Châu Âu những ngày không yên ả
- Châu Âu lại loay hoay với “bão” COVID-19
- Châu Âu "lục đục" vì COVID-19, đối mặt nguy cơ khủng hoảng chính trị
Có tới 44/55 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters dự báo kinh tế Eurozone hiện đã tiến rất gần tới suy thoái kép bởi các biện pháp phong tỏa mới và các biện pháp hạn chế được áp đặt trên diện rộng nhằm ứng phó với làn sóng COVID-19 thứ hai.
Trước đó, tại thời điểm “đỉnh” dịch COVID-19 lần thứ nhất, chỉ có 3 chuyên gia dự đoán kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái kép. Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo rằng, kinh tế Eurozone sẽ giảm 2,5% trong quý IV/2020 sau khi tăng kỷ lục 12,3% trong quý III. Chuyên gia kinh tế Angel Talavera tại Oxford Economics nhận định khi những nguy cơ suy giảm kinh tế tiếp tục trở thành hiện thực và tình hình y tế tiếp tục xấu đi, dường như sự phục hồi kinh tế diễn ra trong Eurozone kể từ tháng Năm vừa qua đã kết thúc.
Nền kinh tế Eurozone sẽ phải chứng kiến một cuộc suy thoái kép trong quý IV/2020. COVID-19 đang gây ra nhiều rủi ro và làm giảm hy vọng về khả năng phục hồi nhanh của Eurozone.
Theo EC, kinh tế Eurozone sẽ giảm 7,8% trong năm 2020, thay vì giảm ở mức 8,7% như dự báo trước đó. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo kinh tế Eurozone sẽ chứng kiến một “sự lao dốc lịch sử” trong năm 2020 dù không quá nghiêm trọng như cảnh báo ban đầu, song đà phục hồi sẽ chậm hơn. Theo IMF, kinh tế Eurozone sẽ giảm 8,3% trong năm nay, một cú “rơi tự do” chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại Suy thoái trong thập niên 1930.
Châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng COVID-19 thứ hai và nhiều khả năng khu vực này sẽ lại một lần nữa bị hủy hoại về kinh tế.(Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, con số này đã có phần tích cực hơn mức dự báo hồi tháng 6-2020 là suy giảm 10,2%. Còn theo công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, kinh tế Eurozone sẽ giảm ở mức kỷ lục 7,4% trong năm 2020 trước khi phục hồi vào năm 2021. Về triển vọng năm 2021 IHS Markit cũng khá lạc quan khi đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng 3,7% của kinh tế của Eurozone nhờ hy vọng vào các tiến triển trong việc phát triển vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm.
Trong dự báo mới nhất, EC nhận định kinh tế Eurozone sẽ tăng 4,2% trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 6,1% được đưa ra vào tháng 7-2020. Lý do là kinh tế Eurozone đang “hụt hơi” dù ghi nhận sự phục hồi tốt hơn dự báo vào giữa năm nay. Còn IMF cho rằng kinh tế Eurozone sẽ có thể tăng trưởng 5,2% vào năm 2021, thấp hơn mức tăng trưởng 6% trong dự báo trước.
Trong kinh tế Eurozone đang lâm nguy thì tại Hội nghị Thượng đỉnh vừa diễn ra hồi tháng 11-2020 theo hình thức trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU lại không thể đạt được nhất trí về kế hoạch ngân sách và phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ euro, mặc dù nhu cầu của nhiều nước được giải ngân hàng tỷ euro hỗ trợ thúc đẩy kinh tế trong thời kỳ dịch COVID-19 vẫn hoành hành, đang hết sức cấp bách. Tại Hội nghị, Ba Lan và Hungary kiên quyết phản đối điều kiện trên và đã bác kế hoạch ngân sách của EU.
Theo quy định, các kế hoạch này sẽ không thể triển khai nếu không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các nước thành viên và Nghị viện châu Âu (EP), đồng nghĩa hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu sẽ chưa được tiếp cận với nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn nhất.
Bất đồng giữa Ba Lan, Hungary với các thành viên khác của EU về cơ chế gắn việc tiếp cận nguồn tài trợ với tôn trọng nguyên tắc pháp quyền là một vấn đề hóc búa, một cuộc họp trực tuyến là quá khó để thu hẹp bất đồng so với những cuộc trao đổi trực tiếp song phương như hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Bảy. Chính vì vậy, các bên nhất trí sẽ dành thời gian để xem xét thêm.
Liên quan tới vấn đề Brexit, hiện chỉ còn chưa đầy 5 tuần nữa là tới thời điểm Anh chính thức rời EU, nhưng cả hai bên đều khẳng định vẫn còn những bất đồng lớn đối với thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit trong bối cảnh cả hai bên liên tục đá quả bóng sang chân của nhau.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết London sẽ nỗ lực thu hẹp những bất đồng, đồng thời nhấn mạnh rằng, việc đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit sẽ phụ thuộc vào bên phía EU. Trong khi đó, về phía EU, Trưởng đoàn đàm phán Michel Barnier cũng nêu rõ, nếu phía Anh không nhanh chóng đưa ra quyết định cần thiết, việc đạt được thỏa thuận sẽ vô cùng khó khăn.
Hiện các cuộc đàm phán vẫn đang trong thế bế tắc với 3 vấn đề chính gồm quyền đánh bắt cá, cách giải quyết tranh chấp trong tương lai và các quy tắc “sân chơi bình đẳng” để bảo đảm cạnh tranh công bằng. Mặc dù đã xuất hiện 1 tín hiệu tích cực trước cuộc đàm phán hồi tuần trước khi, theo tờ Điện tín của Anh, EU tuyên bố sẽ nhượng bộ về quyền đánh bắt cá khi chấp nhận đề xuất về giai đoạn chuyển tiếp về quyền đánh bắt sau ngày 1-1 năm tới.
Chưa hết, hiện giới chức châu Âu cũng đang đau đầu vì những tranh cãi “bất phân thắng bại” về chủ quyền châu Âu. Châu Âu nên định vị tương lai của mình như thế nào, ở cùng bên hay độc lập với nước Mỹ? Đề cập đến vấn đề này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer có những ý tưởng hoàn toàn khác nhau.
“Chủ quyền châu Âu” chính là điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mong muốn. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer lại có suy nghĩ trái ngược với ông Emmanuel Macron khi mới đây bà đã nói rằng “quyền tự chủ chiến lược của châu Âu” chỉ là “ảo tưởng”.
Nói về tình hình hiện tại, vị nữ Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng: “Người châu Âu không thể thay thế vai trò quyết định của Mỹ trong việc đảm bảo cho an ninh của mình”. Điều này được thể hiện rất rõ với sự hoảng loạn của các đồng minh của Mỹ ngay sau khi đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút một phần lớn binh sỹ của nước này ở Afghanistan và Iraq. Tất nhiên người châu Âu không thể lấp đầy khoảng trống này. Không thể!
Mặc dù vậy, nếu xem xét kỹ hơn mọi góc cạnh, người ta có thể thấy rằng quan điểm của ông Emmanuel Macron và bà Kramp-Karrenbauer thực ra không quá xa nhau khi nói tới các mục tiêu của châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Đức mới đây đã nói rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là nước Đức và châu Âu phải tích cực hơn nữa trong việc thiết lập trật tự khu vực và toàn cầu”.
Đóng vai trò to lớn hơn, mạnh mẽ hơn trên toàn cầu cũng là mong muốn bấy lâu nay của giới lãnh đạo EU. Và Tổng thống Emmanuel Macron cũng cùng chung quan điểm đó. Ông coi đây là nhiệm vụ to lớn của châu Âu. Ngoài vấn đề quốc phòng, vị Tổng thống của cường quốc hạt nhân duy nhất còn lại ở EU cũng mong muốn nhiều điều hơn nữa ở châu Âu. Ông muốn thiết lập “một điều gì đó về mặt kinh tế và xã hội, điều mà người ta có thể mô tả như là sự đồng thuận Paris”, thay vì “sự đồng thuận Washington” của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Rõ ràng Tổng thống Pháp mong muốn một sự độc lập của châu Âu so với Mỹ.
Khi giới lãnh đạo Đức tiếp tục nhìn nhận một EU vững mạnh là một phần của cộng đồng giá trị phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ thì Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Các giá trị của chúng ta không hoàn toàn giống nhau”, vì châu Âu mong muốn có sự bình đẳng với Mỹ, nhưng Washington lại hoàn toàn không để ý tới điều đó. Tuy nhiên, những bước đi hướng tới sự xa rời cộng đồng giá trị phương Tây như vậy của Tổng thống Pháp lại khiến ông đơn độc.