Chủ động vật liệu đầu vào cho sản xuất

Thứ Tư, 25/11/2020, 19:19
Phát triển công nghiệp vật liệu là một vấn đề lớn của mọi quốc gia, đặc biệt là với một nước đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn đang phải chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu. Câu chuyện sản xuất ốc vít dù không còn đúng nhưng vẫn còn nguyên giá trị.


Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”, diễn ra sáng 25/11 đã vạch đường đi tìm lời giải cho bài toán này.

50 tỷ USD nhập nguyên liệu mỗi năm

Theo số liệu từ Bộ Công thương, về tổng thể thì năng lực sản xuất của công nghiệp vật liệu nước ta vẫncòn nhỏ, năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế. Ví dụ tỷ lệ nội địa hóa sản xuấtcác loại vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo còn thấp, như vật liệu gangchế tạo (đạt dưới 30%); vật liệu nhôm, vật liệu đồng (khoảng 5%); hóa chất cho ngànhnhựa, cao su vẫn phải nhập khẩu đến 70%; nguyên liệu cho ngành dệt may phải nhậpkhẩu gần 90% vải, 80% sợi;… 

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu mặt hàng điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN với hàng chục tỷ USD mỗi năm. 

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu điện tử vượt trên 90 tỷ USD, song, 95% kim ngạch xuất khẩu lại đến từ khối doanh nghiệp FDI. Chỉ tính riêng năm 2019, trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu với trị giá hơn 51,8 tỷ USD thì các doanh nghiệp FDI đã chiếm đến 99%. Điều đó cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong nước còn yếu. 
Việt Nam đang nhập 100% cả vật liệu lẫn công nghệ công nghiệp công nghệ cao.

Phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu tham gia vào công đoạn lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện đơn giản nên giá trị gia tăng thấp, thiếu sức cạnh tranh hoặc thiếu định hướng chiến lược rõ ràng. Chưa kể, năng lực thiết kế và chế tác của các công ty điện tử trong nước yếu kém, ở nhiều cơ sở hầu như không có hoặc rất nhỏ.

Điều đáng nói đó là “sờ” đến ngành nào, thì những yếu kém về nguyên liệu đều “lòi” ra đến đó.Ví dụ như trong ngành ô tô, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi (xe con): mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 – 10%. “Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa sản xuất các loại vật liệu cho công nghiệp chế tạo rất thấp,

công nghiệp công nghệ cao phải nhập tới 100% cả vật liệu lẫn công nghệ... Hằng năm phải nhập khẩu khoảng hơn 50 tỷ USD vật liệu”, đại diện Bộ Công thương thông tin.

Phát triển thân thiện với môi trường

“Chúng ta không thể nhập khẩu hầu hết các nguồn nguyên liệu đầu vào vì như thế, giá thành sản phẩm sẽ cao hơn đối thủ cạnh tranh hoặc biến nước ta thành một nước gia công, làm thuê. Khi thị trường có biến động, mà đại dịch COVID-19 là một ví dụ, sẽ khiến nhiều doanh nghiệp, ngành nghề phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu gặp khó khăn. Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, tự chủ, phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng, rẻ hơn về giá thành so với nhập khẩu. Muốn đạt được điều đó, phải có quyết tâm chính trị cao và khoa học công nghệ phải đi trước mở đường”, TS Cao Đức Phát , Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Đến từ Bộ Tài nguyên môi trường, các chuyên gia tham luận cho rằng phát triển ngành công nghiệp vật liệu cần tuân thủ quy định bảo vệ môi trường. 

“Cần đầu tư phát triển các sản phẩm có năng lực cạnh tranh, thân thiện môi trường góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến nhằm giảm tối đa khai thác nguồn tài nguyên không tái tạo; giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên.Các dự án sản xuất phải được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý các chất thải trước khi thải ra môi trường. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nồng độ khí thải, nồng độ bụi, chất thải rắn, nước thải ra môi trường trong quá trình sản xuất. Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đối với cơ sở sản xuất có nguồn phát thải lớn…”, đại diện Bộ Tài nguyên môi trường góp ý.

Hà An
.
.
.