Nhiều người vẫn “sập bẫy” góp vốn qua mạng
Ngay sau Tết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM & PCTP) sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được một số tin tố giác tội phạm liên quan đến thủ đoạn lừa đảo qua mạng khiến cho nhiều người bị “sập bẫy”, trong đó có trường hợp bị các đối tượng xấu chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 2 tỷ đồng.
Mất tiền tỷ vì góp vốn “đầu tư tài chính”
Chị Phan Thị T. (trú phường Xuân Phú, TP Huế) vừa đến Phòng ANM & PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trình báo bị các đối tượng lừa hơn 2 tỷ đồng sau khi góp vốn làm ăn qua mạng.
Trước đó, cuối năm 2023, chị T có quen biết đối tượng có Facebook tên Hùng. Hùng đã gây ấn tượng với chị bằng hình ảnh đại diện sang trọng và giới thiệu bản thân đang sống tại TP Hồ Chí Minh và đã ly dị vợ. Qua những cuộc trò chuyện trực tuyến, chị T nghĩ Hùng là một người đàn ông có trách nhiệm, có học thức và phong cách nói chuyện lịch sự. Điều đặc biệt là Hùng thường xuyên chia sẻ về cuộc sống giàu có và nguồn thu nhập “khủng” từ các hoạt động đầu tư của mình. “Sau một khoảng thời gian, Hùng bắt đầu đề xuất giúp tôi tăng thu nhập thông qua việc đầu tư tài chính. Cách thuyết phục của anh ấy khiến tôi cảm thấy rất tin tưởng và quyết định theo đuổi”, chị T nhớ lại.
Lúc này, Hùng đã gửi cho chị T một liên kết để tạo tài khoản trên ứng dụng có tên là Vinpeal. Trong suốt quá trình giao dịch, chị T được sự hỗ trợ từ đội ngũ chăm sóc khách hàng trên ứng dụng, giúp chị T trong việc mua bán cổ phiếu, đổi tiền và rút tiền về tài khoản cá nhân. Chị T cho biết, ban đầu, chị đầu tư 250 triệu đồng và nhận được lợi nhuận là 35 triệu đồng. Tiếp đó, chị T đầu tư số tiền cao hơn thì đều được nhận lại lợi nhuận cao hơn. Điều này khiến chị T tin tưởng và yên tâm trong việc đầu tư thêm.
“Sau đó, tài khoản Facebook tên Hùng nói với tôi rằng, nếu muốn kiếm được lợi nhuận lớn hơn nữa thì cần phải nâng cấp lên thẻ VIP. Hùng còn nói sẽ hỗ trợ tôi nếu tôi không đủ khả năng tài chính. Tin vào lời Hùng, tôi đã quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng để đăng ký thẻ VIP 1”, chị T kể lại và cho biết thêm, không ngờ, sau khi chuyển 2 tỷ đồng vào tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng thì chị T bị chiếm đoạt. Lúc này, chị T không liên lạc được với tài khoản Facebook tên Hùng cũng như đã bị cắt đứt mọi liên lạc.
Hay mới đây, chị Trần Thị Đ.T (trú phường Hương Long, TP Huế), một trong những nạn nhân của các đối tượng lừa đảo qua mạng cho biết, vừa nhận được cuộc điện thoại từ số điện thoại lạ thông báo rằng, chị đã nhận được một sản phẩm từ Adore Dress- một cửa hàng thời trang mà chị thường xuyên mua sắm. Kèm theo đó, chị T được yêu cầu kết bạn trên Facebook với người quản lý của nhãn hàng trên và chia sẻ về việc làm có lợi nhuận cao từ việc chuyển tiền. Chị T được hứa hẹn sẽ nhận lại liền số tiền đã chuyển cùng với lãi suất cao. Tuy nhiên, sau đó, chị liên tục được yêu cầu chuyển thêm tiền để có thể rút được số tiền gốc đã đầu tư. Tin tưởng vào lời hứa, chị T đã chuyển tổng cộng hơn 680 triệu đồng theo yêu cầu của một tài khoản Facebook tên là Vũ Thành Trung. Nhưng sau đó, chị không nhận được số tiền như đã được cam kết…
Theo Phòng ANM & PCTCP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn rất tinh vi, đó là tạo hồ sơ cá nhân giả mạo trên mạng xã hội với thông tin hoành tráng rồi nhằm lôi kéo các nạn nhân qua tin nhắn, quảng cáo sàn đầu tư có nguồn gốc nước ngoài, hứa hẹn lợi nhuận khủng. Ban đầu các đối tượng tư vấn, hướng dẫn người đầu tư góp số tiền nhỏ và được chia lợi nhuận cao. Tiếp đó, các đối tượng dẫn dụ người chơi đầu tư số tiền lớn hơn và không thể rút tiền trên ứng dụng hoặc website… Cơ quan Công an khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web, ứng dụng không rõ ràng, không được cấp phép bởi Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường…
Nữ sinh viên dính bẫy kẻ mạo danh ngân hàng
Cuối năm 2023, có nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 116 cho sinh viên đang theo học các ngành Sư phạm được thanh toán về tài khoản ngân hàng cá nhân của sinh viên. Khi niềm vui nhận được tiền chưa bao lâu, thì mới đây, nữ sinh viên D.H.H.L. đang theo học tại Trường đại học Sư phạm Đại học Huế trở nên hoảng loạn, lo lắng khi bị “sập bẫy” lừa đảo lừa số tiền 20 triệu đồng. Đây cũng là tài sản rất lớn đối với hoàn cảnh của gia đình nữ sinh L.
Theo nữ sinh L., số tiền hỗ trợ theo Nghị định 116 vừa được chuyển về trong tài khoản cá nhân một thời gian ngắn thì có một số điện thoại lạ điện đến, giới thiệu là ngân hàng và yêu cầu sinh viên L phải kích hoạt thẻ sinh viên mới có thể rút được tiền hỗ trợ. Nếu không thực hiện, số tiền đó sẽ bị thu hồi. Sau một hồi trao đổi qua lại, các đối tượng hướng dẫn L làm theo các thao tác và cung cấp mã OTP trên điện thoại cho các đối tượng để kích hoạt thẻ sinh viên.
Nhưng khi L vừa cung cấp mã OTP xong thì toàn bộ số tiền trong tài khoản của mình đã biến mất. Lúc này, nữ sinh viên hốt hoảng thì các đối tượng trấn an và cho hay, chỉ cần nộp thêm một số tiền vào tài khoản để xác minh rằng, tài khoản đã hoạt động. Và, toàn bộ số tiền trước và sau sẽ được phục hồi, rồi L có thể rút hết số tiền đó. Lúc này, L tiếp tục dùng tiền để thuê trọ nộp vào tài khoản của mình. Ngay sau khi nộp vào, số tiền đó cũng lập tức bị biến mất. Đợi mãi mà vẫn không thấy số tiền trả về lại tài khoản, nữ sinh viên thắc mắc thì các đối tượng lại dùng chiêu trò tương tự, lừa nữ sinh tiếp tục nộp thêm tiền vào tài khoản.
Mong muốn lấy lại tiền, L điện thoại cho bố mẹ xin thêm tiền nộp tiền vào tài khoản. Thấy có dấu hiệu bị lừa đảo, gia đình đã liên hệ với nhà trường để xác minh thông tin và mới phát hiện, L bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo. Theo nữ sinh L., đối tượng gọi điện thoại đến đọc đúng tên tuổi, ngày tháng năm sinh, lớp học và cả địa chỉ quê quán nên L không có chút nghi ngờ nào và tin tưởng những gì đối tượng yêu cầu.
Trường Đại học Sư phạm Đại học Huế cho biết, sau sự việc nữ sinh D.H.H.L. bị các đối tượng lừa đảo qua mạng, nhà trường nắm thông tin từ sinh viên thì đã có rất nhiều sinh viên cũng nhận được các cuộc điện thoại lừa đảo tương tự. Rất may, các sinh viên khác đã tỉnh táo và không để sập bẫy của các đối tượng. Điều đáng nói, các đối tượng lừa đảo đã nắm bắt sinh viên học ngành Sư phạm nhận được hỗ trợ theo Nghị định 116, cùng với đó các thông tin cá nhân của sinh viên đã bị đánh cắp. Vì vậy, sinh viên cần hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ các quy định và khi nhận các cuộc điện thoại lạ cần liên hệ với nhà trường để tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo.