Nhớ về Đại tướng Mai Chí Thọ - Người Bộ trưởng Công an của thời kỳ Đổi mới

Thứ Tư, 13/07/2022, 10:53

Đại tướng Mai Chí Thọ làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) lúc tôi và nhiều bạn đồng nghiệp đang làm nghiên cứu sinh tại Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô.

Chúng tôi có may mắn được quen biết ông khi đi học nghiên cứu sinh cùng chị Phan Xuân Mai, con gái Bộ trưởng tại Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô cuối những năm 1980. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Mai Chí Thọ (15/7/1922-15/7/2022), tôi xin được kể lại một số kỷ niệm.

Trong tâm thức của tôi, Bộ trưởng Mai Chí Thọ là người Bộ trưởng Công an của thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới. Và trong các bài giảng về khoa học lãnh đạo hiện nay, tôi vẫn thường kể với các thế hệ học viên của mình về những đổi mới này, nhất là khi giảng bài “Tư duy và tầm nhìn lãnh đạo”.

Nhớ về Đại tướng Mai Chí Thọ - Người Bộ trưởng Công an của thời kỳ Đổi mới -0
 Đại tướng Mai Chí Thọ.

Trước hết, Đại tướng Mai Chí Thọ là người Bộ trưởng đặt những viên gạch quan trọng đầu tiên về đổi mới xây dựng lực lượng CAND trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Vào đầu và giữa thập kỷ 80, lực lượng CAND chưa được Nhà nước xác định là lực lượng vũ trang. Chỉ mới có hai “binh chủng” của CAND là CAND vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) và CSND được Nhà nước xác định là lực lượng vũ trang.

Khi được Đảng, Nhà nước giao kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu những năm 1980, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng đã đề xuất và chỉ đạo xây dựng Luật CAND với cốt lõi nhất của Luật này quy định CAND là lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên Luật này chưa được thông qua và dĩ nhiên CAND cũng chưa được quy định là lực lượng vũ trang.

Là người luôn có tư duy và tầm nhìn đổi mới, Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã nghiên cứu, học tập tư duy và tầm nhìn lãnh đạo của Bác Hồ, tổng kết kinh nghiệm trong nước và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài.

Ông đã chỉ đạo xây dựng hai Pháp lệnh mới: Pháp lệnh lực lượng ANND Việt Nam, Pháp lệnh Tình báo và bổ sung, sửa đổi Pháp lệnh lực lượng CSND Việt Nam. Pháp lệnh lực lượng ANND Việt Nam đã quy định lực lượng ANND Việt Nam là lực lượng vũ trang với cấp hàm cao nhất là Đại tướng. Và sau đó Nhà nước đã thăng cấp hàm Đại tướng cho đồng chí Bộ trưởng Mai Chí Thọ.

Một số đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ như Cao Đăng Chiếm, Lâm Văn Thê, Nguyễn Văn Đức, v.v... đã được thăng cấp hàm Thượng tướng. Lần đầu tiên trong lịch sử CAND Việt Nam, toàn bộ lực lượng CAND Việt Nam đã được Nhà nước quy định là lực lượng vũ trang. Về sau chúng ta xây dựng Luật CAND là sự kế thừa và tổng hợp của các Pháp lệnh này.

Bộ trưởng Mai Chí Thọ là người rất quan tâm tới công tác xây dựng lực lượng CAND, trong đó có đào tạo cán bộ khoa học, xây dựng và phát triển các nhà trường CAND. Tiếp nối sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng, Bộ trưởng Mai Chí Thọ và Bộ Nội vụ đã cử sang Liên Xô đào tạo hơn 40 nghiên cứu sinh tại Bộ Nội vụ và Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô để sau này làm đầu đàn cho các viện nghiên cứu, nhà trường CAND. Trong số này có PGS.TS Nguyễn Hòa Bình nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Chánh án TANDTC; cố Trung tướng, GS.TS Nguyễn Văn Thắng, nguyên Giám đốc Học viện ANND và nhiều cán bộ cao cấp khác của lực lượng CAND.

Nhớ về Đại tướng Mai Chí Thọ - Người Bộ trưởng Công an của thời kỳ Đổi mới -0
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu đến nhà riêng dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Mai Chí Thọ.

Tôi may mắn được cử đi học nghiên cứu sinh ở Bộ Nội vụ Liên Xô trong thời gian này. Đến lúc Liên Xô tan rã năm 1991, lực lượng CAND đã có hơn 40 Phó Tiến sỹ nghiệp vụ được đào tạo tại Liên Xô trở về làm giảng viên đầu đàn cho hai nhà trường nòng cốt của Bộ là Trường Đại học ANND (nay là Học viện ANND) và Trường Đại học CSND (nay là Học viện CSND). Chính vì vậy, năm 1992, Trường Đại học CSND đã bắt đầu đào tạo Thạc sỹ và năm 1995 đào tạo Tiến sỹ ở trong nước. Năm 1992, Trường Đại học ANND cũng bắt đầu đào tạo Thạc sỹ và năm 1996 đào tạo Tiến sỹ ở trong nước. Nhờ đội ngũ cán bộ khoa học nòng cốt đầu đàn này, đến nay lực lượng CAND đã có 42 Giáo sư, hơn 400 Phó giáo sư và hơn 2.000 Tiến sỹ và đây là đội ngũ nòng cốt để phát triển giáo dục đào tạo CAND và phát triển khoa học Công an Việt Nam.

Vào thời kỳ này quan hệ quốc tế của Việt Nam và lực lượng CAND đã bắt đầu được mở ra. Khi học tập ở Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô, tôi có sưu tầm được một cuốn sách Liên Xô viết về Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế INTERPOL. Về nước tôi viết 3 bài báo dài về INTERPOL và gửi đăng trên báo Quân đội nhân dân. Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã đọc bài viết này và sau đó tôi và nhà báo Hoàng Huân, phóng viên báo Quân đội nhân dân cuối tuần đã đến Văn phòng Bộ trưởng Mai Chí Thọ ở 42 Trần Phú, Hà Nội phỏng vấn ông về việc Việt Nam gia nhập INTERPOL. Bài phỏng vấn của tôi và nhà báo Hoàng Huân với ông đã được đăng trang trọng trên báo Quân đội nhân dân. Tôi vẫn nhớ hôm đó có nhà báo Mai Trang, báo Đại Đoàn Kết dự cùng và sau đó cũng đăng nội dung này.

Khi Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ kế nhiệm ông làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ và Thứ trưởng Phạm Tâm Long đã đề xuất Hội đồng Bộ trưởng cho phép CAND Việt Nam gia nhập INTERPOL. Ông Ivan Barbo, Chủ tịch INTERPOL khi thăm Việt Nam đã nói với Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ là Việt Nam là nước lớn cuối cùng trên thế giới đã tham gia INTERPOL. Các đồng chí Bùi Xuân Biên, Phạm Hỗ đã được Bộ cử làm Chánh và Phó Văn phòng INTERPOL đầu tiên.

Đại tướng Mai Chí Thọ còn là người có vai trò đặc biệt quan trọng tham mưu cho Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, đã chỉ đạo lực lượng CAND toàn quốc tạo điều kiện cho hàng triệu sỹ quan, hạ sỹ quan, nhân viên chính quyền Việt Nam cộng hòa tái hòa nhập cộng đồng hoặc được xuất cảnh đoàn tụ với gia đình ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới. Bộ trưởng Mai Chí Thọ và lãnh đạo Bộ Nội vụ đã báo cáo Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng quyết định chuyển nguyên trạng lực lượng Bộ đội Biên phòng từ Bộ Quốc phòng trở lại Bộ Nội vụ. Ông hay nhắc tới câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh “Đổi mới là trở về đúng đắn với tư tưởng Hồ Chí Minh”. Ngày 3/3/1959, Bác Hồ đã thành lập lực lượng CAND vũ trang và quyết định đặt lực lượng này trong CAND.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gần đây đã khái quát hóa các tư tưởng của Đại tướng Mai Chí Thọ và xác định “Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa vào dân, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; thiết lập thế trận an ninh liên hoàn bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng”.

Bộ trưởng Mai Chí Thọ cũng là người quyết định cho phép Báo CAND phát hành công khai. Theo đề nghị của Bộ Công an, ngày 13/8/1988, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có Quyết định số 355/BTT cho phép Báo CAND được phát hành công khai, với đối tượng bạn đọc là “cán bộ, chiến sĩ Công an và nhân dân cả nước”. Tôi và cố nhà báo Lưu Vinh (sau là Phó Tổng biên tập Báo CAND) đã trở thành cộng tác viên của Báo từ những ngày này.

Năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống CAND, tôi đã cùng Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện CSND báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an đúc tượng ông và các cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Công an trong khuôn viên nhà trường để giáo dục truyền thống. Học tập mô hình kiến trúc Xô viết, ở Thủ đô Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay, sau Lăng V.I.Lenin là Tượng các nhà cách mạng Xô viết tiền bối, chúng tôi đã đặt tượng Đại tướng Mai Chí Thọ và các cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Công an sau bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi và một số anh em lãnh đạo nhà trường đã trực tiếp vào gia đình ông và các cố Bộ trưởng thắp hương, xin ý kiến gia đình về chủ trương đúc tượng và duyệt mẫu tượng. Nhà điêu khắc Phạm Bá Đua và kiến trúc sư Lâm Thế Phương đã hỗ trợ Học viện CSND hoàn thành xây dựng Cụm Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Công an đầu tiên của lực lượng CAND. Về sau Học viện ANND đã dựa vào mẫu các tượng cố Bộ trưởng này đúc và đặt trong khuôn viên Học viện ANND.

Công lao của Đại tướng Mai Chí Thọ với đất nước nói chung, với lực lượng Công an, trong đó có cá nhân tôi là rất lớn. Dù Đại tướng Mai Chí Thọ đã đi xa nhưng chúng tôi vẫn luôn coi ông là một người lãnh đạo, chỉ huy tâm huyết, luôn quan tâm tới sự phát triển và trưởng thành của lực lượng CAND, trong đó có đội ngũ trí thức CAND.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Xin có một vài dòng tâm sự và xin coi đây như một sự cảm ơn, như một nén tâm nhang thắp tưởng nhớ nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông - Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị BCHTW Đảng CSVN, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước CHXHCN Việt Nam - người Bộ trưởng Công an của thời kỳ đổi mới.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân
.
.