Nhận diện rõ, đấu tranh toàn diện tội phạm cưỡng đoạt tài sản núp bóng doanh nghiệp, công ty luật
Chiều 30/3, tại Công an tỉnh Tiền Giang, Bộ Công an tổ chức hội nghị hội ý nghiệp vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm cưỡng đoạt tài sản hoạt động dưới dạng núp bóng, lên quan doanh nghiệp, công ty luật.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì, chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre, Đồng Nai và Bình Dương.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã báo cáo tóm tắt tình hình cho biết, thời gian gần đây nổi lên tình trạng các đối tượng núp bóng doanh nghiệp, như: công ty tài chính, mua bán nợ, công ty/văn phòng luật,… có đối tượng cầm đầu, tư vấn, đầu tư tài chính là người nước ngoài chỉ đạo, điều hành qua hệ thống phần mềm, các nhóm giao việc trên mạng xã hội.
Các doanh nghiệp do người Việt Nam đứng tên, thuê hàng trăm nhân viên với nhiều bộ phận để vận hành hoạt động với nhiều công đoạn tuyển dụng, đào tạo, quản trị nhân sự, xây dựng chiến lược kinh doanh, quảng cáo, tư vấn, thẩm định, giải ngân các gói vay, nhắc nợ, đòi nợ hoạt động trong phạm vi rộng lớn, không giới hạn địa lý trong toàn quốc; thậm chí móc nối với các chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, công ty trung gian thanh toán để mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi bằng các hợp đồng tư vấn tài chính, tư vấn pháp lý, xử lý nợ, sau đó giao nhân viên đòi nợ, hưởng lợi từ 10-15% số tiền nợ.
Để cưỡng đoạt tài sản của người vay, các đối tượng cắt ghép hình ảnh vu khống, xúc phạm người vay, thậm chí cả người thân, đồng nghiệp. Nhiều vụ việc vu khống cả hiệu trưởng, giáo viên, lãnh đạo các cơ quan để đòi nợ, gây bức xúc trong nhân dân.
Trong quý I/2023, toàn quốc xảy ra 89 vụ cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra các cấp đã khám phá 79 vụ, bắt xử 223 đối tượng. Các địa phương phát hiện nhiều, gồm: TP Hồ Chí Minh (16 vụ), Hà Nội (7 vụ), Thanh Hóa (7 vụ), Bình Dương (6 vụ), Đắk Lắk (5 vụ)…
Qua các chuyên án, vụ án đã nhận diện rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng, chỉ ra sự thay đổi phương thức hoạt động của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ từ “tín dụng đen”, đòi nợ truyền thống chuyển hướng sang móc nối các đối tượng người nước ngoài thành lập các doanh nghiệp cho vay qua ứng dụng (app) với lãi suất trên 1.000%/năm; nay chuyển hướng sang mua lại các khoản nợ khó đòi của các chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, các app cho vay để đòi nợ, khủng bố nhằm hưởng phần trăm.
Các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi trên, tạo sức răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ trong xã hội. Sau các chuyên án, vụ án được khám phá, tình trạng khủng bố, đòi nợ với thủ đoạn trên giảm hẳn và được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, dư luận ủng hộ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích về bản chất đây là các băng nhóm hoạt động có tổ chức, lợi dụng danh nghĩa pháp nhân để phạm tội, có sự phân công thành các bộ phận, có sự chỉ đạo theo nhiều cấp, hoạt động tuyển dụng, đào tạo, khống chế nhân viên thực hiện các quy định ràng buộc, như: giao chỉ tiêu, ép doanh số, thưởng phạt dựa trên hiệu quả của từng khâu từ tìm khách hàng, cấp tín dụng cho đến hoạt động đòi nợ.
Các đại biểu đã phân tích, nhận diện rõ bản chất của loại tội phạm này là cưỡng đoạt tài sản. Trong giai đoạn 1, cơ quan chức năng đã xử lý các đối tượng về hành vi vu khống, giai đoạn 2 làm rõ hành vi cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” và giai đoạn 3 là cưỡng đoạt tài sản. Việc xử lý, khởi tố các đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản đã nhận diện đúng bản chất của loại tội phạm này, thể hiện sự kiên quyết đấu tranh của lực lượng Công an. Qua các chuyên án, vụ án được khám phá đã gây rúng động xã hội, mang tính răn đe cao và kéo giảm mạnh tội phạm cưỡng đoạt tài sản.
Dưới sự chủ trì, điều hành và gợi ý của Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, các đại biểu đã trình bày các tham luận, đánh giá toàn diện tình hình, kết quả công tác nhận diện, đấu tranh, triệt phá các vụ cưỡng đoạt tài sản hoạt động dưới dạng núp bóng liên quan đến các doanh nghiệp, công ty luật cũng như những khó khăn, vướng mắc; rút ra bài học kinh nghiệm trong chủ động nhận diện, phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra xử lý các vụ án và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo hiệu quả.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an biểu dương, đánh giá cao công tác điều tra, xử lý tội phạm cưỡng đoạt tài sản hoạt động dưới dạng núp bóng liên quan đến các doanh nghiệp, công ty luật. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định đã nhận diện rõ, làm rõ được các loại tội phạm mới, quy luật hoạt động, chủ động có giải pháp kịp thời đấu tranh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Cục nghiệp vụ và Công an các đơn vị, địa phương.
Thứ trưởng yêu cầu khẩn trương kết thúc những vụ việc đã rõ để có biện pháp xử lý, răn đe tội phạm... Các Cục nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, nhận diện rõ các loại tội phạm, chủ động có giải pháp đấu tranh mạnh mẽ, toàn diện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, giải quyết tốt, kịp thời các tin báo tố giác tội phạm ngay từ cơ sở.
Dịp này, Ban Tổ chức công bố Quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Công an tặng các đơn vị, tập thể đã lập thành tích xuất sắc, trong công tác điều tra, xử lý tội phạm cưỡng đoạt tài sản hoạt động dưới dạng núp bóng liên quan đến các doanh nghiệp, công ty luật.
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã báo cáo tình hình kết quả công tác điều tra, khám khá chuyên án cưỡng đoạt tài sản liên quan đến Công ty Luật TNHH Pháp Việt (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh). Đến nay, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 54 bị can (2 phó giám đốc, 20 trưởng phòng, 1 thư ký và 31 nhân viên). Các bị can thừa nhận hành vi cùng đồng bọn đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay tiền và người thân, bạn bè của họ để ép buộc người vay phải trả nợ. Hai đối tượng cầm đầu là Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng (cùng là Phó giám đốc) thừa nhận việc phân công nhiệm vụ từ các trưởng phòng, trưởng nhóm và từng nhân viên hoạt động phạm tội rộng khắp trên phạm vi cả nước.
Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Mai Hoàng, Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết Công an thành phố đã triệt xóa 6 băng nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset; Công ty Luật TNHH Power Law chi nhánh Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Tiếng nói hay, Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ và Công ty CP đầu tư kinh doanh F88; khởi tố 64 bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Riêng đối với Công ty CP kinh doanh F88, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cơ quan điều tra đã khởi tố 10 bị can là trưởng nhóm và nhân viên. Ngoài ra, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổng kiểm tra hành chính, phát hiện 79 địa điểm kinh doanh (Cửa hàng F88) có các lỗi vi phạm quy định về quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.