Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc làm việc với các địa phương phía Nam về phòng, chống dịch bệnh

Chủ Nhật, 22/08/2021, 15:07

Ngày 22/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với Công an các đơn vị, địa phương phía Nam. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương chủ trì cuộc họp.

 

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc làm việc với các địa phương phía Nam về phòng, chống dịch bệnh -0

 Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thời gian qua, đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh 7 quy định cụ thể về việc thiết lập vùng xanh trên nguyên tắc “Không F0, giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, nhằm huy động nguồn lực tại chỗ, tự quản ở cộng đồng tham gia bảo vệ.

Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương tham mưu chính quyền cơ sở xây dựng, triển khai vận hành và bảo vệ 6.452 vùng xanh. Triển khai lực lượng đảm bảo ANTT tại 5.283 Khu cách ly, phong tỏa, các địa điểm, khu vực xét nghiệm tầm soát, sàng lọc và các điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 của Thành phố.

Công an TP Hồ Chí Minh đã tham mưu UBND thành phố thành lập các chốt, trạm kiểm soát người dân lưu thông trên đường; kết quả đã triển khai 12 chốt kiểm soát cấp thành phố, 393 chốt quận, huyện, TP Thủ Đức và 671 tổ tuần tra đã kiểm soát...

Tại cuộc họp, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp dịch bệnh trên địa bàn, Công an tỉnh đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung huy động tối cao lực lượng để tham gia, phối hợp, trực tiếp công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, thành lập các chốt, trạm để thực hiện nghiêm thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn, nhất là công tác nắm tình hình, phối hợp với các ngành truy vết, đảm bảo ANTT tại các bệnh viện dã chiến, cơ sở giam giữ; thực hiện nhiệm vụ phối hợp cấp cứu các bệnh nhân tại các địa bàn cơ sở.

Hiện, Bình Dương còn 2 địa bàn là TP Thuận An và thị xã Tân Uyên được xác định là “vùng đỏ” trọng tâm. Do vậy, từ sáng 22/8 đến hết ngày 15/9, Công an tỉnh sẽ tăng cường lực lượng, tập trung quyết liệt phòng chống dịch bệnh; phối hợp các ngành tìm F0 trong các khu dân cư, nhà trọ để đưa đi cách ly, điều trị, phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Tuy nhiên, Bình Dương cũng gặp một số khó khăn như, phần lớn các trường hợp F0 là người lao động, công nhân. Họ sống tại trong các phòng trọ trật hẹp, sử dụng chung nhà vệ sinh. Mật độ dân số đông, khoảng 10m2 có đến 5-7 người sinh sống khiến tình trạng lây nhiễm bệnh chéo rất nhanh. Bên cạnh đó, ý thức của một số người dân trong các ngõ, xóm còn chấp hành chưa nghiêm.

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đề nghị: Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, công tác Công an phải chủ động trong mọi tình huống. Công an các đơn vị, địa phương phải nghiên cứu kỹ kết luận của Bộ trưởng Bộ Công an về nội dung tham gia phòng, chống dịch bệnh của lực lượng CAND, phương án đảm bảo ANTT hiện nay và thời gian tới; phát động phong trào thi đua trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Kết luận của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu thì ở đó”, phường xã là pháo đài. Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện công tác Công an phải có kế hoạch cụ thể như, việc gì, giải quyết ra sao, ai chịu trách nhiệm và thời gian nào phải xong. Chủ động nắm chắc tình hình an ninh nội bộ, tham mưu chính trị... để kịp thời tham mưu với chính quyền địa phương giải quyết từng tình huống cụ thể, đảm bảo an dân.

Để chủ động phương án đảm bảo ANTT, các lực lượng phải điều tra cơ bản kỹ, nhanh chóng, đầy đủ, có sự phân công, phân cấp rõ ràng. Nếu thấy chưa đủ thì điều tra cơ bản tiếp để phân công lực lượng theo từng lĩnh vực, chuyên đề, địa bàn hoạt động.

Đảm bảo công tác thông tin, thống kê từng cấp, từng khu vực thì sẽ có giải pháp triệt để, cụ thể, không áp dụng rập khuôn trong công tác đảm bảo ANTT. Quá trình thực hiện, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Công an mang lại hiệu quả công việc, bố trí nguồn nhân lực phù hợp.

Đối với tình hình dịch bệnh COVID-19, từng cán bộ, chiến sỹ phải hiểu rõ và rất chuyên nghiệp đối với công tác phòng ngừa dịch bệnh làm theo những trình tự quy định. Khi xảy ra dịch bệnh thì không được hoang mang, lúng túng để đề ra phương án phòng, chống dịch hiệu quả...

Đ.Mừng
.
.