Tự chủ đại học chậm trễ do nhiều trường còn hiểu lệch

Thứ Sáu, 30/09/2016, 16:18
Ngày 30-9, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội” với sự tham dự của hàng trăm trường đại học trên cả nước.

Hội thảo có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. GS.TS Trần Hồng Quân- Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam; TS. Đặng Xuân Hoan- Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực đồng chủ trì Hội thảo.

“Tự chủ không phải là cắt đầu tư mà là thay đổi cách đầu tư”

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trình bày bài phát biểu của mình như một tham luận của đại biểu về tự chủ đại học hết sức hàm súc, ý vị và bất ngờ. Theo Phó Thủ tướng,  có rất nhiều chỉ số để nói rằng giáo dục đại học của chúng ta hiện nay “có vấn đề”, ví dụ số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm.

Phó Thủ tướng nêu ra một thí dụ mà ông nói rằng rất buồn, đó là điểm lại công bố quốc tế Việt Nam rất thấp. Cụ thể, trong số khoảng 10.000 tạp chí ISI thì Việt Nam không có cái nào; trong số khoảng 20.000 tạp chí Scorpus thì Việt Nam có 3 cái, nhưng không có cái nào của trường đại học cả mà toàn của các viện nghiên cứu. Nguyên nhân là do đại học ở Việt Nam không tham gia vào  công tác nghiên cứu khoa học nhiều như các nước tiên tiến trên thế giới.

 “Điều này cho thấy chúng ta cần đổi mới giáo dục căn bản toàn diện, đặc biệt là giáo dục đại học  bởi tiếp cận đầu ra của thị trường lao động thì đại học gần hơn. Và để đổi mới có hiệu quả phù hợp với xu thế tất yếu của thế giới thì các trường đại học phải quyết tâm tự chủ”- Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tự chủ của các trường đại học phải gắn chặt với chất lượng sản phẩm đầu ra mà nhà trường đào tạo.

Phó Thủ tướng cho rằng, trên thực tế thì vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam đã được đặt ra từ lâu và cũng đã thí điểm cách đây 10 năm áp dụng đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là sau đó vấn đề này lại không được thúc đẩy thêm, không đạt được như mong muốn. Nguyên nhân chính dẫn tới vấn đề tự chủ chậm tiến triển là do hầu hết đều hiểu lệch theo hướng tài chính, lo lắng rằng Nhà nước sẽ không cấp tiền nữa thì không có tiền chi thường xuyên.

Quyền tự chủ càng lớn, trách nhiệm xã hội càng cao

Kết luận tại Hội thảo, GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại hoc, cao đẳng Việt Nam đã tổng kết lại những luận điểm mấu chốt trong việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, trong đó có một số vấn đề cần phải thống nhất về nhận thức.

Trước hết, trao quyền tự chủ cho các trường đại học không có nghĩa là mọi trường đại học đều được hưởng mức độ tự chủ như nhau. Trên thế giới có tồn tại một “phổ” rộng về mức độ tự chủ: Những trường được trao quyền tự chủ tối đa là những trường đại học có hàm lượng trí tuệ cao, tức là những trường đại học nghiên cứu; còn các trường theo hướng nghề nghiệp - ứng dụng vẫn phải chịu sự kiểm soát và giám sát khá lớn từ phía Nhà nước, đặc biệt về mặt học thuật.

Bên cạnh đó, quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng cao. Ở đây, trách nhiệm xã hội không phải chỉ là lời hứa suông mà là trách nhiệm của nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh, người sử dụng lao động, công chúng và Nhà nước. Trách nhiệm này bao gồm: việc đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình công khai với công chúng, đem lại sự thỏa mãn cho sinh viên và cộng đồng.

Mặt khác,  quyền tự chủ của nhà trường không thể trao cho một cá nhân (Hiệu trưởng) mà phải trao cho một Hội đồng trường có thành viên chủ yếu là các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội. Hội đồng trường phải là một hội đồng quyền lực thực sự, quyết định mọi chính sách của nhà trường, có quyền chọn lựa Hiệu trưởng và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của nhà trường. Ngoài ra, cũng phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hữu hiệu.

GS. Trần Hồng Quân cũng cho biết, sau Hội thảo này, Hiệp hội và Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực sẽ có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về kết quả hội thảo, đồng thời có kiến nghị một số vấn đề về chính sách và giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội, hội nhập quốc tế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Huyền Thanh
.
.
.