Sử dụng màu sắc qua di tích đình, đền, chùa miền Bắc
Màu sắc được sử dụng trong các di tích tôn giáo tín ngưỡng tiêu biểu miền Bắc thường phân ra làm hai dạng: màu sắc bản thân vật liệu và màu sắc được tạo ra bằng các dạng vật liệu sơn phủ bề mặt.
Đình làng
Là một trung tâm văn hóa của làng, nơi diễn ra nhiều sự kiện sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, lễ hội…, xét về đối tượng thờ và cách thức thờ thường thấy là một nhân vật. Không gian bài trí trong đình xưa không có tượng, khu vực thờ chính thường chỉ có hệ thống nhang án, hoành phi, câu đối, cửa võng …,về sau này (khoảng cuối thế kỷ 19) mới xuất hiện tục thờ hậu Thần, hậu Phật. Một số ngôi đình mới có hệ thống tượng (đình Lai Bồ, huyện Ba Vì, Hà Nội). Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể màu sắc thì các ngôi đình vẫn giữ được nét truyền thống của người Việt xưa.
Trong đình, việc sử dụng màu sắc từ các vật liệu sơn phủ thường không được sử dụng dàn trải và đồng đều. Khác với các loại hình di tích tôn giáo tín ngưỡng khác, màu sắc trong đình làng thường được chú ý ở một không gian nhất định (nơi đặt bài vị - gian giữa) có thể ở phía bên ngoài (tòa Đại Bái) hoặc bên trong (các diện vách, cửa bao che phía trước hậu cung). Khi nhìn vào ngôi đình nhận thấy rất rõ sự phân chia chính-phụ bằng các hình thức sử dụng màu sắc với các khoảng không gian khác. Tại khu vực thờ, màu sắc sử dụng thường thấy đó là: màu son (sơn ta).
Trên các hệ thống vách gỗ, hay một số cấu kiện kiến trúc như cột, xà giữa, câu đầu, đầu dư, màu vàng (thếp vàng) được nhấn vào các chi tiết chính như bàn thờ, nét chữ của những bức hoành phi, câu đối hay một số các đồ trang trí. Màu chủ đạo tại khu vực thờ thường là vàng, đỏ, đen (trong đó màu đen chủ yếu làm nền để bật lên các hình hoặc họa tiết hoa văn trang trí có màu vàng hoặc đỏ. Các không gian còn lại của ngôi đình có màu nâu với các sắc độ khác nhau (màu tự nhiên của vật liệu gỗ xây dựng lên ngôi đình) và màu đỏ với các sắc độ khác nhau (màu tự nhiên của vật liệu làm từ đất nung như gạch, ngói).
Để thấy, trong đình làng màu sắc được sử dụng phần lớn là màu sắc bản thân của vật liệu, xét về tổng thể màu sắc trong ngôi đình chính là màu tự nhiên của hệ thống vật liệu xây dựng lên ngôi đình với màu nâu làm chủ đạo. Đây là một trong những yếu tố đã tạo nên bản sắc trong ngôi đình Việt.
Chùa
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong không gian sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng các ngôi Chùa Việt vùng Đồng bằng Bắc bộ đó chính là màu sắc của hệ thống tượng thờ dầy đặc.
Các di tích tôn giáo tín ngưỡng của người Việt, tại nơi thờ, các chi tiết trang trí và màu sắc luôn được chú trọng. Ở các ngôi đình theo cách bài trí của người xưa, không gian thờ tự thường tập trung tại gian giữa còn các không gian lân cận thường để thoáng tạo ra không gian sinh hoạt cộng đồng.
Với các ngôi chùa Việt vùng Đồng bằng Bắc bộ thì khác, hệ thống tượng thờ dầy đặc và dàn trải hầu như tất cả các gian trong di tích. Trong chùa đối tượng thờ chính vẫn là Phật (Phật Tổ, Phật A-di-đà, Bồ tát). Mật độ hay sự bài trí tượng thờ phụ thuộc vào các tông phái của đạo Phật. Trong chùa Việt có 2 sự khác biệt lớn trong sự bài trí cũng như số lượng các tượng thờ đó là tông phái Tiểu Thừa (Phật giáo nguyên thủy phổ biến ở miền Nam bộ) và tông phái Đại thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Khất Sĩ).
Ở phái Tiểu Thừa chỉ thờ một vị giáo chủ là Phật Thích-Ca còn hầu hết ở các tông phái khác phổ biển ở Đồng bằng Bắc bộ ngoài thờ Phật Tổ còn thờ rất nhiều Thần, Phật khác như Ngọc Hoàng, Phổ Hiền, Nam Tào, Bắc Đẩu, Quan Thế Âm Bồ Tát …). Ở tông phái Tiểu Thừa đối với tượng thờ thường chỉ có một, chính vì vậy hệ thống tượng thờ cũng ít nên hệ thống tượng không tạo nên màu sắc đặc trưng và chủ đạo trong không gian chùa.
Còn ở các chùa Đồng bằng Bắc bộ, với hệ thống tượng dày đặc với đủ các màu sắc và được bài trí theo cấp độ từ thấp đến cao. Màu sắc tượng thờ cũng có những nét đặc trưng riêng. Tượng Phật Tổ thường được phủ lớp màu vàng toàn thân thể hiện sự cao quý, tôn nghiêm và sự kính cẩn của con người dành cho các vị Phật. Còn với các tượng Thần, Phật khác, màu sắc được phối theo đặc trưng của chi tiết (màu hồng phấn của da người, màu sắc quần áo, mũ mã…). Dù màu sắc của yếu tố này rất đa dạng nhưng nhìn chung vẫn là các màu vàng và đỏ làm chủ đạo nổi bật lên không gian thờ.
Cấu trúc của hệ thống kết cấu trong các ngôi chùa thường thuộc dạng đơn giản với các họa tiết thưa (dạng vì nóc chồng rường, cọc báng). Các cấu kiện như nghé, bẩy cũng đơn giản hơn các ngôi đình nhưng hệ thống kết cấu này lại được chú trọng trong việc sử dụng sơn màu. Tại các vị trí đặt bàn thờ, vị trí bày tượng thường được sơn son (đỏ) trên đó có họa tiết rồng, mây vv… Cách sử dụng màu sắc được sử dụng trên cấu kiện kiến trúc và đồ trang trí với màu vàng và màu đỏ để tôn lên ở các không gian thờ.
Về màu sắc chủ đạo trong chùa: khác với nhưng ngôi đình làng dễ nhận biết hơn về màu sắc chủ đạo. Trong chùa, gần như không thể một số màu chủ đạo nhất định để đại điện bởi sự phong phú và đa dạng trong phong cách sử dụng màu sắc. Và cũng từ sự đa dạng này đã tạo nên nhiều biến đổi trong không gian tôn giáo tín ngưỡng của chùa Việt, nhất là ở các ngôi chùa mới bây giờ. Với hệ thống tượng dày đặc ở các ngôi chùa vùng Đồng bằng Bắc bộ (đa số là chùa theo phái Đại Thừa). Một thành phần màu sắc chủ đạo có yếu tố quyết định đó là màu sắc của hệ thống tượng thờ (số lượng dầy đặc, và được đặt ở các không gian thờ tự chính). Chính vì thế ta có thể thấy rằng tổng hòa màu sắc của hệ thống tượng thờ sẽ mang một màu sắc cụ thể, chủ đạo trong không gian bên trong chùa.
Ngôi chùa mang màu sắc chủ đạo là màu Nâu (Chùa Thầy - Quốc Oai, Hà Nội, Chùa Mía - Đường Lâm, Sơn Tây) là một điển hình. Các hệ thống tượng trong chùa này mang màu sắc nâu trầm là chủ yếu, kết hợp với màu sắc của hệ khung gỗ (màu nâu) cùng với nguồn sáng yếu, nên trong sự tổng hợp giữa các màu sắc và ánh sáng là một màu nâu trầm.
Ngôi chùa mang màu sắc chủ đạo là Nâu - Vàng (ở những ngôi chùa có hệ thống tượng được thếp vàng, hoặc sơn màu vàng). Màu này ta thường thấy ở các ngôi chùa với hệ thống tượng mới.
Ngôi chùa mang màu sắc chủ đạo là Nâu - Vàng - Đỏ (ở những ngôi chùa có hệ thống tượng và các cấu kiện trang trí được sử dụng nhiều màu vàng, đỏ).
Đền
Cũng như các loại hình di tích tôn giáo tín ngưỡng khác là luôn có yếu tố chính phụ, sự ưu tiên và các quan niệm về sử dụng màu sắc. Màu sắc chủ đạo trong đền khác với chùa là: Màu sắc chủ đạo trong không gian di tích không đến từ hệ thống tượng dày đặc giống chùa, cũng không đến từ vẻ bộc lộ kết cấu và vật liệu thô giống như đình.
Các ngôi đền được dựng lên để thờ các nhân vật là các vị anh hùng hay những người có công với đất nước. Mỗi ngôi đền thường chỉ thờ một nhân vật cụ thể. Chính vì vậy màu sắc ở tượng thờ không phải là yếu tố quyết định đến cảm quan chung về màu sắc trong không gian đền. Trong các ngôi đền như đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đền Vua Đinh, Vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình) … nổi bật lên màu sắc được sơn phủ ở trên những cấu kiện kiến trúc hay các đồ mang tính chất trang trí: cửa võng, hoành phi, câu đối…
Màu sắc được sử dụng trên các thành phần này thường sử dụng là màu đỏ, vàng, trong đó màu đỏ thường là nền, màu vàng là các họa tiết trang trí. Sử dụng màu sắc có thể nhận thấy: Màu vàng không được sử dụng quá nhiều và dày đặc giống như chùa, màu vàng thường được phủ các bề mặt, hoặc cấu kiện nhỏ, hay các chi tiết chạm khắc trang trí thành phần. Màu đỏ được sử dụng nhiều hơn trên các cấu kiện kiến trúc. Màu nâu (màu sắc tự nhiên của vật liệu) hệ thống xà, rui, hoành, các hệ vì phụ … là màu sắc chủ đạo còn lại trong di tích.
Màu sắc trong đền ta có thể thấy, đó là sự kết hợp hài hòa giữa màu sơn son, màu vàng và màu nâu. Màu sắc chủ đạo trong đền: với hệ khung vàng trang trí thường mang các màu đỏ (sơn son), vàng (thếp vàng), nâu (sơn ta và màu tự nhiên của gỗ). Từ đó có thể nhận thấy rằng dù hệ thống tượng có mang màu sắc gì đi nữa nhưng với tỉ lệ ít sẽ không ảnh hưởng tới màu sắc chủ đạo chung trong di tích.
Như vậy, qua đây ta có thể thấy rằng: màu sắc chủ đạo trong đền là màu của hệ khung kết cấu và các đồ bài trí. Chính vì vậy, màu Đỏ - Nâu - Vàng sẽ là các màu sắc chủ đạo của loại hình di tích này.