Châu Âu "lục đục" vì COVID-19, đối mặt nguy cơ khủng hoảng chính trị

Thứ Ba, 17/11/2020, 10:08
Euronews ngày 17/11 đưa tin, một số quốc gia thành viên khối Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối việc gắn ngân sách của EU, đặc biệt là gói cứu trợ COVID-19 với việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền.
Thủ tướng Hungary nghi ngờ tính ổn định của pháp lý nếu thông qua thoả thuận. Ảnh: EPA.

Theo đó, Hungary và Ba Lan mới đây đã lên tiếng bác bỏ việc EU thông qua ngân sách dài hạn của khối và việc gắn gói cứu trợ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 750 tỷ euro với việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền.

Tuyên bố này được đưa ra trong hội nghị trực tuyến Hội đồng châu Âu giữa các lãnh đạo EU hôm 16/11. Không dừng lại tại đó, hai quốc gia này tái khẳng định sẽ phủ quyết bất kỳ quyết định nào đi tới việc thực hiện tiến trình nêu trên. 

Cụ thể, theo Thủ tướng Ba Lan Morawiecki, việc đưa ra cơ chế gắn với tuân thủ nguyên tắc pháp quyền là "độc đoán và mang động cơ chính trị”. Nếu chấp nhận, nó sẽ dẫn đến hợp pháp hóa việc áp dụng các "tiêu chuẩn kép" đối với các nước thành viên. 

Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh, các giải pháp được đề xuất không phù hợp với kết luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 7 vừa qua. Khi đó, các nhà lãnh đạo khối đã nhất trí với gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ cho cả EU dưới các hình thức trợ cấp hoặc cho vay nhằm tháo gỡ những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban thì cho rằng, chế tài được đề xuất trong thỏa thuận là dựa trên những định nghĩa pháp lý mơ hồ, và những khái niệm khó xác định rõ ràng như vậy sẽ tạo cơ hội cho việc lạm dụng chính trị, cũng như đi ngược lại lại yêu cầu về tính ổn định của pháp lý.

Giới chuyên gia đánh giá, với những bất đồng hiện hữu, việc EU phải đối mặt với nguy cơ xảy ra khủng hoảng chính trị là hoàn toàn có thể. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục "hoành hành" tại đây, điều cần thiết là phải kịp thời cứu trợ, đặt lợi ích người dân lên hàng đầu. 

Linh Đan
.
.
.