lý giáo dục con em, đặc biệt trong vấn đề sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông.
Ở một góc độ khác cho thấy, ngoài thể hiện sự bốc đồng của tuổi trẻ thì tại các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, các đối tượng đua xe để “định danh” cho “lò độ xe” của mình. Chính vì thế, Phòng CSGT đường bộ Công an các tỉnh, thành thường xuyên phối hợp cùng các Đội CSGT–TT Công an các thành phố, huyện, thị xã kết hợp với Công an xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách các cơ sở sửa chữa xe mô tô trên địa bàn.
Thành lập Tổ công tác đến các điểm sửa chữa xe để kiểm tra, tuyên truyền, vận động chủ cơ sở có ý thức trách nhiệm trong phòng, chống đua xe trái phép. Qua đó, chủ cơ sở tự nguyện cam kết không thay đổi hình dáng, kết cấu, không đôn dên, xoáy nồng xe… cho các đối tượng có biểu hiện đua xe.