Đúng sai cuộc người

Chủ Nhật, 24/10/2021, 13:08

Tôi đang ngồi lẫn vào cỏ cây tránh nắng, xem bạn câu cá. Sau lưng là bờ kè nắn dòng chảy sông Hồng. Bờ kè chia đôi con nước. Một bên ngầu ngầu đỏ, một bên ngăn ngắt xanh. Phía đỏ, thảng hoặc khàn rè tiếng động cơ cũ kĩ của những con tàu chở cát lặc lè ù ì chạy, càng gia bồi tính chất cô liêu của không gian.

Những đá hộc bê tông ít nhiều còn tươi mới đắp xây nên kè, là vật chứng gần như duy nhất dẫn gợi tín hiệu người. Nghĩa là, nơi đây, chỉ cách đường Âu Cơ (Hà Nội) có vài trăm mét đường đò ngang, mà mọi thứ, nói như cụ Nguyễn Tuân, cứ hoang dại như bờ tiền sử.

Trước mặt bạn và tôi là khúc sông xanh ôm lấy bãi giữa. Xa xa bên trái là cầu Thăng Long. Cũng bấy nhiêu khoảng cách về phía đằng phải là cầu Nhật Tân. Cô Quý - người lái đò sông Hồng vừa đưa hai đứa tôi từ bến đò Xù sang đây - kể, rằng cả cuộc đời cô gắn với vùng sông nước này. 67 tuổi vớt được tổng cộng chẵn 60 người nhảy cầu. Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy đủ cả.

Đúng sai cuộc người -0
Cầu Nhật Tân với hệ thống dây văng từ xa trông như những cái nơm úp.

Trong số 60 trường hợp (không hiểu sao phần nhiều là thanh niên trai trẻ) ấy, được mươi trường hợp là thoát chết. Cô bảo, mình làm ơn làm phước không phải để mong cảm ơn, nhưng người ta được cứu sống mà một lời cảm ơn cũng không có. Tôi cứ ngậm ngùi im lặng nghe, chẳng biết thưa lại thế nào. Ở đời nhiều khi phạm trù "ơn" và "oán", "được" và "bị" thật khó rạch ròi minh định. Cô thì cho là người ta được cứu sống, họ ít ra cũng nói cảm ơn người cứu mình một câu mới phải đạo.

Nhưng biết đâu người ta lại oán cô, vì cho là đã bị cô cản đường chết của họ. Người một khi đã nhảy cầu trầm mình xuống sông, thì cũng như "mây quyên sinh bằng mưa" (ý thơ Trần Kim Hoa), cứ rơi tự do nhanh dần đều theo phương thẳng đứng, bất khả đảo chiều, làm gì có ai nghĩ đến tình huống là mình lại được/bị người khác vớt lên trả về mặt đất bao giờ đâu. Và người một khi đã cùng đường tuyệt lộ, xác quyết từ trên cao lao xuống nước rồi, thì còn thiết gì mà đạo lí phải trái nữa.

Mọi đúng sai ở đời đều là chủ quan, tương đối. Cũng như cái việc câu cá mà bạn tôi đang thực hành đây, từ góc nhìn của văn chương xưa thì nó là thú chơi thanh nhã của những tao nhân mặc khách; nhưng từ nhãn quan của sinh thái học nay thì nó lại thuộc về cái sự chinh phục thiên nhiên mang tính trịch thượng của những tục tử phàm nhân. Kệ, chỉ là câu cá thôi mà, ai thích thì cứ câu thôi, miễn là không câu ở nơi có biển cấm. Bạn liến thoắng: "Ông cứ suốt ngày ngồi điều hòa nhàn nhã khép phòng văn, thi thoảng nên theo tôi sang đây mà hít hà khí trời trong lành, mà tìm mà nạp chất liệu cảm hứng sáng tác…

Ông thấy không, cá lúc thì cắn câu liên tục khiến tôi trở tay không kịp, lúc thì cả tiếng đồng hồ chẳng mảy may làm động đậy miếng phao. Câu cá cũng là cách rèn luyện cho mình đức kiên trì, và khả năng chấp nhận. Có buổi tôi câu được non nửa tạ cá. Hôm nay thì ông thấy đấy, chưa đến chục con. Thành quả lao động còn phụ thuộc vào hên xui, không phải cứ mình muốn, mình cố là được...

Mà hai đứa trẻ con nhà tôi không chịu ăn cá, nên tôi câu về vợ chỉ giữ đôi ba con để vợ chồng ăn, còn đâu mang biếu hàng xóm và đồng nghiệp ở cơ quan vợ hết. Người ta thường phải ăn cá nuôi, cá sống trong môi sinh ô nhiễm, cá đông lạnh siêu thị…, nên được con cá tự nhiên sông Hồng tươi rói thế này thì thích mê…". Tôi đùa: "Cô Quý thì cản đường chết của người, còn ông thì cản đường sống của cá".

Cái sự đúng sai sai đúng của việc bạn câu cá mà tôi đang lẩn thẩn nghĩ đưa tôi trở về với ngày xửa ngày xưa, vào một buổi trưa bên bờ đê lộng gió và nắng. Hôm đó, tôi đầu trần chân đất theo đám bạn đi câu, nơi khúc sông bí ẩn nguyên thủy một màu leo lẻo xanh, cạnh rừng dương bên miếu Thành hoàng làng, gần cái đập chắn ngăn xâm nhập mặn. Bạn chiều tôi, nhường hẳn một cần câu, hướng dẫn tôi cách câu.

Ngoắc mồi, rồi buông câu, chờ thấy miếng đót vàng vàng chìm xuống nước là giật cần lên. (Cần câu ngày ấy thủ công thô sơ giản tiện như vậy, chứ không phải là bộ đồ câu sang chảnh xịn sò như của bạn tôi hôm nay). Những con cá rô nhỏ xíu dựng đứng vây, giãy đành đạch, quay mòng mòng trước khi tôi gỡ bỏ vào giỏ. Thì ra tôi cũng biết câu. Tôi sướng ngất ngây, vì câu cá thành công, vì trời nước xanh trong, vì xôn xao gió lộng, vì bầu bạn hòa đồng… Cái buổi trưa hôm ấy thực sự là buổi trưa dữ dội rộn ràng, khác hẳn những buổi trưa tẻ buồn im lặng của dằng dặc tuổi thơ tôi.

Rồi như tỉnh cơn mê, tôi phải về, khi nhớ ra là lúc ăn cơm xong mình đã tự tiện lặng lẽ rời nhà. Vừa về đến gốc khế đầu hồi, ba tôi cầm roi quất vào tôi tê rát, vì cái tội giữa trưa đi đâu mà đầu không mũ nón. Ba tôi lo cho cái phần xác của tôi, đã ốm yếu lại phơi dang giữa chang chang trưa nắng. Còn cái phần hồn của tôi - một đứa trẻ sinh ra ở làng nhưng lớn lên chỉ biết đến sách vở bút mực, chỉ biết đến mỗi con đường từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà - thì sao? Làm sao ba biết được, chiều chiều tôi ra ngồi cửa sau, phóng tầm mắt hết cánh đồng để ngẩn hồn nhìn cồn bãi sông Gianh lúc nước ròng, nơi đám trẻ chăn trâu cắt cỏ đang chơi khăng đá bóng. Ba càng không biết được, cũng vì nỗi thèm thuồng những thú vui đồng quê của bạn bè đồng lứa, mà một lần khác tôi trốn ba ra đồng, rồi xin thằng bạn được thử cảm giác cưỡi lên lưng con bò của nó. Con bò cao, tôi không tự trèo lên được.

Thằng bạn phải khom người để cho tôi đứng lên lưng nó mà ngồi lên lưng bò. Cơn sung sướng của tôi chưa kịp định hình thì bất thình lình con bò chẳng biết lạ hơi người hay sao mà dụi đầu rồi vọt. Tôi ngã bổ ngửa xuống đất, đầu đập trúng một mô cứng như đá. Tôi ôm đầu lăn lô một hồi thì cơn đau váng óc điếng tủy cũng qua. Nhưng tôi biết di chứng của chấn thương này thì sẽ hằn khắc vào hồn tôi thành kinh niên mãn tính.

Cầu Nhật Tân với hệ thống dây văng từ xa trông như những cái nơm úp. Tôi lại nghĩ về những con người như những con cá sổng khỏi nơm văng mình từ trên cầu xuống sông. Những khối người bảy mươi phần trăm là nước nhưng một trăm phần trăm là đau. Nước cứ bình thản đón hứng. Để ngập đầy vào những chỗ khuyết lẹm nước kia. Để vỗ về làm tan làm loãng cái đau cô đặc nguyên khối kia. Gọi về trong tôi hai câu thơ trong thi phẩm "Hồ" nơi chùm thơ của nữ sĩ Ly Hoàng Ly vừa làm dậy sóng trái chiều dư luận: "Không ai thấy nước rách/ Không ai thấy nước chảy máu". Phải, nước bao dung vị tha độ lượng, quên mình đi để lắng nghe, để thấu hiểu, để ôm chứa tất cả những gì ở trong mình. Lại gọi về trong tôi mẩu thoại trong "Tình yêu của cá và nước" của Murakami: "Cá nói, cậu không thể nhìn thấy nước mắt trong mắt tôi, bởi vì tôi đang ở trong nước. Nước nói, tôi có thể cảm nhận được nước mắt của cậu, bởi vì cậu ở trong lòng tôi". Cài đặt nỗi đau của mình ở chế độ ẩn, không để ai phải nhìn thấy, phải bận lòng, đó là cách thế của những con người sống vì/cho người khác nhiều hơn là sống vì/cho mình. Nhưng, con người dù có cao đại cỡ nào đi chăng nữa thì vẫn là con người, không phải là thánh nhân. Sau bao nhiêu gồng mình để thương người thì họ lại thả lỏng để thương thân, để tự nhận ra mình là kẻ đáng thương nhất thế gian. Họ phản tỉnh, rằng đến mình mà mình không biết tự thương thì còn chờ ai thương và còn đòi thương ai…

Đời người không như dòng nước, mọi thứ không hề chảy xuống theo con đường ngắn nhất. Nhảy xuống sông là con đường ngắn nhất mà nhiều người đã chọn để có thể chạm cõi chết. Họ sinh ra từ nước ối, chết về với nước sông. Họ có nghĩ cho người thân không, nhất là người đã nứt vỡ mình ra để tượng hình và chở bọc họ, rồi khơi thông suối nguồn mình để dẫn lộ họ đến với cõi đời cõi người? Họ có hình dung ra cảnh người ấy lại một lần nữa vật vã xé lòng đến kiệt sức, nhưng lần này là để khóc hờ con, đặc biệt là khi đứa con chết không tìm được xác?

Họ đáng thương hay đáng trách? Thiết nghĩ, chẳng ai đủ thẩm quyền để phán xét họ. Vì chẳng ai sống trải đời của họ cả. Kể cả cha mẹ họ, những người cho họ hình hài thịt da, nhưng biết gì về tâm can họ, biết gì về lí do cơn cớ khiến họ gieo mình xuống sông? Sông thì biết hết nhưng sông không nói.

Mà sông có nói thì chắc gì con người đã nghe được. Con người chung ngôn ngữ nhưng thường khi chẳng nghe nổi nhau, nữa là…

Hoàng Đăng Khoa
.
.
.