Giải pháp nào tháo gỡ vướng mắc trong tự chủ đại học?
- Tự chủ đại học để đổi mới và phát triển
- Cung ứng dịch vụ tốt - vấn đề sống còn của tự chủ đại học
- Tự chủ đại học chậm trễ do nhiều trường còn hiểu lệch
Dự hội thảo có đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ và đông đảo các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế và lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học.
*Cần bước đi, cách làm phù hợp, có tính kế thừa
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, trên 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học từng bước hoàn thiện là hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng. Đặc biệt có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. |
Tuy nhiên trong thực thi còn nhiều khó khăn, rào cản, còn khoảng cách, đòi hỏi giáo dục đại học Việt Nam phải đổi mới. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị hội thảo cần dân chủ thảo luận, tập trung vào một số nội dung như: Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ phải có trách nhiệm giải trình theo quy định, các cơ quan có trách nhiệm đã tôn trọng quyền đó của các cơ sở giáo dục hay chưa? Về quyền tự chủ học thuật - các quy định về thực hiện tiêu chuẩn, chất lượng, việc mở ngành, việc tuyển sinh, việc đào tạo gắn hoạt động khoa học công nghệ, việc hợp tác trong nước và quốc tế sao cho phù hợp với quy định của nhà nước và hệ thống pháp luật chuyên ngành.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng còn đề nghị phải bàn về quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự, vì “đây là một trong những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, cần có bước đi, cách làm phù hợp, vừa trân trọng và có tính kế thừa đội ngũ cán bộ, chuyên gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới, giữa kế thừa và phát triển”. Phó Chủ tịch lưu ý, cần hoàn thiện và mẫu mực về quyền tự chủ trong tài chính, tài sản, quản lý sử dụng tài chính, tài sản, chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển, chính sách học phí, học bổng đối với người học.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đại biểu tham dự hội thảo |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, khi chúng ta bàn về tự chủ đại học cần quan tâm đến trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học? Nếu không thực hiện đúng cam kết thì phải xử lý thế nào?. “Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Bộ GD & ĐT khi phải vừa chịu trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật, vừa phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về những nội dung trong quản lý Nhà nước của mình? Đề nghị các đồng chí, các thầy quan tâm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Tại hội thảo, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT nêu một số chỉ số hoạt động của 23 cơ sở đào tạo đại học thực hiện tự chủ (giai đoạn 2015 – 2020) như: Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%; tỉ lệ tuyển được trong tuyển sinh đại học/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%; số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% chương trình đào tạo được kiểm định của toàn quốc; số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần; tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần (mặc dù NSNN cấp giảm 2,1 lần); có 4 trường lọt vào bảng xếp hạng QS Asia 2021.
Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, tự chủ sẽ giúp các trường ĐH năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho người học và xã hội |
Theo ông Hoàng Minh Sơn, khi được tự chủ, các trường ĐH năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho người học và xã hội. Tuy nhiên, các cơ sở tự chủ hiện đang gặp nhiều khó khăn như: Tài chính thiếu bền vững khi học phí vẫn chiếm tỉ trọng lớn (hơn 80%); thu từ nghiên cứu và các nguồn khác thấp; nguồn thu từ ngân sách Nhà nước giảm mạnh; đào tạo sau đại học giảm, thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học; nhiều trường lúng túng trong thành lập, kiện toàn hội đồng trường; vai trò, chức năng của hội đồng trường chưa được đặt đúng vị trí; các cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình chưa rõ nét, thiếu tính hệ thống…
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, vướng mắc lớn hiện nay là hoạt động tự chủ của cơ sở giáo dục đại học không chỉ được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục đại học mà còn chịu sự điều chỉnh của nhiều đạo luật chuyên ngành khác và hiện vẫn còn nhiều nội dung chưa có sự đồng bộ giữa các luật.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất xây dựng một đề án tổng thể về đẩy mạnh tự chủ đại học.
|
Vì vậy, việc hài hòa hóa quy định pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thống nhất và vững chắc cho tự chủ đại học là một yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung các luật lại không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Vì thế, theo ông Phạm Tất Thắng, có thể xem xét, xây dựng một đề án tổng thể về đẩy mạnh tự chủ đại học để giải quyết được vấn đề - là một nội dung đặt ra trong bối cảnh hiện nay…
* Tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư
Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học chính là sự “luật hóa” tinh thần tự chủ đại học – đây là một bước tiến mới, bước tiến dài và đúng hướng của giáo dục đại học.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, chúng ta mới thực hiện tự chủ đại học được một bước và trước mắt còn có quá trình dài. Phó Thủ tướng nêu 5 điểm thống nhất của tự chủ đại học: Tự chủ đại học phải đi từ chuyên môn, hay còn gọi là tự chủ học thuật, ở đó có mô hình quản trị tiên tiến lan tỏa ra ngoài xã hội, nâng cao tính dân chủ, khoa học; tự chủ phải gắn với giải trình, không phải giải trình với cơ quan nhà nước, mà giải trình với toàn xã hội; tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa; tự chủ không có nghĩa buông lỏng quản lý Nhà nước, sẽ quản lý bằng pháp luật và tự chủ nhưng không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của người nghèo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là "luật hóa" tinh thần tự chủ đại học, một bước tiến mới, đúng hướng của giáo dục đại học Việt Nam |
Phó Thủ tướng chỉ đạo, để triển khai thiết thực tự chủ đại học, cần thực hiện nhiệm vụ quan trọng, trong đó các cơ sở giáo dục đại học phải có hội đồng trường theo đúng quy định pháp luật. Không nên hiểu cực đoan là có Đảng ủy rồi thì không cần có hội đồng trường.
“Cái vướng ở đây là bản thân một số đồng chí hiệu trưởng không muốn mất bớt quyền, không muốn chuyển giao quyền lực của mình cho hội đồng trường. Luật ban hành rồi vẫn có người hỏi chủ tịch hội đồng trường to hay hiệu trưởng to hơn? Một số đồng chí hiệu trưởng muốn tiếp tục kiêm Bí thư Đảng ủy trường, chủ yếu là do nhận thức của chính đội ngũ lãnh đạo, phải thống nhất điều này. Nhiều đồng chí hiệu trưởng nói là nếu thế thì hiệu trưởng không còn quyền. Không phải như vậy. Luật và Nghị định hoàn toàn không cấm, hoàn toàn do quy chế của trường quy định”, Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải xem xét lại kỹ lưỡng thành phần hội đồng trường có đầy đủ đại diện của giáo viên, thanh niên, công đoàn và thành phần bên ngoài hay không? Các cơ quan nếu được mời người tham gia hội đồng trường, cần cử người tâm huyết tham gia.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, quan trọng hàng đầu là phải xây dựng bộ quy tắc của trường, lấy ý kiến công khai trong cơ sở giáo dục đại học, thậm chí đăng lên để xã hội góp ý, sau đó hội đồng trường thông qua thành luật của trường. Hiện luật không hướng dẫn làm bộ quy tắc, nhưng một số trường như Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã xây dựng ban hành bộ quy tắc công khai, các trường có thể tham khảo.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ luôn xác định công cuộc đổi mới giáo dục là dài hơi, liên tục cọ sát, khi có các ý kiến khác nhau, cùng bày tỏ trên tinh thần cầu thị, Chính phủ sẽ chắt lọc và khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục điều chỉnh hành lang pháp lý, cơ chế giám sát và cuối cùng là khâu tổ chức thực hiện làm sao để thúc đẩy giáo dục đại học phát triển mạnh mẽ…