Xây dựng cán bộ pháp chế tinh thông nghiệp vụ, pháp luật, giàu kinh nghiệm thực tiễn
Ngày 14/1, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai công tác năm 2022. Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp chủ trì hội nghị.
Trong năm 2021, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã ban hành và tổ chức thực hiện chương trình công tác năm, đề ra nhiều giải pháp, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ xây dựng các dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tham mưu với lãnh đạo Bộ lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Cục đang nghiên cứu để phục vụ công tác đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các dự án Luật Cảnh sát cơ động, Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Cục đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an trình Chính phủ ban hành 4 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định; chủ trì, phối hợp liên ngành ban hành 1 thông tư liên tịch; trình Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành 5 thông tư; đã tổ chức các cuộc họp hội đồng tư vấn thẩm định và thẩm định bằng văn bản đối với 116 văn bản; tham gia ý kiến 982 lượt văn bản pháp luật do các đơn vị trong và ngoài ngành Công an gửi đến, chuẩn bị ý kiến thành viên Chính phủ 234 văn bản.
Trong công tác tổng hợp, tham mưu, tư vấn pháp luật, Cục đã xây dựng và trình lãnh đạo Bộ Công an ban hành Chương trình công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an năm 2021; lập dự kiến những dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022 và điều chỉnh năm 2021…
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Cục đã hoàn thành các thủ tục đề xuất, đàm phán, ký kết, phê chuẩn 8 hiệp định về dẫn độ; chuyển giao người chấp hành án phạt tù và phòng, chống tội phạm; tiếp nhận, xử lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ 10 đối tượng người nước ngoài từ Việt Nam về nước ngoài; hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương lập, xử lý yêu cầu dẫn độ 27 đối tượng quốc tịch Việt Nam từ nước ngoài về Việt Nam.
Cục cũng đã làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Bộ Công an về cải cách hành chính, tư pháp, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham mưu ban hành 54 thủ tục, sửa đổi, bổ sung, thay thế 70 thủ tục, bãi bỏ 44 thủ tục hành chính; nâng mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan Công an, đạt 97,96%....
Tổng kết phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” năm 2021, Phòng Tổng hợp của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã được tặng Cờ thi đua của Bộ Công an; nhiều cá nhân, tập thể được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã biểu dương những cố gắng, nỗ lực mà Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đạt được trong năm 2021. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đánh giá, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp là đơn vị “người ít, việc nhiều” nhưng đã luôn cố gắng hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, không để tồn đọng, trễ hạn, quá hạn. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của Cục. Cụ thể, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, liên tục, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Công an Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ.
Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, pháp luật và giàu kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong thời gian tới. Lãnh đạo Cục tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp chế CAND”.
Đơn vị cần tiếp tục tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về các giải pháp hoàn thiện thể chế, xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, cần khẩn trương đề xuất Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08/NQ/ĐUCA về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp nâng cao chất lượng thẩm định, tham gia ý kiến vào việc xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về an ninh trật tự; chú trọng công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự; nghiên cứu triển khai xây dựng các đề án, dự án: Hệ thống Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong CAND, Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện trong công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp…
Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp ham mưu với lãnh đạo Bộ Công an ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 trong CAND; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; xây dựng và triển khai kế hoạch đo lường mức độ hòa lòng của người dân đối với dự phục vụ của các cơ quan Công an có chức năng giải quyết thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính; nghiên cứu đổi mới phương thức chấm điểm cải cách hành chính…