Châu Âu lo lắng sau vụ tấn công khủng bố ở Áo

Thứ Hai, 09/11/2020, 08:51
Tối 2-11, một số tay súng đã tấn công vào 6 địa điểm tại trung tâm thủ đô Vienna, khiến 4 người thiệt mạng và 22 người bị thương, trong đó có 1 số người bị thương nặng. Cảnh sát đã tiêu diệt 1 đối tượng, bắt giữ 2 đối tượng tham gia vụ tấn công. Vụ tấn công khủng bố ở Áo đã khiến nhiều nước châu Âu lo lắng trước nguy cơ khủng bố.


Các nhân chứng cho biết những kẻ tấn công đã dùng súng trường tự động bắn vào đám đông tại các quán bar, trong bối cảnh nhiều người tụ tập buổi tối cuối cùng trước khi chính phủ áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Sau vụ tấn công, Chính phủ Áo đã siết chặt các biện pháp an ninh trên toàn quốc, bao gồm cả các khu vực biên giới, đồng thời kêu gọi người dân ở thủ đô Vienna cũng như trên toàn quốc hạn chế ra đường.

Một ngày sau vụ tấn công, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận gây ra vụ xả súng đẫm máu này. Các tuyên bố riêng rẽ trên kênh Telegram và cơ quan truyền thông Amaq của IS khẳng định, vụ tấn công này do một chiến binh của IS thực hiện.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công khủng bố.

Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer cho biết, kẻ bị tiêu diệt tên là Kujtim Fejzulai, người gốc Bắc Macedonia, từng có tiền án. Tháng 4-2019, hắn bị tuyên án 22 tháng tù giam do tìm cách tới Syria gia nhập tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Tháng 12-2019, hắn được ra tù trước thời hạn. Theo ông Nehammer, cảnh sát đã lục soát 15 ngôi nhà. 

Vụ tấn công khủng bố tại Áo đã khiến các nước châu Âu lo ngại tình hình an ninh bị đe dọa. Nước Đức đã tăng cường kiểm soát biên giới với Áo. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố IS là "kẻ thù chung của chúng ta" và chống khủng bố này là "cuộc chiến chung của chúng ta". Thủ tướng CH Czech Andrej Babis bày tỏ bàng hoàng trước vụ tấn công và khẳng định tinh thần đoàn kết với toàn thể người dân Áo. Cảnh sát Czech cho biết, đã bắt đầu tiến hành công tác kiểm tra các phương tiện và hành khách tại biên giới với Áo như một biện pháp đề phòng sau vụ tấn công khủng bố ở Vienna.

Ngày 3-11, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cho biết, sau khi xảy ra vụ xả súng ở Áo và một số vụ tấn công ở Pháp, nước này đã nâng mức độ cảnh báo về nguy cơ khủng bố từ "có thể" lên "nghiêm trọng". Theo tuyên bố của Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI5), mức độ "nghiêm trọng" có nghĩa là một cuộc tấn công "rất có thể" xảy ra. Nguy cơ khủng bố ở mức "có thể" đã được Anh duy trì kể từ ngày 4-11 năm ngoái.

Bộ Nội vụ Anh khẳng định, đây là "cảnh báo" không phải" báo động" và cho biết, bất cứ khi nào xảy ra các vụ tấn công ở các nước khác trong EU, sẽ có nguy cơ lôi kéo, tạo ra cảm hứng để lực lượng khủng bố tại Anh có thể cũng sẽ tổ chức các vụ tấn công tương tự. Do vậy, cơ quan chống khủng bố và lực lượng tình báo MI5 của Anh sẽ phải tăng cường giám sát những nhân vật nghi vấn nhằm đảm bảo các đối tượng này sẽ không gây ra điều gì.

Trong khi đó, người phát ngôn của Liên minh các nền văn minh Liên hợp quốc (UNAOC) Nihal Saad cho biết, Đại diện cấp cao của Liên minh Miguel Moratinos đã bày tỏ sự kinh hoàng và sốc trước vụ khủng bố khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Ông Miguel Moratinos lên án mạnh mẽ tội ác và nhấn mạnh, những hành động khủng bố như vậy là không thể chấp nhận được và hoàn toàn không thể biện minh dù ở đâu, khi nào và với bất kỳ ai là thủ phạm.

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết rằng, châu Âu "lên án mạnh mẽ hành động hèn hạ, xâm phạm tới cuộc sống và giá trị con người". Còn các lãnh đạo khác trong Liên minh châu Âu (EU) gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli và Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng chia buồn với gia đình các nạn nhân và lên án mạnh mẽ vụ khủng bố.

Sở dĩ nhiều nước châu Âu lo lắng trước nguy cơ khủng bố vì cách đây gần 2 năm, chủ đề hồi hương các phần tử thánh chiến nước ngoài, chủ yếu là là công dân châu Âu, từng tham chiến cho tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, đã khiến lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu đau đầu tìm cách xử lý.  Khi đó, quan điểm của Mỹ là đã đến lúc châu Âu phải gánh vác trách nhiệm vì phần lớn những tay súng IS người nước ngoài bị bắt giữ là công dân châu Âu.

Tuy nhiên, thời điểm đó, các nước châu Âu đều thể hiện thái độ lưỡng lự, né tránh bằng những lý do an ninh ở trong nước; bên cạnh đó là nguy cơ gia tăng các cuộc tấn công khủng bố ngay trên lãnh thổ châu Âu do chính những đối tượng này tiến hành và sự phản ứng của xã hội châu Âu.

Rõ ràng, với những gì đã xảy ra thì điều lo lắng ấy đã trở thành sự thật buộc các nước châu Âu phải sớm có giải pháp để phòng ngừa.

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.