Hà Tĩnh: Nhức nhối cả "đất tặc" lẫn "cát tặc"

Thứ Hai, 03/01/2022, 09:19

Trong thời gian gần đây, tình trạng khai thác đất lậu, cát lậu xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, gây ra không ít hệ lụy. Nguyên nhân của vấn đề này được lý giải là do sự thờ ơ, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp.

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành các quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực về đất đai đối với 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực này, số tiền bị xử phạt là hơn 120 triệu đồng. Trong đó, Công ty CP Xây dựng và thương mại Đức Toàn (trụ sở tại TP Hà Tĩnh) bị xử phạt số tiền 30,318 triệu đồng do được cấp phép khai thác khoáng sản để khai thác đất làm vật liệu san lấp nhưng quá trình khai thác, công ty này có hành vi chiếm đất nông nghiệp với diện tích 0,265ha mà chưa hoàn thành thủ tục thuê đất theo quy định của pháp luật.

Hai doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Cường Trường và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hùng Thuận, đều có trụ sở tại huyện Can Lộc, bị phạt hành chính số tiền lần lượt là 59,928 triệu đồng và 31,440 triệu đồng, lý do là các doanh nghiệp này đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất san lấp nhưng chưa hoàn thành thủ tục thuê đất theo quy định. Trước đó, vào tháng 9/2021, một doanh nghiệp khai thác đất tại huyện Kỳ Anh cũng đã bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép khai thác vì đã không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo nghĩa vụ với số tiền 28 tỷ đồng.

Cùng thời gian này, trên địa bàn huyện Can Lộc, Thanh tra Sở TN&MT phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, phát hiện và bắt quả tang vụ khai thác đất trái phép tại thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga với hàng nghìn m3 đất đã bị các đối tượng ngang nhiên khai thác, vận chuyển ra khỏi địa bàn. Đây là khu vực đất rừng sản xuất, với diện tích 10.791,1m2 do một hộ dân trên địa bàn quản lý. Điều đáng nói, vào ngày 8/2, chính quyền địa phương đã phát hiện sự việc, tiến hành lập biên bản, niêm phong máy xúc nhưng sau đó các đối tượng đã ngang nhiên gỡ bỏ niêm phong và tiếp tục khai thác đất trái phép.

Cùng với nạn "đất tặc", trên dọc các tuyến sông, nhất là khu vực giáp ranh với tỉnh Nghệ An, nạn "cát tặc" cũng diễn biến hết sức phức tạp. Mới đây, tổ liên ngành do Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh chủ trì, phát hiện trên tuyến sông Lam - khu vực giáp ranh giữa xã Quang Vĩnh (Đức Thọ) và xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có 2 sà lan đang có hành vi hút cát trái phép từ dưới lòng sông lên khoang chứa, thu giữ 45m3 cát. Trước đó, lực lượng chức năng cũng liên tiếp phát hiện nhiều vụ khai thác cát trái phép khác. Có thời điểm chỉ trong 1 ngày, Công an các địa phương Nghi Xuân, Hương Khê bắt giữ 3 vụ khai thác cát trái phép trên sông.

5-3.jpg -0
Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ nhiều vụ khai thác cát trái phép trên sông.

Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng khai thác cát trái phép nhỏ, lẻ trên các tuyến sông ở Hà Tĩnh vẫn còn diễn ra khá phức tạp, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, với nhiều thủ đoạn đối phó lực lượng chức năng, như: Chọn thời điểm vào đêm khuya đến sáng sớm để hút cát trái phép, khi bị phát hiện sẵn sàng chống đối, không cho lực lượng chức năng tiếp cận thuyền, phà để bỏ chạy, gây mất ANTT.

Cùng quan điểm này, Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT Hà Tĩnh Lê Tài Tuấn cho rằng, trong những năm qua, tình trạng khai thác đất, cát trái phép vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Vấn nạn này không chỉ gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước mà còn gây sạt lở bờ sông, xáo trộn môi trường, gây bức xúc trong dư luận và dẫn tới nhiều hệ lụy khác.

Một trong những lý do chính khiến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, là sự buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết của chính quyền cấp xã trong việc ngăn chặn. Thậm chí, một số xã còn buông lỏng để các tổ chức, cá nhân vào khai thác khoáng sản trái phép nhằm thu lợi bất chính. Thực tế tại tỉnh Hà Tĩnh, đã có không ít cán bộ xã bị kỷ luật, nhẹ thì khiển trách, nặng thì đình chỉ công tác, cách chức, xảy ra tại các xã Thạch Bàn (Thạch Hà), Thượng Lộc (Can Lộc), Kỳ Tây (Kỳ Anh) và xã Hà Linh (Hương Khê), vì có sai phạm liên quan tới công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, nhất là để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, do lợi nhuận mang lại là rất lớn, nên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra rầm rộ tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, đặc biệt là nạn khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ, phối hợp với Công an các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các địa phương, lực lượng liên quan để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 167 vụ khai thác khoáng sản trái phép, xử lý 150 vụ, 185 đối tượng và xử phạt 317,8 triệu đồng. Cùng đó, các địa phương tiến hành xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực khoáng sản 1,2 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an trong tỉnh đã phát hiện, xử lý 25 vụ khai thác cát trái phép.

Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường đấu tranh, phát hiện, xử lý rất nhiều vụ việc liên quan nhưng do lợi nhuận lớn, hoạt động này vẫn tái diễn. Ngoài việc các đối tượng ngày càng có nhiều chiêu trò đối phó với lực lượng chức năng, thì nguồn kinh phí cũng như phương tiện, công cụ của ngành chức năng chưa được đáp ứng đầy đủ nên công tác kiểm tra chưa thường xuyên, khó khăn trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản cũng là một rào cản.

Mặt khác, trong nhiều năm qua, ngành chức năng đã phát hiện hàng trăm vụ việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép nhưng phần lớn chỉ xử phạt hành chính, rất ít trường hợp bị khởi tố hình sự nên chưa đủ sức răn đe. Đó là những nguyên nhân khiến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn Hà Tĩnh trong những năm gần đây tiếp tục có những diễn biến phức tạp, gây ra không ít hệ lụy cho chính quyền và nhân dân.

Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Trong những năm qua, công tác quản lý đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn còn có những lỗ hổng, gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, Ngành TN&MT Hà Tĩnh cần phải chấm dứt tình trạng chưa đấu mỏ đã biết ai trúng". Thống kê cho thấy, từ năm 2015 tới nay, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đấu giá thành công 34 mỏ khoáng sản làm VLXD, trong đó năm 2021 đấu giá thành công 17 mỏ, trong đó có 13 mỏ đất, 3 mỏ cát và 1 mỏ đất sét, thu ngân sách hơn 21 tỷ đồng.

Thiên Thảo
.
.
.