Nỗ lực đưa di tích Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa thành điểm đến hấp dẫn

Thứ Bảy, 27/08/2022, 06:24

Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và di tích đặc biệt quốc gia – Khu di tích Cổ Loa đang được tập trung đầu tư, phát huy giá trị, hướng tới mục tiêu đưa di sản trở thành một điểm đến hấp dẫn và quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trong tuyến du lịch tại Hà Nội.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, đến nay, tại Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội và Khu di tích Cổ Loa có 5 công trình được TP Hà Nội đưa vào danh mục đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025: Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long; Chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền An Dương Vương, Giếng Ngọc; Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu, với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.132 tỷ đồng.

3 công trình được TP Hà Nội đưa vào danh mục triển khai thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 gồm có Phục dựng Điện Kính Thiên; Đền thờ Ngô Quyền; Bảo tồn, phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa, với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.161 tỷ đồng.

6-1.jpg -0
Nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Hoàng thành Thăng Long được tổ chức định kỳ hằng năm.

Để phát huy di sản thế giới, hiện tại Trung tâm tập trung nghiên cứu toàn diện về khu di sản, làm cơ sở khoa học để lập, thực thi các dự án bảo tồn, tôn tạo và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, các sản phẩm lưu niệm quà tặng mang dấu ấn riêng của di sản. Bên cạnh hoạt động khai quật khảo cổ học, Trung tâm nghiên cứu cơ bản về di sản, trong đó tập trung vào việc sưu tầm, dịch các tư liệu liên quan, các nghiên cứu về kiến trúc và trang trí mỹ thuật cung đình, nghiên cứu đánh giá giá trị phi vật thể của di sản như các hình thức diễn xướng, các lễ hội, nghề truyền thống; trang phục, ẩm thực; các nghi lễ cung đình…

Riêng với Điện Kính Thiên, Trung tâm sẽ tiếp tục khai quật khảo cổ học tại khu vực không gian Điện Kính Thiên, nghiên cứu, tập hợp các nguồn tư liệu lịch sử về Điện Kính Thiên, Không gian điện Kính Thiên, Cấm thành thời Lê… Đồng thời, xây dựng kế hoạch truyền thông, quảng bá về kết quả nghiên cứu, phục dựng mô hình 2D, 3D về Điện Kính Thiên, không gian Điện Kính Thiên để tổ chức giới thiệu trên quy mô trong nước và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, việc đầu tư cho di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội và di tích đặc biệt quốc gia Khu di tích Cổ Loa đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội quan tâm ngay từ những ngày đầu mới được công nhận. Đến gần đây và nhất là sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 ra đời thì càng rõ nét và cụ thể hơn. Dự kiến, đến năm 2025, nhiều dự án tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa được hoàn thành.

Cùng với việc hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ phục vụ mang tính đặc thù riêng, 2 di sản văn hóa này nhất định sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, việc hoàn thành dự án Phục dựng Điện Kính Thiên và Bảo tồn, phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa sẽ tạo được dấu ấn đặc sắc của thành phố, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ.  

Di tích Cổ Loa cũng có nhiều hoạt động phát huy giá trị của khu di sản nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, đưa di sản trở thành điểm tham quan, học tập, nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau. Để thu hút khách tham quan, hiện nay, tại 2 khu di tích này có các sự kiện thường niên gắn với kết quả nghiên cứu giá trị văn hóa phi vật thể như: Lễ Khai xuân dịp Tết Nguyên đán, Tết Việt, lễ hội Trung thu, lễ hội Đoan Ngọ, lễ hội Cổ Loa…

Chương trình “Giáo dục di sản” tạo sân chơi hấp dẫn để học sinh, sinh viên được thực hành, trải nghiệm và tìm hiểu lịch sử. Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" và các hoạt động phục trợ đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong nước cũng như khách quốc tế lưu trú tại Thủ đô. Nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ được tăng cường. Ngoài trưng bày thực tế còn có triển lãm online. Công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan đã được chuẩn hóa.

Việc áp dụng công nghệ mới tiên tiến, kết hợp âm thanh, phim, ảnh, những hỗ trợ kỹ thuật số cho phép khách tham quan tự tìm hiểu, khám phá và có thể tương tác qua màn hình. Hoạt động giới thiệu về di sản đã được thực hiện dưới nhiều hình thức như công bố các tư liệu, hồ sơ lưu trữ, xuất bản các ấn phẩm, kết quả nghiên cứu về khu di sản, xây dựng trang web riêng làm công cụ giáo dục, kết nối giữa di sản với cộng đồng.

N.Nguyễn
.
.
.