Kẻ hủy diệt của nước Mỹ
Charles Carl Panzram sở hữu một gương mặt điển trai, thu hút ánh nhìn cả hai phái, nhưng hắn không có hứng thú với phụ nữ trên nghĩa của tình yêu. Y là một kẻ giết người hàng loạt, cưỡng hiếp, đốt phá, trộm và cướp đồ, hắn đã “bước chân” vào vô số nhà tù của nước Mỹ.
Panzram đi đến đâu sẽ phóng hoả, cướp giết, gây tội ác đến đó. Đầu đời, hắn là một cậu bé bất hạnh sống trong một môi trường bạo lực, bị tra tấn dã man từ thể xác lẫn tinh thần. Trong lời thú tội và cuốn tự truyện của mình, Panzram tuyên bố đã sát hại 21 nạn nhân (chưa thể chứng thực) và hơn 1.000 hành vi cưỡng hiếp các cậu bé vị thành niên cũng như nam giới trưởng thành.
Tuổi thơ bất hạnh
Charles Carl Panzram sinh ngày 28-6-1891, trong một gia đình nhập cư nghèo thuộc quận Hennepin, phía Bắc Minnesota, Mỹ. Y có năm người anh trai và một cô em gái, bố mẹ là người gốc Đức sở hữu một trang trại nhỏ ở nước Mỹ. Cuộc sống nghèo đói nhưng vẫn rất hạnh phúc cho đến năm Panzram 7 tuổi, cha mẹ hắn ly hôn, người cha quyết định bỏ đi và để lại toàn bộ trang trại cho vợ cùng bảy người con.
Chân dung tên giết người hàng loạt Charles Carl Panzram. |
Thiếu đi sức lao động chính cũng như trụ cột gia đình, tương lai của cả nhà Panzram đã ảm đạm lại càng ảm đạm hơn. Tất cả những người con đều phải làm liên tục không nghỉ ngơi từ tờ mờ sáng đến tối muộn nhưng vẫn không đủ ăn, còn Panzram thường bị các anh đánh đập không rõ nguyên nhân. Không có sự dạy dỗ, nghèo đói cùng cuộc sống bạo lực, Panzram 11 tuổi “đánh liều” trộm một ít bánh, táo cùng với một khẩu súng ngắn của nhà hàng xóm.
Cảnh sát đã nhanh chóng bắt Panzram và đưa y đến trường cải tạo dành cho vị thành niên. Đây là Trường Đào tạo Minnesota State thuộc thị trấn Red Wing, phía Nam St. Paul (Mỹ), lúc bấy giờ, trong trường đang cải tạo khoảng 300 bé trai từ 10 đến 20 tuổi. Trong cuốn tự truyện của Panzram, khi bị đưa đến trường cải tạo, một nam nhân viên của văn phòng nhà trường đến khám sức khoẻ cho hắn nhưng thực chất là quấy rối tình dục y.
Panzram bị đánh đập, hãm hiếp một cách tàn bạo tại trường cải tạo này, khi ấy, đứa trẻ 11 tuổi liên tục phải nhận những cơn mưa đòn roi từ ván gỗ, dây da, thậm chí là mái chèo. Panzram cắn răng chịu đựng và ôm một mối hận, lúc bây giờ, y bắt đầu lên kế hoạch trả thù.
Đêm ngày 7-7-1905, Panzram trốn vào hội trường lớn và dùng thiết bị đơn giản tự tạo với ý đồ đốt cháy toàn bộ nơi này. Kế hoạch của y đã thành công khi cả toà nhà của ngôi trường cải tạo bị thiêu rụi hoàn toàn. Đến cuối năm 1905, Panzram được mẹ đón về nhà, ngoài mặt, y thu mình lại và ngoan ngoãn, nhưng thực ra đã ôm một mối hận thù với tất cả mọi người. Panzram tiếp tục trộm tiền từ túi của mẹ mình nên y suýt phải vào Trường Huấn luyện Red Wing (Mỹ). Sau đó, Panzram nhiều lần có hành vi mưu sát giáo viên nhưng bất thành.
Cuộc sống ở trang trại quá tăm tối với đầy nguy cơ phải quay lại các trường cải tạo có hành vi bạo lực, Panzram quyết định rời nhà ra đi năm 14 tuổi, y bắt chước cuộc sống của những người du mục. Y ta ngủ trong các xe chở hàng, trốn trong tàu chứa đồ và chạy trốn khỏi các cảnh sát đường sắt. Panzram đi đến đâu sẽ xin đồ ăn hoặc trộm cắp đến đó. Trong cuốn tự truyện, Panzram viết lại, trong thời gian đó, y đã được 4 người đàn ông lạ cho ăn no, mua quần áo đẹp và đưa đến Montana (Mỹ).
Panzram thuật lại: “Nhưng trước tiên, họ muốn tôi làm một chút chuyện cho họ”, cậu bé 14 tuổi bị 4 người đàn ông hãm hiếp. “Tôi đã khóc và cầu xin họ tha cho nhưng chúng vẫn tiếp tục...”, Panzram kể lại. Sau đó, y trốn thoát khỏi 4 tên lạ mặt, trốn được khỏi đó nhưng tình người, sự non nớt và thơ ngây cuối cùng đã bị Panzram vứt lại, y hoàn toàn trở thành một đứa trẻ bất hảo.
Sau khi trốn thoát, Panzram bị kết án một năm tại Trung tâm cải tạo bang Montana, phố Miles (Mỹ) với tội danh trộm cắp. Để lấy cớ cho những tội ác sau này của bản thân, Panzram đổ lỗi: “Thiếu hiểu biết cùng phương pháp nuôi dạy không đúng cách, cũng như môi trường sống bạo lực đã khiến tôi vào con đường tội ác”.
James Woods đóng vai Carl Panzram trong bộ phim kể về cuộc đời của tên sát nhân bất hảo. |
Con đường bất hảo
Sau khi trốn khỏi Trung tâm cải tạo Montana cùng với người bạn là Jimmie Benson, hai người đã bắt tay vào một vụ trộm, cướp và đốt phá vùng Trung Tây, xong phi vụ cả hai chia tay nhau mỗi người một ngả. Năm 1907, ở tuổi 15, Panzram đổi tên thành Jefferson Baldwin và khai gian tuổi để nhập ngũ vào Quân đội Hoa Kỳ. Nhưng do quen với cuộc sống buông thả không khuôn phép nên Panzram thường xuyên bị kỷ luật vì vi phạm các lỗi trong quân doanh.
Tháng 4-1908, Panzram đã trộm quần áo trong quân danh với giá trị 88,24 đô la Mỹ (khoảng 2triệu VND), y bị bắt khi cố gắng tẩu tán món đồ. Panzram bị tuyên án 3 năm tù tại nhà tù liên bang cũng như tước đoạt hết quần hàm cùng lương thưởng, phụ cấp. Y bị xích và đưa lên trạm xe lửa với các tù nhân khác để gửi đến Fort Leavenworth, Kansas (Mỹ), chặng đường 1.600km không được ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì. Đến nơi bị giam, Panzram 16 tuổi, tiếp tục nhận những cơn mưa bạo lực và sớm trở nên tuyệt vọng khi cố gắng trốn khỏi nơi này, hy vọng trở thành một công dân tốt của Panzram hoàn toàn dập tắt.
Được thả tự do, Panzram tiếp tục con đường trộm cắp, phần lớn cuộc đời của y là ở trong trại cải tạo hoặc nhà tù. Panzram thú nhận: “Tôi thiêu rụi tất cả mọi thứ, khi không có gì để đốt, tôi sẽ đốt cỏ trên thảo nguyên, rừng…”, y có xu hướng bạo lực gia tăng, muốn tàn phá mọi thứ.
Mùa hè năm 1911, Panzram tiếp tục đổi tên, y bị kết án 6 tháng tù tại Fresno, California (Mỹ) với tội danh trộm một chiếc xe đạp. Một tháng sau, Panzram bỏ trốn khỏi nhà tù, cầm theo khẩu súng lục y đã trộm trước đó và nhảy lên xe chở hàng đi về hướng Tây Bắc. Chính trên toa tàu này, Panzram đã cưỡng hiếp một cậu bé 10 tuổi, sau khi thoả mãn thú tính, hắn nhẫn tâm ném cậu bé xuống tàu và tiếp tục đi đến Oregon (Mỹ).
Năm 1913, Panzram tiếp tục đổi tên và bị kết án tù với tội danh cướp trên đường cao tốc, hành hung, phá hoại. Sau khi ngồi tù ba tháng, y tiếp tục trốn khỏi nhà tù thành công. Liên tiếp từ năm 1913 đến năm 1915, Panzram thay đổi tên liên tục, y bị tống giam vào 5 nhà tù tại 5 bang khác nhau. Trong đó có lần Panzram bị bắt vào nhốt ở nhà tù Harrison, Idaho (Mỹ), đêm đầu tiên bị tống giam, hắn ta đã đốt cháy một toà nhà và giải phóng được gần phân nửa tù nhân tại đây. Panzram như người hùng của những tên tội phạm bất hảo tại các nhà tù, bởi lẽ, hắn ta bị tống giam ở đâu thì sẽ đốt nhà tù ở đó và giải phóng được nhiều tù nhân.
Năm 1915, Panzram bị kết án 7 năm tù giam với tội danh trộm cắp tại nhà tù Oregon State Penitentiary, Salem (Mỹ). Ngày 24-5-1915, Panzram trở thành tù nhân số 7.390 của nhà tù, trong hồ sơ, hắn khai gian danh tính tên Jeff Rhodes, nơi sinh ở Alabama (Mỹ) và nghề nghiệp là trộm cắp. Với thái độ bất cần đời và không hợp tác, Panzram đã làm các quản ngục thấy khó chịu, nhà tù mà hắn bị tống giam nổi tiếng với những phương pháp dụng hình tàn bạo, hung tàn. Các tù nhân tại đây thường xuyên bị xích vào tường hoặc treo lên trần nhà, họ luôn phải lãnh những cơn mưa đòn bạo lực gây ra nhiều chấn thương nghiêm trọng.
Panzram bất hợp tác và khinh thường các quản ngục, hắn ta đạt kỷ lục “bị treo 10 giờ/ngày liên tục trong hai ngày, đi kèm với đó là những phương pháp tra tấn tàn bạo”, nhưng Panzram vẫn luôn giữ thái độ bất cần đời. Một tháng sau, y bị ném vào ngục tối trong ba tuần với một chút bánh mỳ và nước, hắn ta nhớ lại: “Họ lột trần truồng và xích tôi vào một cánh cửa”. Vài ngày sau, Panzram đã tìm cách trốn thoát được, thiêu rụi ba toà nhà tù giam, trong 61 ngày tiếp theo, y len lỏi trong bóng tối để chạy trốn và món ăn chủ yếu của hắn là gián.
Charles Carl Panzram đã “bước chân” vào nhiều nhà tù của nước Mỹ. |
Sau khi gây ra hai vụ xả súng tấn công nhiều người, hắn ta bị bắt vào tù. Ngày 12-5-1918, Panzram tiếp tục trốn thoát khỏi nhà tù bằng cách cưa song sắt phòng giam và trốn lên một chuyến tàu đi về hướng Đông. Vào hè năm 1920, Panzram đến thành phố nhộn nhịp New Have, Connecticut (Mỹ). Hắn thường ra ngoài vào ban đêm, đi dạo quanh phố nhằm tìm kiếm “con mồi” để cướp bóc hoặc hãm hiếp, mục tiêu của hắn nhắm đến là những cậu bé hoặc các gia đình giàu có ít người. Đến tháng 8 cùng năm, hắn ta đập vỡ cửa sổ để đột nhập vào một ngôi nhà với vẻ ngoài khang trang trên Đại lộ Whitney (Mỹ).
Panzram trộm được một số lượng trang sức đắt tiền, trái phiếu và một khẩu súng lục. Trong nhật kí, Panzram thống kê số tiền cướp được là 3.000 đô la Mỹ (khoảng 70triệu VND), hắn ta giữ lại khẩu súng lục và mua một du thuyền đặt tên là Akista, y đăng kí chủ tên là John OLeary. Panzram đưa thuyền đến sông Đông hướng phía Đông thành phố Rye (Mỹ) và neo gần bờ biển đá của Connecticut (Mỹ). Trên đoạn đường biển di chuyển, hắn ta phá vỡ hàng chục tàu thuyền neo đậu gần đó, ăn trộm bất cứ món đồ nào có giá trị. Cuối cùng hắn ta thả neo ở câu lạc bộ du thuyền New Haven, hắn vui thú ở đây, ăn chơi, ca hát, uống rượu và suy nghĩ đến việc giết người.
Tội lỗi
Dạo chơi ở bờ biển đá Connecticut một thời gian, Panzram phát hiện có rất nhiều người thất nghiệp, nghèo đang tìm kiếm công việc làm thuỷ thủ trên tàu vận tải. Trong đầu tên máu lạnh này loé lên ý nghĩ giết người, hắn ta vui vẻ vì đã tìm được trò chơi mới. Panzram thú nhận: “Tôi đã lên kế hoạch chi tiết cho vụ giết người hàng loạt này, tôi sẽ thuê một vài thuỷ thủ lên du thuyền Akista, chuốc say và giết chết họ”. Hắn ta dụ những người muốn làm thuỷ thủ (hoặc thuỷ thủ) rời khỏi quán rượu ở thành phố New York, chuốc say nạn nhân, hãm hiếp họ và ra tay sát hại bằng khẩu súng lục mình ăn trộm được. Panzram sát hại rất nhiều người, sau đó phi tang thi thể xuống biển.
Thời điểm ấy, cảnh sát nhận được quá nhiều đơn báo cáo mất tích và các thanh tra viên bắt đầu nghi ngờ Panzram. Hắn ta đành di chuyển thuyền đến bờ biển New Jersey với hai nạn nhân cuối, hai người này may mắn thoát khỏi tay của tên sát nhân nhưng bị mất tích. Vụ sát hại trên biển chỉ kết thúc khi con thuyền Akista bị vỡ do va vào bờ đá vào cuối tháng 8-1920. Sau đó, Panzram bị kết án tù 6 tháng với tội danh ăn trộm.
Khi được tự do, y đến Angola (bấy giờ là thuộc địa của Bồ Đào Nha) trên bờ biển phía Tây châu Phi. Hắn tiếp nhận công việc Quản đốc của một giàn khoan dầu tại Công ty Dầu Sinclair năm 1921. Với tính cách thích tàn phá mọi thứ, hắn ta thiêu rụi gian khoan của công ty. Trong thời điểm ấy, hắn ta cũng hãm hiếp và ra tay sát hại dã man một cậu bé 11 tuổi. Panzram thuê một chiếc thuyền với 6 người chèo, đi xa bờ, hắn ta lập tức bắn chết hết tất cả và ném thi thể xuống làm “bữa ăn”cho cá sấu.
Vào ngày 18-7-1922, hắn ta đã cưỡng hiếp 1 cậu bé và sát hại nạn nhân bằng một tảng đá tại Salem, Massachusetts (Mỹ), đến cuối năm đó, Panzram cũng cưỡng bức và bóp cổ nạn nhân đến chết tại New Haven (Mỹ). Sau đó, hắn ta nhận công việc người gác đêm tại nhà máy Abeeco Mill ở Yobkers (Mỹ), tại đây, y đã dụ dỗ quan hệ tình dục với cậu bé George Walosin (15 tuổi).
Từ năm 1923 đến năm 1928, Panzram liên tục đi trộm du thuyền, cưỡng hiếp và giết chủ của các du thuyền hoặc các cậu bé vị thành niên, hắn ta bị bắt và trốn khỏi ít nhất 3 nhà tù. Hắn ta tuyên bố giết ít nhất là 21 người, trong đó có một số nạn nhân, cảnh sát chưa thể xác thực được.
Cái giá phải trả
Ngày 30-8-1928, Panzram bị bắt tại Baltimore với tội danh trộm đồ trang sức từ nhà của một nha sĩ vào ngày 20-8 ở Washington (Mỹ). Trong lúc thẩm tra, vì nghi ngờ tiền sử phạm tội của Panzram, cảnh sát đã tra hỏi, cuối cùng hắn ta thú nhận đã giết ba cậu bé trước đó. Ba cậu bé lần lượt bị sát hại ở Salem (Mỹ), Connecticut (Mỹ) và Ohiladelphia (Mỹ). Hắn ta nhận bản án 25 năm tù và bị đưa đến nhà tù liên bang Leavenworth với số hiệu 31614.
Panzram còn cảnh báo quản ngục rằng: “Tôi sẽ giết chết ông đầu tiên nếu như ông dám làm phiền tôi” và hắn ta được giao một công việc đơn độc trong phòng giặt ủi của nhà tù. Ngày 20-6-1929, Panzram bị kết án tử hình khi hắn ta dùng thanh sắt đánh chết Quản đốc phòng giặt là Robert Warnke. Hắn ta từ chối hết tất cả các bản kháng cáo được viết bởi những người phản đối án tử hình ủng hộ nhân quyền dành cho y.
Khi đang chờ ngày hành quyết, Panzram kết bạn với một sĩ quan tên Henry Lesser, người này đã mua thuốc lá cho hắn ta. Panzram rất ngạc nhiên với hành động tử tế này, hắn lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác ấm áp của lòng người. Sau khi Henry Lesser tặng hắn một chút giấy và bút, y đã viết một bản tóm tắt toàn bộ tội ác của mình (sau này được xuất bản thành truyện và dựng phim).
Chốt lại bản thú tội, hắn ta viết rằng không hề cảm thấy hối hận với các vụ cướp, giết, hãm hiếp người và đốt phá mà y gây ra. Panzram tuyên bố: “Trong cuộc đời của tôi, tôi đã sát hại 21 con người, tôi đã thực hiện hàng nghìn vụ trộm, cướp, đốt phá và cưỡng bức hơn 1.000 nam giới. Đối với tất cả điều này, tôi không thấy mình có lỗi”.
Các sĩ quan cố gắng đội mũ trùm đầu che mặt Panzram bởi hắn ta có hành động nhổ nước bọt vào mặt người thực hành án treo cổ hắn. Khi được hỏi muốn nói lời cuối cùng nào không, hắn ta hung hăng nói: “Vâng, nhanh lên, đồ khốn! Trong lúc mày đang chơi đùa thơ ngây thì tao đã giết hàng chục tên đàn ông đấy”. Charles Carl Panzram bị treo cổ ngày 5-9-2930, dấu chấm kết cho cuộc đời của một kẻ bất hảo, máu lạnh ở nước Mỹ. Mộ của Panzram tại Nghĩa trang Penitentiary, Leavenworth (Mỹ), được đánh dấu bằng số hiệu ở nhà tù của hắn – 31614.