Cảnh báo về những tin giả liên quan đến thị trường đầu tư tài chính

Nhiều hệ lụy từ việc tán phát tin giả, sai sự thật (bài 1)

Thứ Năm, 17/11/2022, 10:45

Sau tin giả về đại dịch COVID-19, thời gian qua trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin thiếu kiểm chứng liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội. Tình trạng tán phát thông tin trên diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời đặt ra nhiều thách thức mới đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Loạn thông tin thiếu kiểm chứng

Chỉ cần lướt trên mạng xã hội, các trang mạng phản động… người ta có thể dễ dàng nhìn thấy hàng loạt thông tin tiêu cực liên quan đến thị trường chứng khoán, tài chính. Những thông tin này rộ lên như "nấm mọc sau mưa", đặc biệt là sau thời điểm Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo một số doanh nghiệp như Tập đoàn FLC, Tập đoàn Đầu tư An Đông. Chẳng hạn như sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an xửlý một số cá nhân liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trên trang face[1]book có tên là Trần Mạnh Kiên đã đăng bài với tít "Liên quan vụ này đã có 2 người chết bất đắc kỳ tử dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh".

Thực tế trước đó, vào sáng 8/10, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt giữ Trương Mỹ Lan (SN 1956), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 3 đồng phạm về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nhiều hệ lụy từ việc tán phát tin giả, sai sự thật ( bài 1) -0
Một số thông tin thiếu kiểm chứng được đăng tải.

Theo kết quả điều tra, ngày 7/10/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 3 bị can đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", gồm: Trương Huệ Vân (SN 1988), Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng (SN 1984), Trợ lý Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương (SN 1972), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cơ quan điều tra xác định, các bị can trên có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019. Lợi dụng thông tin chính thống vừa kể, các đối tượng đã đưa ra những thông tin thiếu kiểm chứng như trên.

Một tài khoản khác lại viết: "Lý do sâu xa tại sao ngân hàng tăng lãi huy động mạnh tgian (thời gian) gần đây trong khi room tín dụng đã khoá. 1 phần chống lạm phát thôi còn phần chính là để chống bị vào lò liên quan đến trái phiếu. Đọc hết bài mng (mọi người) sẽ rõ! Qua đc (được) đoạn này cả thông tin chuyển khoản và BDS (bất động sản) sẽ tích lũy & phát triển rất mạnh. Tại sao rất nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động rất mạnh để huy động tiền bằng được, dù tín dụng hết room rồi, gần như không giải ngân cho vay mới nữa. Tại sao iSaving của TCBS phải tăng rất mạnh lãi suất huy động, thậm chí lên 10% để huy động tiền?. Tại sao VHM phải chia nhỏ căn hộ ra làm 50 phần để bán?. Tại sao Novaland phải giảm giá đến tận 50% cho khách hàng thanh toán đủ?. Tất cả chỉ chung một lý do thôi: Các tay to đang rất kẹt thanh khoản rồi, đang ra sức dồn tiền để giải quyết vấn đề trái phiếu. Phải mua lại các trái phiếu đã phát hành sai mục đích, mà cả doanh nghiệp BDS, công ty CK và Bank đều tham gia. Ngoài ra, cuối năm nay sẽ đáo hạn 50K tỷ trái phiếu, không thanh toán được thì vào lò. Khi các tay to bí tiền thì buộc phải bán tài sản, để cứu lấy cái tính mạng, nếu không muốn nhảy lầu...". Chủ tài khoản Facebook cá nhân này đã đưa ra những nhận định chủ quan, mang tính cá nhân về thị trường tài chính, gây hoang mang trong dư luận…

Ảnh hưởng nghiêm trọng doanh nghiệp

Theo lãnh đạo Cục An ninh chính trị nội bộ, một số tài khoản mạng xã hội còn phát tán các thông tin bịa đặt, không kiểm chứng về lãnh đạo các doanh nghiệp hoặc chia sẻ các thông tin tiêu cực về việc lãnh đạo các doanh nghiệp lớn. Từ đó, đưa ra các thông tin tiêu cực như "vỡ nợ" hoặc "sẽ bị bắt" gây hoang mang cho nhà đầu tư.

Các thông tin chưa được kiểm chứng trên đã gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nền kinh tế; khoét sâu để xuyên tạc chính sách đối ngoại của Việt Nam; gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nền kinh tế. Điển hình trong số đó là những thông tin liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Sau khi các thông tin trên được đăng tải, nhiều khách hàng đã ồ ạt rút tiền tại ngân hàng. Trước tình hình đó, chiều 8/10, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã họp báo, khẳng định sẽ tăng cường đảm bảo sự an toàn không chỉ của người gửi tiền mà còn của mọi tổ chức tín dụng trong hệ thống. Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, Bộ có nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo sự vận hành và phát triển ổn định của thị trường chứng khoán cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan.

Cùng diễn tiến liên quan sự việc trên, Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã xử lý một số đối tượng. Trong đó, có Nguyễn Kiên Quyết (SN 1982, trú tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Quyết là đối tượng đã có hành vi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng, từ đó tác động xấu đến hoạt động của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội. Qua làm việc, Quyết đã thừa nhận hành vi tự ý soạn thảo, đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt nói trên. Công an tỉnh Hà Nam đang củng cố hồ sơ để xử lý Quyết theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Cục An ninh chính trị nội bộ đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương điều tra xác minh, tiến hành điều tra, xử lý gần 25 trường hợp có hành vi tạo dựng, tán phát, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật. Các trường hợp này chủ yếu khai thác thông tin trên mạng xã hội, thiếu kiểm chứng từ các nguồn báo, đài bên ngoài; từ số đối tượng, tổ chức phản động lưu vong bên ngoài để soạn thảo tin, bài, giật tít, câu view, tán phát, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Các trường hợp chia sẻ thông tin phần lớn là người bán hàng online, chia sẻ bài viết với mục đích là để câu view, tăng tương tác… nhằm trục lợi mà bất chấp hậu quả.

Xuân Mai
.
.
.