Chung tay tiếp sức học sinh nghèo đến trường

Thứ Hai, 14/10/2019, 08:29
Hằng năm, có khoảng 5.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi thuộc 6 tỉnh miền Trung, gồm Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Ngãi được tổ chức Zhishan Foundation (viết tắt là C.I, tổ chức phi chính phủ) trao học bổng tiếp sức đến trường.

Và, trong suốt 20 năm qua, trong số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhờ vào sự tài trợ của C.I đã học hành đỗ đạt, có việc làm ổn định và tiếp tục quay trở lại cùng C.I “chắp cánh ước mơ” cho các thế hệ nối tiếp…

Điển hình em Phan Ngọc Tiến ở TP Đông Hà, Quảng Trị. Gần 20 năm trước, mẹ Tiến một nách 3 con, không mái nhà che mưa nắng, phải nương nhờ nhà ông bà ngoại. Làm lụng cật lực, người mẹ cũng chỉ có thể lo được cái ăn cho gia đình. May mắn khi vào lớp 1, Tiến được nhận học bổng C.I. Liên tục 16 năm từ lớp 1 cho đến đại học đều đặn được sự hỗ trợ này nên đường học của Tiến không bị đứt.

Cùng với đó, khi tuổi lớn, Tiến cũng phụ mẹ làm thêm để có điều kiện đến trường. Tốt nghiệp đại học, Tiến được tuyển vào làm nhân viên hãng xe Sabura. Thu nhập ổn định. Tiến còn mở cửa hàng trà sữa ở trung tâm TP Đà Nẵng.

“Nếu không có học bổng C.I hỗ trợ ngay từ năm em bước vào lớp 1, hẳn em đã có một hành trình đến trường rất khó khăn”, Tiến nói. Vì thế, khi đã có cuộc sống tương đối ổn định, Tiến thường dành một phần thu nhập để chung tay cùng C.I tiếp sức cho trẻ em nghèo.

Em Luyện (phải) đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định ở Nhật.

Hay như chuyện của em Hà Như Luyện, ở thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, cũng đã khiến nhiều người khâm phục bởi nghị lực và tinh thần vượt khó. Luyện là con út trong gia đình có 3 anh em. Hơn 28 năm về trước, nhà Luyện ở biển bãi ngang, nhưng không có tàu vươn khơi. Cuộc sống của cả gia đình 5 miệng ăn phụ thuộc vào nghề nhặt phế liệu chiến tranh còn sót lại trên cát.

Khi Luyện mới 6 tháng tuổi, ba Luyện qua đời sau một tai nạn nổ bom khi nhặt phế liệu mưu sinh. Mẹ luyện cũng vĩnh viễn nằm liệt giường vì mảnh bom găm vào cột sống. Nhà Luyện lâm vào tận cùng cảnh khổ. Luyện lớn lên nhờ những giọt sữa và bữa cơm nghèo của người dì ruột. Anh đầu của Luyện vừa hết cấp 1 cũng bỏ học, theo người cậu ruột tập tành đi biển. Lớn lên, Luyện được bà con chung tay cho đến trường, song khi đến lớp 8 thì không thể gắng được nữa, bởi ai cũng nghèo.

“Đúng lúc đó học bổng C.I tìm về trường. Thầy giáo chủ nhiệm giúp em viết hồ sơ. Cùng với suất học bổng đó và sự giúp đỡ của thầy cô, em không phải nghỉ học”, Luyện bồi hồi nhớ lại. Để chạm tay vào tấm bằng cử nhân, những năm tháng theo học ở Trường Đại học Khoa học Huế, Luyện làm thêm đủ thứ việc, từ giữ xe, chạy bàn cà phê đến bốc vác đá lạnh giao cho các nhà hàng.

“Việc bốc vác đá em làm lâu nhất vì đi làm từ 3 giờ đến 7 giờ sáng là được nghỉ để về đi học. Hồi đó học phí là khoản tiền em lo nhất. Nhờ các anh chị ở Văn phòng C.I giúp đỡ cho mượn tạm rồi tiếp tục xét học bổng cho em sau 1 năm gián đoạn vì em trượt đại học năm nhất. Nhờ đó em tốt nghiệp được đại học”, Luyện kể.

Tốt nghiệp đại học, Luyện đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Có thu nhập ổn định, cuộc sống của mẹ con Luyện đỡ vất vả hơn. Vài năm nay, Luyện luôn dành một phần nhỏ kinh phí hỗ trợ các trẻ em nghèo. Luyện nói: “Hồi xưa ở quê, em cực lắm. Chừ nhìn tụi nhỏ như thấy có hình bóng của mình trong đó nên em muốn góp một chút gì giúp các em. Em mong có thể hỗ trợ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn không thất học”.

Anh Hoàng Trọng Thủy, Trường văn phòng dự án C.I miền Trung cho biết, hơn 20 năm qua, C.I luôn theo sát, đồng hành với trẻ em đặc biệt khó khăn ở 6 tỉnh miền Trung. Bình quân mỗi năm (khoảng 10 năm trở lại đây) có khoảng 5.000 lượt em nhận học bổng bảo trợ dài hạn, nối tiếp liên tục cho đến ngày các em hoàn thành bậc đại học. Điều đáng quý ở các em là sự nỗ lực, khát vọng. Và, hạnh phúc nhất là các em luôn đồng hành cùng chúng tôi, chung tay viết tiếp giấc mơ đến trường cho trẻ em nghèo.

Thanh Bình
.
.
.