Sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá trong giải quyết thủ tục hành chính
Chỉ số cải cách hành chính trong CAND năm 2021 trung bình của Công an các đơn vị, địa phương đạt 84,24%. Sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND đạt 97,96%.
Thực hiện Chương trình công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp của lực lượng CAND năm 2021, sáng 29/10, Bộ Công an tổ chức Hội nghị công bố kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND năm 2021 và triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 trong CAND. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Hội trường Bộ Công an (Hà Nội) đến Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ; đại diện Ban Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo, chỉ số cải cách hành chính trong CAND năm 2021 trung bình của Công an các đơn vị, địa phương đã đạt ở mức cao (84,24%), thể hiện những nỗ lực của toàn lực lượng CAND trong công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính. Có 12 Công an đơn vị, địa phương đạt kết quả Xuất sắc; 76 Công an đơn vị, địa phương đạt kết quả Tốt; 15 Công an đơn vị, địa phương đạt kết quả Khá, 7 đơn vị, địa phương được xếp loại Hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, Công an tỉnh Nghệ An 6 năm liên tục được xếp hạng 1, Công an tỉnh Phú Thọ 3 năm liền được xếp hạng thứ 2…
Năm 2021 là năm thứ 3 Bộ Công an chỉ đạo triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND. Kết quả đánh giá mang tính toàn diện trên cả 4 cấp, từ Trung ương đến tỉnh, huyện và xã đối với các nhóm thủ tục hành chính có số lượng và tần suất giải quyết lớn. Với sự tham gia điều tra xã hội học của hơn 29 nghìn người dân, tổ chức, mức độ hài lòng chung đạt 97,96%.
Hội nghị đã tiến hành, phổ biến, quán triệt đến Công an các đơn vị, địa phương nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2020-2030 trong CAND. Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu tổng quát, Chương trình tổng thể đã xác định rõ nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của cải cách hành chính Nhà nước trong CAND giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tập trung vào 6 nội dung: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số trong CAND.
Trọng tâm cải cách hành chính trong CAND 10 năm tới là cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chính quy, tinh nhuệ, có năng lực phẩm chất đáp ứng yêu câu công tác; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong CAND.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe đồng chí Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ phát biểu ý kiến và nghe Công an một số đơn vị, địa phương báo cáo tham luận về công tác cải cách hành chính. Các ý kiến tham luận đã tập trung trao đổi về phương pháp tổ chức thực hiện, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong CAND thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính trong CAND thời gian tới, Công an các đơn vị, địa phương cần chủ động phổ biến, quán triệt các nội dung nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước và Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước trong CAND giai đoạn 2021-2030. Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện gắn liền với các nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính; xác định lộ trình, nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động, sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND. Cải cách hành chính phải xuất phát từ thực tiễn công tác, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật…