Bảo kê nông dân - Vòi bạch tuộc mới của mafia Mexico

Thứ Bảy, 21/11/2020, 07:28
Chính phủ Mexico, Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực hiện hoàn toàn không có một phương hướng giải quyết nào hiệu quả cho việc mafia vươn "vòi bạch tuộc" của mình sang lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Họ vẫn đang đi vào lối mòn "sử dụng cảnh sát vũ trang" để trấn áp tội phạm mà không nhận ra chính điều này đã buộc các băng đảng mở rộng mô hình hoạt động. 


Theo quy luật của thị trường, lợi nhuận luôn đi xuống sau điểm bão hoà. Điều này cũng hoàn toàn đúng với cả thị trường ma tuý trên thế giới. Có vẻ như trong hoàn cảnh của những năm gần đây cũng như hiện tại, các băng đảng mafia tại Mexico thu được lợi nhuận ít hơn từ việc buôn bán ma tuý do có quá nhiều người bán. Trong khi đó, cuộc chiến chống ma tuý do Mexico cùng với Mỹ và một số quốc gia lân cận chủ động phát động đã - đang ngày càng gây áp lực lên những cartel, - tức nhiều băng nhóm cùng tập hợp lại thành một tổ chức, do một kẻ đứng đầu chi phối - khiến cho hoạt động của các băng đảng mafia trở nên mất dần hiệu quả. Do đó, để có thể tồn tại, những "ông trùm"  của các cartel buộc phải tìm đường mở rộng việc kinh doanh bằng cách nhảy vào  lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của hai ngành nông nghiệp và lâm nghiệp.

Cuộc sống của người thổ dân Nam Mỹ đang bị đặt vào vòng nguy hiểm do hoạt động phá rừng được các cartel bảo hộ.

Máu và vàng xanh

Thực tế ghi nhận, hoàn toàn không có mấy loại quả có thể so bì được với trái bơ về giá trị dinh dưỡng cũng như kinh tế trên thị trường nước Mỹ. Lịch sử cho thấy, hằng năm người dân ở xứ sở cờ hoa là những người tiêu thụ quả bơ với số lượng nhiều nhất thế giới. Tuy rằng một số địa phương trên đất Mỹ cũng có thể trồng cây bơ được, song nguồn cung cơ bản loại trái cây này của họ lại chủ yếu đến từ Mexico. Các chuyên gia phân tích kinh tế hàng đầu của nước Mỹ cũng như trên thế giới đã đưa ra dự báo rằng, kim ngạch xuất khẩu trái bơ từ Mexico sang Mỹ có thể tăng đến 1,5 tỷ USD trong một tương lai rất gần.

Thế nhưng những người nông dân chưa kịp nở nụ cười hân hoan khi thấy mình đang có cơ may đứng trước cơ hội "lên đời" nhờ trái bơ do "của nhà làm ra" thì ngay lập tức đã phải chịu cái hoạ mafia bất ngờ ập xuống đầu. Hiện bốn băng đảng mafia vào loại "có số có má" lớn nhất tại đất nước này là: Jalisco New Generation Cartel; New Michoacan Family; Tepalcatepec Cartel và Zicuirán Cartel đang quyết liệt tranh nhau giành quyền kiểm soát nguồn cung tại bang Michoacán, "trái tim" của ngành trồng bơ Mexico.

Bởi thế, đã có hàng chục người dân vô tội phải chết tức tưởi vì các cartel. Nhà nghiên cứu kinh tế Eduardo Moncada đã phải chua chát hạ bút viết thế này: "Trái bơ là nguồn thu nhập chính của không chỉ người nông dân mà còn cả ngành công nghiệp chế biến tại Michoacán nữa. Do đó, các băng đảng tội phạm sẵn sàng làm mọi thứ có thể để thống trị được từ khâu sản xuất đến chế biến loại quả này!".

Nhận ra lợi nhuận từ những loại nông sản xuất khẩu như quả bơ, các tổ chức tội phạm Nam Mỹ đang tìm mọi cách trấn lột người nông dân.

Theo lẽ thường, dưới quyền bốn cartel nói trên bao giờ cũng có nhiều băng đảng địa phương. Những ổ nhóm tội phạm này buộc người nông dân, lái xe tải và chủ nhà máy phải nộp tiền bảo kê cho chúng. Không chỉ thế, chúng cũng sẵn sàng "vô tư" cho người nông dân vay nặng lãi để buộc họ phải đổi lấy quả bơ. Người nào không có tiền nộp bảo kê hay trả nợ chỉ còn có nước cuối cùng là  "bỏ của chạy lấy người" bằng cách đem gia đình bỏ xứ mà đi. Kể cả khi điều đó xảy ra, dù không thu được khoản tiền gốc và lãi đã cho vay thì, các nhóm mafia cũng vẫn cứ thu được một món lời nhờ chiếm được đất của người dân.

Người dân Michoacán lúc nào cũng phải ở trong cảnh ngay ngáy lo sợ cho mạng sống của mình. Ngay trong tháng 8 vừa qua đã có tới 19 nạn nhân bị mafia giết hại. Trong đó xác của 9 người vô tội bị chúng đem treo lên thành cây cầu bắc qua con sông Urapan bên cạnh tấm biểu ngữ đe doạ sẽ thủ tiêu bất kỳ ai dám đứng lên chống lại các băng đảng cartel. Hay là vừa mới cách đây hơn một tuần lễ đã xảy ra trường hợp con trai của một nhà buôn thu mua bơ lớn nhất nhì trong vùng bị bắn gục ngay khi anh này vừa mới bước chân ra khỏi cửa văn phòng của bố mình.

Ngay cả những người hoàn toàn không phải là nông dân cũng gặp phải nguy hiểm khôn lường. Homero Gómez là một trong những nhà bảo tồn bướm nổi tiếng nhất ở Mexico. Ông bị sát hại khi đi vào rừng rồi xác bị ném xuống giếng. Cái chết của Homero và hai người hướng dẫn viên du lịch xảy ra vài ngày sau đó là minh chứng cho cuộc chiến tranh giành đất đai giữa các băng đảng. Ngoài trái bơ, đất đai và khí hậu tại Michoacán còn rất thích hợp cho việc trồng dâu tây, quả việt quất, v.v…

Những sản phẩm kể trên đều là những mặt hàng mà người Mỹ nhập về tiêu thụ rất nhiều. Bởi lợi ích của trái bơ mà các cartel đang tranh giành nhau một cách quyết liệt chưa từng thấy chỉ mong đoạt được từng thước đất ở Michoacán. Hoàn toàn không thỏa mãn với việc đã cướp đoạt hết diện tích đất nông nghiệp của người nông dân, các băng đảng mafia bắt đầu để ý tới đất lâm nghiệp. Do đó, đã từng xuất hiện hiện tượng từng nhóm người lạ mặt vào rừng ngang nhiên đốn cây đem đi bán, sau đó đóng cọc dựng hàng rào và "hồn nhiên" tự ý tuyên bố diện tích đất đai đó thuộc quyền sở hữu của mình. Các nhà báo đã bí mật tiến hành điều tra và phát hiện ra những đối tượng lạ mặt trên đều có mối quan hệ gia đình với thành viên những băng đảng mafia.

Trong khi tội phạm lộng hành, các giới chức lãnh đạo địa phương hoặc là bất lực, hoặc ngấm ngầm tiếp tay cho những băng đảng mafia. Mới đây thôi đã có 50 cảnh sát cấp cơ sở tại Ocampo bị tạm giam và thẩm vấn do bị tình nghi đã nhận hối lộ từ các nhóm cartel. Chẳng thế mà Michoacán là địa phương có tỷ lệ điều tra thành công thấp nhất Mexico. Chỉ có 3% số vụ giết người tại bang này là truy tìm được thủ phạm. Người ta tính ra rằng, mỗi ngày các nhóm côn đồ trấn lột của người nông dân khoảng 48 trái bơ, nhưng số những kẻ bị đưa ra pháp luật trừng trị chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

"Tức nước vỡ bờ", tới lúc người dân Michoacán không thể chịu thêm được nữa do đó họ đã buộc phải cầm súng đứng lên chống lại các nhóm mafia. Họ tự tổ chức thành các nhóm dân quân rồi cắt cử người canh chừng những lối ra vào làng. Nhóm dân quân như thế đầu tiên được thành lập tại làng Tanncitaro. Một thành viên trong nhóm là nguyên Phó cảnh sát trưởng José Antonio Flores Quezada trả lời báo chí: "Hằng ngày bạn và gia đình phải còng lưng ngoài đồng chăm sóc cây, vậy mà chỉ nháy mắt một cái là bọn bảo kê đã cướp đi hết, khiến cho người ta trở nên tay trắng. "Con giun xéo mãi cũng quằn!". Không ai có thể chịu được cái cảnh đó cả!".

Nhiều người hi vọng cà-phê sẽ thay thế coca làm loại cây chủ lực của những người nông dân Colombia.

Được thành lập vào cuối năm 2013, nay đã có 80 người dân Tanncitaro xung phong  đứng vào hàng ngũ dân quân địa phương. Họ được trang bị áo giáp; xe chống đạn, và súng tiểu liên không thua kém gì cảnh sát chuyên nghiệp. Chi phí trả lương và mua thiết bị cho họ một phần được lấy từ quỹ của địa phương, phần còn lại do nhân dân tự nguyện đóng góp. Những người dân quân này bảo vệ an ninh trật tự địa phương tốt đến mức không những nhóm mafia không dám qua lại Tanncitaro nữa, mà số vụ phạm tội cũng giảm hẳn. Thành công của họ đến tai cấp lãnh đạo cao nhất thuộc chính quyền nhà nước Mexico. Hiện đã có thông tin rằng, Chính phủ Mexico có kế hoạch đệ trình Quốc hội nước này một bộ luật mới thúc đẩy việc thành lập các nhóm dân quân, tự vệ vũ trang tại địa phương.

Khi rừng bị chảy máu và…

"Vòi bạch tuộc" của các nhóm mafia còn lan ra đến cả ngành lâm nghiệp. Mexico may mắn còn giữ được nhiều cánh rừng tự nhiên hàng nghìn năm tuổi. Người dân nước này, đặc biệt là các cộng đồng người thiểu số, hưởng lợi rất nhiều từ hoạt động khai thác gỗ và du lịch. Thế nhưng sự can thiệp của cartel ma tuý đang phá huỷ hệ sinh thái và sự đa dạng tự nhiên, gây thiệt hại cho ngành Du lịch, khiến tình hình an ninh trật tự đi xuống, và đẩy người dân lâm vào cảnh nghèo đói, bệnh tật. Các cơ quan pháp luật Mexico hoàn toàn thiếu khả năng và cũng không muốn đối đầu trực tiếp với các tổ chức tội phạm này.

Chihuahua là một bang lớn nhất Mexico sở hữu tới hơn 25.000ha đất rừng, chủ yếu là rừng thông khai thác để sử dụng trong các ngành nông nghiệp. Đất rừng chủ yếu tập trung tại dãy núi Sierra Tarahumara, quê hương của người dân tộc thiểu số Taramahura. Do Chihuahua có vị trí tự nhiên vô cùng giá trị mà từ lâu các nhóm mafia đã đua nhau tranh giành quyền kiểm soát các tuyến đường trong vùng để làm chủ tuyến vận chuyển ma tuý. Nhưng trong một vài năm gần đây, những tổ chức này mở rộng hoạt động sang khai thác gỗ trái phép.

Hai người nông dân xung phong làm dân quân vũ trang canh gác đường vào làng.

Rừng bị lâm tặc phá, không những người dân mất đi kế sinh nhai mà còn phải hứng chịu hậu quả nặng nề hơn bởi thiên tai. Cách đây hơn hai năm, ngôi làng Tkavá đã bị đất đá vùi lấp sau một vụ lở núi kinh hoàng do lũ lụt. Người dân bị đẩy đến chỗ đường cùng buộc phải làm theo mọi yêu cầu của kẻ xấu để mong nhận được một chút tiền. Họ đã phải từ bỏ quyền sở hữu đất của mình cho các băng đảng mafia, hoặc chuyển sang trồng cây thuốc phiện để cung cấp cho chúng. Thị trấn Ciudad Juárez trong vùng đã trở thành địa điểm tập trung các xưởng chế biến ma tuý bí mật.

Tại một số địa phương người dân vẫn còn giữ được sự độc lập và quyền lực của mình bằng cách tham gia các hợp tác xã tương trợ gọi là "ejidatorio". Mô hình ejidatorio đã tồn tại từ lâu và chứng minh được sự hiệu quả trong việc giúp người nông dân vượt qua được những thời điểm khó khăn nhất. Tuy vậy, các ejidatorio đang trở thành đối tượng bị các nhóm mafia nhắm đến. Tháng 5-2018, một nhóm đàn ông bịt mặt mang theo súng đi xe đến thị trấn Creel. Chúng bắn chết Cảnh sát trưởng, hai sỹ quan cảnh sát, và ba dân thường. Mười người dân khác cũng bị chúng bắt đi. Chỉ một người trong số đó sau này tìm thấy xác.

Tất cả các nạn nhân xấu số nói trên đều tham gia một tổ ejidatorio nên đã từng đối đầu với băng đảng có tên Tepalcatepec Cartel. Maria Cruz, em gái của một trong những người bắn chết, cho biết: "Băng Tepalcatepec bây giờ làm mọi thứ: khai thác gỗ, đào mỏ, chăn nuôi bò, v.v… Chúng hạ hết cây rừng bán đi sau đó dùng đất để trồng thuốc phiện. Không ai dám làm gì bọn chúng vì tên nào cũng có súng. Đã có cả gia đình bị chúng giết sạch!".

Cách Creel 30km về phía Bắc là thành phố San Juanito, trung tâm chế biến gỗ trong vùng. Hầu hết 25 xưởng cưa của thành phố đều do các cartel trực tiếp sở hữu hay thao túng. Các xưởng này chế biến gỗ thông lậu được chặt trên rừng, sau đó chuyển sản phẩm đến thủ phủ bang là thành phố Chihuahua để phân phối đi các nơi. Nhu cầu sử dụng gỗ thông trong xây dựng và đồ nội thất của người Mexico luôn cao và có dấu hiệu sẽ còn tăng hơn nữa trong tương lai gần.

Cũng giống như đối với những người nông dân trồng bơ, những nhóm mafia Mexico cũng sử dụng tiền bảo kê để chiếm đoạt các nhà máy chế biến gỗ. Nếu người chủ may mắn giữ lại được quyền kiểm soát xưởng cưa thì cũng phải trả khoản phí "cắt cổ" hằng tháng, cộng với việc bị buộc mua gỗ do lâm tặc khai thác trái phép. Theo các nguồn tin không chính thức, hơn một nửa số chủ xưởng gỗ ở San Juanito đã buộc phải bán cơ sở kinh doanh của mình cho các cartel.

Việc khai thác gỗ lậu của các nhóm mafia không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Mexico. Ngày nay chúng tổ chức chặt phá rừng tại Honduras, Peru và Colombia. Tại Honduras có rất nhiều khu rừng anh đào rất đẹp cũng bị lâm tặc phá sạch. Không dừng lại ở đó, các băng nhóm còn làm việc buôn bán động vật quý hiếm nữa. Những loài động vật đang bị đẩy đến bờ tuyệt chủng vì bị tội phạm buôn lậu gồm có: lừa hoang (Colombia); cá sấu (Mexico); rùa sông (Peru) và hải sâm (Honduras).

"Mẫu số chung" của thành công

Các nhóm mafia mở rộng hoạt động kinh doanh của mình nói chung đều tuân theo một số quy tắc. Thứ nhất, chúng tìm đến những khu vực mà nhà nước không thể hiện được vai trò của mình. Từ lâu nay, chính quyền Mexico hầu như không thể bảo vệ an ninh hay cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho các vùng nông thôn, một phần do thiếu ngân sách, phần  còn lại vì bộ máy cấp cơ sở thiếu khả năng, quan liêu, và tham nhũng. Người nông dân muốn "tự thân vận động" thoát khỏi khó khăn cũng khó, vì không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền hay ngân hàng. Thế nên, lợi dụng kẽ hở đó, các nhóm cartel muốn hoành hành kiểu gì tại những nơi đấy cũng được.

Cảnh sát vũ trang không còn hiếm gặp ở các vùng nông thôn Mexico.

Thứ hai, các băng đảng lớn luôn sẵn sàng hợp tác với những nhóm tội phạm nhỏ hơn tại địa phương. Tại bang Chihuahua, chúng tìm đến những đối tượng lâm tặc có tiền án để bảo hộ. Hay như ở Guatemala sau cuộc nội chiến có rất nhiều binh lính thuộc chính phủ độc tài trở nên thất nghiệp. Các cartel mà tiêu biểu là băng Los Zetas mới tập hợp những cá nhân này thành những nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi chuyên nghiệp. Khi còn ở trong các đơn vị như đội đặc nhiệm Kaibiles của chính phủ, những đối tượng trên từng thực hiện vô số các cuộc thảm sát. Ngày nay người dân vùng Guatemala chỉ cần nghe thấy tên chúng cũng đã hoảng sợ rồi.

Thứ ba, tuy đúng là các nhà máy chế biến trái bơ hay xưởng gỗ là bình phong để tội phạm có tổ chức thực hiện việc rửa tiền ma tuý, chúng cũng không ngần ngại đầu tư một chút nào. Các băng đảng đã bỏ ra hàng triệu USD tiền vốn để xây dựng một mạng lưới khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối. Kiểm soát được toàn bộ các công đoạn như thế giúp tăng hiệu quả của cả quá trình lên và tăng doanh thu cho các cartel. Ngoài ra, các nhà điều tra muốn thu thập thông tin cũng rất khó vì quy trình hoàn toàn khép kín, sổ sách đều do các "ông trùm" nắm giữ.

Chính phủ Mexico, Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực hiện hoàn toàn không có một phương hướng giải quyết nào hiệu quả cho việc mafia vươn "vòi bạch tuộc" của mình sang lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Họ vẫn đang đi vào lối mòn "sử dụng cảnh sát vũ trang" để trấn áp tội phạm mà không nhận ra chính điều này đã buộc các băng đảng mở rộng mô hình hoạt động. Ngày nay lợi nhuận mà chúng thu được từ việc trồng và chế biến quả bơ hay thác gỗ lớn đến mức các cartel sẵn sàng thu hẹp hoạt động mua bán ma tuý của mình để được an toàn.

Vậy liệu có biện pháp nào bảo vệ được người nông dân khỏi vấn nạn mafia?! Đây là cả một quá trình lâu dài bắt đầu bằng việc thiết lập lại an ninh trật tự ở ngay địa phương. Đã đến lúc Chính phủ Mexico cần chấn chỉnh lại bộ máy cảnh sát ở cấp cơ sở, đồng thời tăng cường lực lượng và khả năng đối phó của các nhóm dân quân. Sau đó, chính quyền địa phương cần phải thể hiện rõ vai trò của mình hơn. Thay vì để các đối tượng tham nhũng tiếp tục giữ vị trí của mình, chính quyền nhà nước cần phải tiến hành "làm sạch bộ máy", sau đó thực hiện cung cấp lại những dịch vụ thiết yếu cho người nông dân như, giáo dục, chăm sóc y tế, thuỷ lợi, xây dựng đường sá, v.v… Đây là hai bước đi bắt buộc phải làm cho bằng được thì mới hy vọng có thể "đánh bật" được chỗ đứng của cartel tại vùng nông thôn mà thôi.

Lê Công (Tổng hợp)
.
.
.