Tháng Bảy, tri ân vùng đất căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Chúng tôi đến với Tây Ninh trong những ngày cuối tháng 7/2024 lịch sử - mảnh đất có những cánh rừng xanh ngắt, có con sông Vàm Cỏ Đông hiền hòa êm ả, chứa trong mình huyền thoại của những chiến công oai hùng trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Vùng đất Tây Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trở thành cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Đây là nơi giữ lửa cách mạng của đồng bào cả nước.
Uống nước nhớ nguồn, tiếp bước truyền thống cách mạng
Mảnh đất, cánh rừng bao năm đã trở thành chứng nhân lịch sử ghi dấu chiến công của bao lớp cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam… Minh chứng cho điều này, trên bia đá đặt trang trọng trong Khu di tích Ban An ninh Trung ương
Cục miền Nam là danh sách hơn 14 nghìn liệt sĩ An ninh. Những CBCS đã không tiếc máu xương, dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Trong danh sách những cá nhân ưu tú và bất tử này, lực lượng An ninh ở Tây Ninh cũng đã có hơn 300 người con hy sinh anh dũng. Tất cả đã góp phần xương máu để cho một Việt Nam hòa bình và ngày càng phát triển hôm nay.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, năm nay tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, nhiều chương trình ý nghĩa đã được Bộ Công an tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Buổi chiều 27/7, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng (nay là Ủy viên Bộ Chính trị), Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đã đến thăm và tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Lê Thị Hai (SN 1933, ngụ khu phố 1, phường 4, TP Tây Ninh), Mẹ VNAH Phạm Thị Ánh (SN 1935, ngụ xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) và gia đình cố Đại tá, Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền (bí danh Mười Thương, phường 1, TP Tây Ninh).
Bộ trưởng Lương Tam Quang đã ân cần gửi lời thăm hỏi, chúc sức khỏe đến Mẹ VNAH Lê Thị Hai, Mẹ VNAH Phạm Thị Ánh cùng thân nhân gia đình cố Đại tá Phan Văn Điền; bày tỏ sự trân trọng về những cống hiến, đóng góp của các Mẹ VNAH, cố Đại tá Phan Văn Điền trong sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ an ninh quốc gia...
Tiếp đó, trong buổi chiều tối 27/7, Bộ trưởng Lương Tam Quang đã chủ trì buổi Lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân các Anh hùng - Liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đồi 82, Nghĩa trang liệt sĩ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích lịch sử, văn hóa Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên, Tây Ninh).
Trong không khí trang nghiêm, đoàn đã dành phút mặc niệm bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến các Anh hùng - Liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đoàn đã dâng hương trước Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bia Chiến thắng; Tượng đài Bác Hồ, Tượng đài cố Bộ trưởng Bộ Công an Phạm Hùng tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.
Trước đó, vào chiều tối 26/7, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi 82, huyện Tân Biên (Tây Ninh), Ban Thanh niên CAND cũng đã phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Tây Ninh, UBND huyện Tân Biên tổ chức chương trình Lễ dâng hương và thắp nến bày tỏ lòng thành kính tri ân sâu sắc của Tuổi trẻ CAND đối với các anh hùng, liệt sĩ.
Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và đầy ý nghĩa của Bộ Công an nhằm giáo dục truyền thống, nhắc nhở các thế hệ CBCS CAND về trách nhiệm tiếp bước cha anh, rèn luyện tinh thần quả cảm, vì nước quên thân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc được đánh dấu bằng điểm nhấn là chương trình Giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Giữ trọn lời thề - Nối những dòng sông” tổ chức vào đêm 27/7, được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Phát huy truyền thống của lực lượng CAND Anh hùng
Tháng 10/1954, Xứ ủy Nam Bộ thành lập Ban Bảo vệ Xứ ủy. Đây là tổ chức tiền thân của lực lượng An ninh vũ trang miền Nam sau này. Từ năm 1954 đến khi phong trào Đồng Khởi của nhân dân miền Nam thắng lợi, chúng ta đã giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn, uy hiếp các đô thị, đe dọa sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược chiến tranh đặc biệt với biện pháp chính là dồn dân vào ấp chiến lược, tăng cường vũ khí của Mỹ, củng cố quân ngụy, tăng cường bộ máy đàn áp tình báo, cảnh sát với các phương tiện chiến tranh hiện đại.
Để tăng cường sức mạnh cho An ninh miền Nam, ngày 23/1/1961, Ban chấp hành Trung ương quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để thay Trung ương lãnh đạo cách mạng miền Nam. Thực hiện chủ trương trên, Trung ương Cục miền Nam quyết định đổi tên Ban Bảo vệ Xứ ủy thành Ban Bảo vệ An ninh Trung ương Cục miền Nam. Đây là “Bộ chỉ huy tối cao” của lực lượng An ninh miền Nam trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong những năm tháng chiến tranh, CBCS Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật, an toàn tuyệt đối các cơ quan trực thuộc Trung ương Cục, vừa trực tiếp đánh địch tại chiến trường (trong đó trực tiếp chống trả làm thất bại các trận càn của địch trong chiến dịch Junction City), cài cắm luồn sâu trong hàng ngũ của địch nhằm cung cấp cho lãnh đạo những tài liệu phục vụ hoạch định chiến lược, đề ra chủ trương chỉ đạo chiến tranh giải phóng miền Nam; cung cấp và tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang và phong trào quần chúng chọn đúng thời điểm, thời cơ và mục tiêu chiến đấu tiến công địch, bảo vệ cơ sở cách mạng, giữ vùng giải phóng.
Trong cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt này, Bộ Công an đã chi viện hàng nghìn CBCS, đóng góp quan trọng vào những chiến công trên mọi mặt trận. Thiếu tướng Phan Văn Lai, Trưởng Ban Liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam cho biết, Đảng đoàn và Bộ Công an đã chi viện vào Miền Nam toàn diện và đồng bộ các lực lượng nghiệp vụ chuyên ngành, chuyên sâu và hiểu biết rất thông thạo các phương tiện nghiệp vụ để có lực lượng An ninh miền Nam lớn mạnh, đủ sức đánh thắng các thế lực thù địch. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Công an đã huy động đến mức cao nhất về lực lượng, vũ khí và phương tiện kỹ thuật chuyên ngành; chi viện 4.500 cán bộ có kinh nghiệm công tác, chiến đấu, nâng tổng số cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam lên hơn 11 nghìn đồng chí. Trước giờ giải phóng ngày 30/4/1975, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đóng một vai trò rất quan trọng, lãnh đạo và chỉ đạo các hoạt động tình báo, an ninh trên chiến trường miền Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng quân sự, chính trị hoạt động có hiệu quả.
Sau ngày giải phóng, công cuộc ổn định tình hình, tái thiết đất nước đặt ra cho Bộ Công an những nhiệm vụ nặng nề. Để bảo vệ thành quả cách mạng, Bộ Công an tiếp tục điều động gần 1 vạn CBCS tăng cường cho An ninh miền Nam…
Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn ghi nhớ, biết ơn công lao to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, đồng thời xác định đền ơn đáp nghĩa là tình cảm, trách nhiệm, thể hiện sự tri ân sâu sắc của mỗi CBCS Công an.
Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà thương binh, thân nhân liệt sĩ, Anh hùng LLVTND; thăm, tặng quà người có công… Những hoạt động này góp phần làm vơi bớt nỗi đau của các gia đình chính sách, khẳng định Đảng, Nhà nước và lực lượng CAND luôn ghi nhớ, biết ơn công lao của các Anh hùng, liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân.