Mở ra cơ hội sống cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo

Thứ Năm, 23/03/2023, 05:54

Cháu bé chỉ 1 tuổi, nặng 6,7kg, mắc bệnh rối loạn chuyển hoá mật hiếm gặp, mọi phương pháp cứu chữa đều không còn hiệu quả, chỉ có ghép gan; bé trai khác bị xơ ung thư gan giai đoạn cuối, nếu không ghép gan, cháu sẽ tử vong…

Những em bé còn rất nhỏ đã phải mang trọng bệnh, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, nhờ có kỹ thuật ghép tạng, các bé đã hồi sinh sự sống. Sau ca ghép gan đầu tiên vào năm 2005, hiện đã có 37 trẻ được cứu sống nhờ kỹ thuật khó bậc nhất trong ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

ghép gan.jpg -0
Một ca ghép gan cho bệnh nhi do các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện.

Nhiều em bé bên bờ “cửa tử” được hồi sinh

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương không thể quên ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi, cân nặng thấp nhất được thực hiện tại Việt Nam. Đó là cháu T.V.H (1 tuổi, trú tại Mỹ Lộc, Nam Định) được chẩn đoán vàng da, ứ mật từ lúc 3 tháng tuổi do hội chứng rối loạn chuyển hoá mật hiếm gặp PFIC type 2.

Cháu bé đáp ứng với điều trị kém, thường xuất hiện triệu chứng vàng da nặng, gan lách to, suy gan và thường xuyên phải nhập viện điều trị các triệu chứng suy gan. Nếu không được ghép gan kịp thời, cháu bé sẽ tử vong.

Ghép gan cho bé H là một thách thức rất lớn với đội ngũ thầy thuốc nước ta, bởi đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, chỉ với cân nặng 6,7kg, kỹ thuật ghép khó khăn hơn rất nhiều. Bố của bé là anh T.V.T (27 tuổi) cho con một phần gan trái. PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khi đó là Trưởng Khoa Ngoại cho biết, với các mạch máu có kích thước vô cùng nhỏ (khoảng 1,3mm) của một em bé 6,7kg, phải nối dưới kính hiển vi điện tử, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề rất cao.

Mức cân nặng dưới 7kg để tiến hành ghép gan là rất khó khăn. Sau 12 giờ phẫu thuật căng thẳng, dưới sự giúp đỡ của nhóm chuyên gia Bệnh viện Taipei Veterans General Hospital, Đài Bắc, ca ghép đã kết thúc thành công. Cháu bé đã hồi sinh sự sống từ nguồn tạng của cha đã khoẻ mạnh dần, xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình.

Năm 2022, trong thời điểm Hà Nội căng thẳng đối mặt với dịch COVID-19, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành ghép gan cho bé trai B.A (9 tháng tuổi, ở Lâm Đồng) khi sự sống của bé chỉ được tính bằng ngày. Khi đó, bé A nhập viện trong tình trạng xơ gan mật tiến triển của trẻ teo mật bẩm sinh.

Do thiếu máu và rối loạn đông máu nặng, bé thường xuyên phải sử dụng các chế phẩm máu và thuốc điều trị hỗ trợ. Để cứu sống bệnh nhi, ghép gan là phương pháp duy nhất. Ca ghép gan đã diễn ra với một ê-kíp gồm nhiều chuyên gia đến từ các chuyên khoa khác nhau. Sau 9 giờ căng thẳng, ê-kíp phẫu thuật đã ghép gan cho bé thành công, bé A tìm được sự sống khi một phần gan của người cha hồi sinh trong cơ thể. Kể từ khi ra viện, bé B.A dần ổn định sức khỏe và hòa nhập với cuộc sống thường nhật.

Hay như bé gái H.P (Bắc Giang) cũng mắc căn bệnh nguy hiểm về gan mật, ghép gan là con đường duy nhất để chữa trị cho bé. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ đã ghép gan thành công từ nguồn gan hiến của người cậu. Với gia đình bé P, giây phút nhận được thông báo ca mổ thành công, đó chính là thời khác mà với họ, bé P được sinh ra lần thứ hai. 

Thành công của các ca phẫu thuật đó là dấu mốc khi ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan trẻ em, mở ra những sự sống mới cho các bệnh nhi đang cận kề “cửa tử”.

Ghép gan bất đồng nhóm máu

Ngoài hơn 20 ca thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tự chủ hoàn toàn, thực hiện thành công 17 ca ghép gan cho trẻ có kết quả tốt. Ghép gan là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật và sự phối hợp nhuần nhuyễn đa chuyên ngành như: Ngoại khoa, gan mật, tiêu hóa, hồi sức, gây mê, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh…

Theo PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Từ năm 2005, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện đã tiến hành những ca ghép gan trẻ em đầu tiên với sự giúp đỡ của rất nhiều các cá nhân, tổ chức, chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây nhất là sự giúp đỡ nhiệt tình từ các chuyên gia đến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trong quá trình hợp tác, đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép gan của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ của hai bệnh viện đã thực hiện ghép gan thành công từ người hiến cho sống trên bệnh nhi 18 tháng tuổi ung thư gan giai đoạn cuối và 1 bé gái, 1 bé trai 5 tuổi mắc bệnh teo mật bẩm sinh, cùng các bệnh nhi khác mắc bệnh gan mật nặng. Đến nay, bệnh viện đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép gan.

Đặc biệt, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép gan cho những ca đòi hỏi kỹ thuật cực khó như bất đồng nhóm máu. Ghép gan bất đồng nhóm máu là ngoài nguyên tắc truyền máu, người cho và người nhận không nhận được nhóm máu của nhau.

Theo Đại tá, TS.BS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tuỵ, Trưởng Tiểu ban ghép gan Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – một trong những chuyên gia chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương, để ghép được gan bất đồng nhóm máu, người nhận phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, làm cho hệ thống miễn dịch lu mờ đi, không nhận ra tạng ghép đó.

Sau 2 liệu trình sẽ đánh giá lại kháng thể kháng nhóm máu đó xuống ngưỡng cần thiết hay chưa thì mới ghép được. Ghép tạng bất đồng nhóm máu có một số biến chứng cao hơn một chút, tuy nhiên thời gian sống tương đương với người cùng nhóm máu. Kỹ thuật này tăng thêm cơ hội sống cho người bệnh gan giai đoạn cuối”, TS.BS Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Từ thành công ca ghép gan bất đồng nhóm máu, đã mở ra rất nhiều sự sống mới cho các em bé mắc bệnh về gan không còn phương pháp điều trị hiệu quả. PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh: “Việc các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương làm chủ kỹ thuật cao không chỉ giúp người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị tiên tiến, tiết kiệm thời gian, chi phí phẫu thuật cũng như chi phí đi lại, sinh hoạt so với việc thực hiện ở nước ngoài, mà còn giúp người bệnh thuận lợi hơn trong quá trình tái khám sau ghép”.

Được biết, ngoài làm chủ ghép gan, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã thực hiện ghép thận, ghép tế bào gốc ngoại vi, tế bào gốc tự thân… cứu sống nhiều trẻ mắc các bệnh nguy hiểm khác.

Trần Hằng
.
.
.