Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến lên hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Thứ Sáu, 23/06/2023, 17:20

Chiều 23/6, tại Học viện CSND, Hội đồng Lý luận Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Hội đồng “Xây dựng lực lượng Cảnh sát Cơ động tiến lên hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn 2030”.

Tham dự hội thảo có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an. Thiếu tướng, TS Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND đồng chủ trì hội thảo.

Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến lên hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 -0
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: Quán triệt và triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, Đảng uỷ Công an Trung ương và Bộ Công an luôn quan tâm xây dựng và phát triển lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia (ANGQ), bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến lên hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 -0
Thiếu tướng, TS Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND đồng chủ trì hội thảo.

Tuy nhiên, công tác xây dựng lực lượng CSCĐ vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định như công tác bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng CSCĐ chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong tình hình mới; việc chỉ đạo công tác nắm, nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình có lúc, có nội dung chưa thực sự kịp thời; công tác phối hợp trong huấn luyện, chiến đấu giữa các lực lượng chưa thật sự chặt chẽ; công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng CSCĐ chưa thật sự gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn chiến đấu, thậm chí còn những "khoảng trống" trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; công tác nghiên cứu khoa học về lực lượng chuyên ngành còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phục vụ công tác của lực lượng CSCĐ còn thiếu, chưa thật sự đồng bộ….

Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến lên hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 -0
Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện CSND phát biểu đề dẫn hội thảo.

Hội thảo “Xây dựng lực lượng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được tổ chức nhằm quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng lực lượng CSCĐ; khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng công tác xây dựng lực lượng CSCĐ; từ đó kiến nghị các giải pháp nhằm góp phần xây dựng lực lượng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề lý luận về xây dựng lực lượng CSCĐ trong tình hình hiện nay; thực tiễn công tác xây dựng lực lượng CSCĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới về xây dựng tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ; quản lý cán bộ, chiến sĩ và hướng dẫn thực hiện công tác nghiệp vụ; thực hiện chế độ, xây dựng chính sách về chính trị, tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ; xây dựng tổ chức Đảng; trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và các điều kiện đảm bảo khác và đặc biệt là công tác bố trí, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ CSCĐ… Từ thực tiễn trên, các ý kiến đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng lực lượng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến lên hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 -0
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động tham luận tại hội thảo.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động đề xuất cần quan tâm xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho cán bộ CSCĐ; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng cơ chế phù hợp trong quy hoạch cán bộ, chỉ huy nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo cũng cho rằng, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lực lượng CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Điều này đòi hỏi các nhà trường CAND cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục đào tạo. Lãnh đạo Cục Đào tạo cũng đề nghị Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động tiếp tục tăng cường phối hợp với các nhà trường CAND và các Cục chức năng của Bộ Công an để xây dựng mã ngành, chuyên ngành đào tạo, nội dung chương trình đào tạo gắn với vị trí việc làm; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, huấn luyện viên…

Phát biểu tổng kết tại hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thực tiễn, đồng thời yêu cầu bộ phận thường trực tổ chức hội thảo tập hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo lãnh đạo Bộ Công an. Đây sẽ là luận cứ khoa học để Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an chỉ đạo, nghiên cứu, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng CSCĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong tình hình mới.

Huyền Thanh
.
.