Bi hài chuyện tuyển “Tây” ở V.League
Chợ “quê” V.League
Người ta vẫn nói thị trường chuyển nhượng như một cái chợ. Và cắt nghĩa ở V.League, nó đích thực là một cái chợ quê. Dịch COVID-19 nói riêng cũng như tình cảnh tài chính khó khăn khiến các CLB V.League bị động trong nguồn tuyển chọn ngoại binh. Họ đa phần thông qua những nhà môi giới, nhận cầu thủ về thử việc trước khi tiến hành ký hợp đồng. Nam Định là một trong những CLB nghèo nhất ở V.League. Do đó, họ cũng đi chợ khác người hơn.
HLV Nguyễn Văn Sỹ quyết định xin thử ngoại binh theo bản hợp đồng ngắn hạn 1 tháng với Wesley và Gramoz. Ông thừa nhận đội không có nhiều tiền để mạnh dạn ký dài hạn trong bối cảnh chưa hiểu rõ về sự hoà nhập của những ngoại binh. Để rồi ngay ở vòng thứ 2, Gramoz bị “bay màu”. Ông Sỹ đưa ra lý do Gramoz không chấn thương nhưng không chịu ra sân ở trận đấu thứ 2 của Nam Định với Hải Phòng. Dù rằng ở vòng đấu trước, Gramoz lập cú đúp trước Hà Nội FC.
Những thương vụ như Kiatisak, Lee Nguyễn,… như nhân sâm trong mớ rễ tre thử Tây của V.League. |
Đúng với tính chất của một cái chợ quê. Màn cãi vã nổ ra. Gramoz không phải dạng vừa. Lần đầu tiên trong lịch sử V.League, người ta chứng kiến một ngoại binh viết status trên facebook để thanh minh dài xấp xỉ 1.000 chữ. Anh còn lôi cả HLV cũ Nguyễn Đức Thắng (thời còn dẫn dắt Thanh Hoá) để giúp mình. Lý do là bởi Gramoz không thể chấp nhận cảnh Nam Định xúc phạm mình mắc bệnh “ngôi sao”. Theo Gramoz, anh cảm giác phần cơ có vấn đề. Chính vì thế, Gramoz xin phép không thi đấu để giữ đôi chân. Nhưng với Nam Định, họ cần những “công nhân Tây” phải đá hết trận này qua trận khác.
Bi hài kể trên chỉ là một trong hàng tấn những câu chuyện giữa ngoại binh và các CLB tại V.League. Hai năm trước, HLV Vũ Hồng Việt khi đó còn dẫn dắt Quảng Nam để tuột tay một “món hàng” giá trị. Đó là tiền đạo Bruno Cunha. Quan sát qua băng hình cung cấp, ông Việt “đỏ” chấm Bruno Cunha. Nhưng chuyện trớ trêu xảy ra trong ngày mà Bruno đến Quảng Nam còn ông Việt chưa kịp từ Hà Nội bắt chuyến bay vào đội bóng.
“Khi Bruno đến nhà ăn của CLB thì cậu ấy cảm thấy đồ ăn không được ưng ý. Bruno có thắc mắc thì cậu phiên dịch của đội lại bảo đại ý rằng ở đây chúng tôi chỉ có thế này thôi. Cũng là một câu nói nhưng phiên dịch lại xử lý không khéo, đến bản thân mình nghe cũng phải thấy tự ái nữa là cầu thủ mới đến như Bruno. Sau đấy thì đội cho cậu phiên dịch kia nghỉ việc và tìm người khác phù hợp hơn. Tất nhiên, Bruno cũng nổi giận và chọn Viettel sau đó. Ai cũng biết anh ta hay ở Viettel như thế nào”, HLV Vũ Hồng Việt ngậm ngùi chia sẻ.
Sang nước ngoài để ướm “Tây”
Những năm gần đây, V.League thụ động trong việc tuyển chọn nguồn ngoại binh. Như đã nói, câu chuyện tuyển mộ mang tính 1 chiều. Các CLB V.League không phải giàu có và chuyên nghiệp như những đội bóng tại Ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga để tuyển đội ngũ tuyển trạch đi khắp năm châu săn đầu người. Nhưng đúng là có một giai đoạn nhỏ, nhiều đội bóng tại V.League đã có cắt cử người bay ra trời Âu hay Brazil để tuyển mộ cầu thủ trực tiếp. Năm 2010, Cần Thơ sang tận Inter Milan để hy vọng tìm nguồn cầu thủ chất lượng.
Giám đốc Antonio Recchi "biếu" ba sản phẩm của CLB - mà theo lời giới thiệu có chất lượng và đủ sức tỏa sáng ở V.League là David Winter (đến từ Dunbarton, Scotland), Vergori Manuel (Tortoli, Italia) và Leonardo Oscar (Mestre, Italia).
Nhưng tới khi bộ ba "sao" Inter sang Việt Nam, khán giả Cần Thơ té ngửa khi "trình" của 3 ông tây đá bóng không hơn gì mấy "tây ba lô" thử việc mà Cần Thơ thường tiếp đón trong mỗi đợt tuyển quân. Sau nửa mùa đá ở giải hạng Nhất, lãnh đạo đội bóng bến Ninh Kiều vội thanh lý sớm hợp đồng và buông lời oán trách Inter Milan cho hàng "đểu".
Cái mác treo đầu dê bán thịt chó cứ nhan nhản tại V.League từ năm này qua năm khác. Chẳng nói đâu xa, TP.HCM từng đưa Rodrigo Possebon - cựu cầu thủ của M.U về thử việc nhưng bất thành. Loris Arnaud, cựu cầu thủ PSG từng được Hà Nội FC kỳ vọng cũng trở thành thất vọng. 10 năm trước, cú lừa thế kỷ ở Hải Phòng khiến người hâm mộ V.League chẳng thể nào quên. Denilson – nhà vô địch thế giới 2002 chỉ đá đúng 50 phút trong trận Hải Phòng gặp HAGL và lập tức xin thanh lý hợp đồng sau đó khiến Hải Phòng mất toi 15.000 USD.
Vấn đề không chỉ nằm ở chất lượng ngoại binh kém xa cái mác quảng cáo, bản thân những cầu thủ nội ở V.League cũng không cho ngoại binh dễ dàng có “bát kiếm cơm”. Ngày trước, cầu thủ của Vicem Hải Phòng hay Hòa Phát HN mỉa mai: “Tây tưởng đến đá kiếm tiền ở V-League mà dễ, mà ngon à. Bọn tôi thấy nhiều thằng đá còn chẳng bằng dân đá phủi bên mình, nhìn thì đô con nhưng thể lực cũng thường, kĩ thuật thì vô cùng gỗ, đỡ quả bóng còn chả chuẩn kĩ thuật cơ bản”. Vài lần, để “xem thằng Tây mới ngon cỡ nào”, hậu vệ "Ta" phi vào chặt chém dọa vài phát, ông "Tây" đá phủi đụt luôn, thế thì làm sao chơi được ở V.League ngày càng quyết liệt”.
Tây… “ba lô” Có một câu chuyện khác cách đây 9-10 năm, trên sân Hàng Đẫy, mỗi khi HN T&T hay HN ACB thi đấu là người ta lại thấy có vài ông Tây lạ hoắc xuất hiện trên khán đài. Có lần, một ngoại binh từng xuống tận đường piste xin xỏ người môi giới vài đồng. Cầu thủ này sang Việt Nam mà chưa kiếm được việc, thu nhập không có. "Cò" rút 200 nghìn đồng ra dúi vào tay bảo tiêu tạm, cầu thủ này lại kì kèo xin thêm, rút cuộc người môi giới nhăn mặt khó chịu đưa thêm cho 1 tờ 200 nghìn đồng nữa… |