Định giá lì xì - Thế nào là đủ?

Thứ Năm, 10/02/2022, 08:43

Lì xì (miền Bắc gọi là mừng tuổi, vào dịp Tết Nguyên đán đã là một phong tục phổ biến và quen thuộc với đa số người dân châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nhưng không phải ai cũng hiểu được rõ nguồn gốc, ý nghĩa của phong bao lì xì trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, một số người thường có xu hướng định giá trị của lì xì, vậy thế nào là đủ?

Dịp lễ đầu năm âm lịch được gọi là Tết Nguyên đán, là một ngày lễ quan trọng của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Với người dân Việt Nam, Tết Nguyên đán chính là khoảng thời gian để đón chào sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới âm lịch. Không chỉ vậy, Tết Nguyên đán còn chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hoá của người Việt, là khoảng thời gian sum họp gia đình của con dân đất Việt, cũng là thời điểm mà mỗi người dân Việt nhớ về gia đình, quê hương, cội nguồn nhất.

untitled-4.jpg -0
Việc định giá tiền lì xì gây áp lực cho người lớn và ảnh hưởng đến suy nghĩ hành động của trẻ.

Trong dịp Tết Nguyên đán, người dân Việt thường sum họp gia đình tại quê hương của mình, cùng nhau dọn bàn thờ gia tiên, sắm sửa đồ đón Tết, tảo mộ… trong đó không thể thiếu phong tục lì xì, trẻ con sẽ chúc người lớn những lời chúc ý nghĩa và người lớn sẽ tặng lại cho trẻ nhỏ món quà may mắn là phong bao lì xì cùng những lời chúc tốt đẹp. Ngoài ra, người trẻ cũng lì xì cho những người lớn tuổi cùng với lời chúc tốt đẹp. Đây là phong tục đẹp, có ý nghĩa, tính giáo dục cao và có từ lâu đời với người Việt. Nhưng đến hiện tại, phong tục lì xì vào ngày lễ Tết đang có những biến tướng theo chiều hướng xấu, đã không ít người biến lì xì thành quà biếu, quà hối lộ, quà chạy chức chạy quyền và luôn có ý săm soi, định giá giá trị của tiền lì xì.

Lì xì - phong tục đẹp giàu giá trị văn hoá và giáo dục

Theo giáo sư Nghiêm Toản, hai từ “lì xì” phiên âm tiếng Hán là "lợi thị" mang nghĩa được lợi, được may mắn. Do đó, mọi người thường tặng lì xì vào dịp Tết Nguyên đán là để cầu may mắn, bình an, thuận lợi cho nhau. Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của người trao tặng và người được tặng. Lì xì là những phong bao với màu sắc tươi sáng bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến xích mích, không vui trong ngày Tết. Vào ngày Tết Nguyên đán, tất cả con cháu trong gia đình tụ hợp lại để chúc thọ ông bà, cha mẹ. Vẻ đẹp và giá trị của phong tục lì xì không nằm ở số tiền trong bao lì xì mà quan trọng là tấm lòng của con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn…

Phong tục lì xì mang tính giáo dục cao ở chỗ, khi mọi người gặp mặt quây quần bên nhau, người lớn sẽ lì xì cho trẻ nhỏ cùng những lời chúc tốt đẹp nhất, đồng thời vào lúc đó, trẻ nhỏ sẽ chúc người lớn những lời chúc mang ý nghĩa may mắn. Việc lì xì không phải là trách nhiệm của mỗi cá nhân người lớn nhưng việc chúc những lời yêu thương tốt đẹp đến những người mình yêu quý là một việc nên làm và cần có của mỗi con trẻ.

Hành động người lớn lì xì cho trẻ nhỏ món quà cát tường kèm theo những câu chúc đáp lại lời chúc lễ phép của trẻ nhỏ vào dịp Tết Nguyên đán. Có nhiều bậc phụ huynh lại quên không dạy cho con mình ý nghĩa của việc lì xì, hoặc thậm chí chính bản thân họ cũng không ngẫm, hiểu rõ tập tục đó. Ngoài ra, việc người trẻ lì xì cùng lời chúc đến những người lớn tuổi cũng là một bài học mang tính giáo dục cao cho trẻ nhỏ, cho trẻ có cái nhìn nhận rõ hơn về việc kính trọng, quan tâm đến những người lớn tuổi.

Tiền lì xì - lì xì và tiền khác nhau ở đâu?

Mới đây trên mạng xã hội Facebook nổi lên câu chuyện về tiền lì xì được nhiều cư dân mạng chú ý đến. “Tôi sinh ra trong một gia bình thường nhưng anh chị em tôi lại là những người thành đạt. Mỗi năm tết đến, ngoài việc đau đầu nghĩ xem phải biếu bố mẹ gì, gửi quà tết bao nhiêu cho bằng anh bằng em mà tôi trầm cảm. Quả thực so với anh chị em toàn người thành đạt, thì một kẻ chạy xe ôm như tôi đúng là không cân xứng. Ban nãy mấy anh chị em rủ nhau đến nhà chúc tết bố mẹ, anh chị em tôi thì ôtô áo quần thơm tho. Còn gia đình tôi thì 3 người trên chiếc xe máy cà tàng quần áo bạc màu đến thăm bố mẹ. Trong cuộc trò chuyện, người khoe tết năm nay thưởng tết trăm triệu, có người thì bảo sang năm mua nhà mới. Rồi họ hỏi tôi năm nay sao rồi. Tôi chỉ biết cúi mặt mà cười trừ. Lúc sau tôi ra về, ra đến cửa thì vô tình nhìn thấy chiếc phong bao lì xì tôi mừng tuổi cho một đứa cháu là con của anh chị tôi. Chiếc phong bao được xé vội rồi ném đi. Mồng 1 Tết thật buồn!”, câu chuyện này kèm hình ảnh phong bao lì xì bị xé dở lộ ra tờ tiền mệnh giá 20.000 VNĐ bị vứt dưới nền đất được đăng tải trên nhiều trang và hội nhóm lớn trên Facebook.

Bài viết này có thể chỉ là một câu chuyện để câu tương tác nhưng chúng ta không thể phủ nhận được rằng, hiện nay rất nhiều người có suy nghĩ định giá lì xì và đặt nặng vấn đề vào nó. Bài viết được nhiều người hưởng ứng và đa số đều cho rằng hành động của đứa trẻ ném bao lì xì là không đúng, đáng trách và đáng buồn. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều người không hiểu, ngẫm được ý nghĩa của phong bao lì xì nên có thái độ định giá lì xì. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của trẻ con và thậm chí đối với cả người lớn với phong tục lì xì vốn rất tốt đẹp từ xưa đến nay.

untitled-5.jpg -0
Phong bao lì xì bị xé dở lộ ra tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng bị vứt dưới nền đất.

Việc trẻ nhỏ và không ít người lớn có xu hướng định giá lì xì, tỏ thái độ không tôn trọng tiền lì xì khi thấy mệnh giá tiền ít có nhiều nguyên nhân nhưng trách nhiệm của người lớn là dạy trẻ hiểu ý nghĩa của phong tục lì xì. Việc trẻ định giá lì xì có thể do xã hội phát triển, trẻ em hiểu rõ được mệnh giá tiền mặt quá sớm dẫn đến trẻ vô tình có xu hướng định giá lì xì. Hoặc hành động định giá tiền lì xì của người lớn đã ảnh hưởng đến tư tưởng của trẻ nhỏ, điều này vô cùng nguy hiểm đến việc hình thành tính cách, suy nghĩ của trẻ em sau này. Phong tục lì xì tự dưng lại bị một số trẻ con và người lớn biến thành “nguồn thu nhập”, điều này làm mất đi ý nghĩa và tính giáo dục vốn có của phong tục này.

Phong bao lì xì được tạo ra với nhiều ý nghĩa, bao lì xì với nhiều màu sắc tươi sáng mang theo những lời chúc may mắn, tài lộc, sung túc của người tặng. Phong bao lì xì còn mang ý nghĩa tinh tế ở chỗ không để lộ rõ số tiền trong bao lì xì, bởi lẽ đây là số tiền may mắn, giá trị của phong bao nằm ở những lời chúc tốt đẹp, tình cảm của người tặng chứ không phải giá trị của số tiền trong bao lì xì. Vậy nên lì xì thế nào là đủ?

Như đã viết, giá trị của phong tục lì xì không nằm tại số tiền trong bao mà là hành động, tình cảm của người trao lì xì và người nhận được lì xì. Vậy nên, khi người trao lì xì thật tâm yêu quý, đặt tình cảm vào phong bao lì xì và người nhận đem tình cảm vào việc trân trọng phong bao lì xì thì đó là đủ, ngoài ra còn có tính giáo dục cao với trẻ nhỏ. Không phải mệnh giá tiền lớn thì ý nghĩa của phong bao lì xì càng cao hay mệnh giá tiền nhỏ thì ý nghĩa phong bao lì xì bị giảm lại. Nếu cứ đặt nặng vấn đề định giá lì xì thì lì xì và tiền đã biến thành một làm mất đi nét đẹp văn hoá vốn có của phong tục này. Hiện nay có không ít người lớn, thâm chí là thủ trưởng các cơ quan đơn vị, khi lì xì đầu năm, cứ cầm một tệp tiền đi phát, không có phong bao lì xì, điều đó thể hiện rằng chính người đang lì xì cũng không biết đến nguồn gốc ý nghĩa của việc lì xì đầu năm mới.

Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều người bằng nhiều cách để giúp trẻ nhỏ không đặt nặng vấn đề tiền lì xì, gần đây nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đi đầu và ủng hộ việc mừng tuổi, lì xì đầu năm bằng sách cho trẻ nhỏ vì “đây là một nét đẹp văn hoá cần phổ biến. Việc tặng sách giúp bồi dưỡng tâm hồn và khám phá tri thức chứ không phải công cụ thanh toán”. Nhiều cách để giúp trẻ nhỏ bỏ qua việc định giá lì xì nhưng chung quy lại cách giải quyết gốc rễ của vấn đề chính là người lớn dạy cho trẻ nhỏ ý nghĩa đẹp của phong bao lì xì.

Khánh Hà
.
.
.