Nâng cao hiệu quả quản lý người nước ngoài ở Việt Nam trong tình hình mới
Chiều 31/3, tại Học viện An ninh nhân dân (ANND), Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Quản lý người nước ngoài ở Việt Nam trong tình hình hiện nay”. Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội thảo.
Cùng dự hội thảo có lãnh đạo các Cục, đơn vị chức năng của Bộ Công an; các học viện, trường CAND; Công an một số đơn vị địa phương; đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng…
Đề dẫn tại hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện ANND nhấn mạnh: Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam hoạt động kinh tế, văn hoá, từ thiện nhân đạo, thăm thân, du lịch ngày càng gia tăng. Điều này đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên cũng đã xuất hiện một số vấn đề phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến người nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng một số người nước ngoài đã lợi dụng chính sách thông thoáng để vào Việt Nam hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG), kích động biểu tình, truyền đạo trái pháp luật; lừa đảo, trộm cắp cước viễn thông, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy với số lượng lớn; thực hiện các hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép như đầu tư, kinh doanh, du lịch, lao động, khám chữa bệnh, dạy học, tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép, mua bán người; làm giả giấy tờ để ở lại Việt Nam, móc nối và “núp bóng” một số cá nhân, doanh nghiệp người Việt Nam để mua bán bất động sản, hoạt động đầu tư kinh doanh ở khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh…
Trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, các vấn đề phức tạp trên có thể trở thành nguy cơ đe dọa đến ANQG nếu không tổ chức hiệu quả công tác quản lý người nước ngoài. Hội thảo “Quản lý người nước ngoài tại Việt Nam trong tình hình hiện nay” là diễn đàn khoa học để trao đổi, thảo luận nhằm tổng kết, đánh giá hiện trạng hoạt động quản lý người nước ngoài ở Việt Nam thời gian qua; phát hiện những hạn chế, bất cập; gợi mở, khuyến nghị những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian tới. Thông qua hội thảo cũng góp phần thống nhất nhận thức, đưa ra phương hướng, giải pháp bổ sung, hoàn thiện lý luận quản lý người nước ngoài theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất nhận thức chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý người nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp, các điều kiện bảo đảm trong quản lý người nước ngoài tại Việt Nam; đánh giá thực tiễn tổ chức các hoạt động quản lý người nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua, chỉ ra những hạn chế, bất cập và phương hướng giải quyết trong thời gian tới. Đặc biệt, các đại biểu tham dự hội thảo đều khẳng định vai trò quan trọng và những đóng góp to lớn của lực lượng CAND trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với người nước ngoài. Khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận quản lý người nước ngoài nói chung, nhà nước về an ninh, trật tự đối với người nước ngoài nói riêng; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với người nước ngoài, nhất là quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quản lý cư trú, quản lý theo hoạt động liên quan đến ANTT trên các lĩnh vực cho các cấp Công an, nhất là Công an cơ sở trong thời gian tới.
Trong tham luận “Những vấn đề mới trong quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự đối với người nước ngoài tại Việt Nam”, Đại tá Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã điểm qua thực trạng, tình hình quản lý người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời, gợi mở, đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý người nước ngoài ở Việt Nam như tăng cường ứng dụng CNTT vào các khâu quản lý; đa dạng hoá và tăng cường bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý người nước ngoài cho lực lượng Công an các cấp, nhất là lực lượng Công an cơ sở, Công an xã chính quy.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã khái quát tình hình quản lý người nước ngoài du lịch tại Việt Nam, đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý người nước ngoài du lịch tại Việt Nam đảm bảo phục vụ “mục tiêu kép” theo chủ trương của Chính phủ mở cửa lại các hoạt động kinh tế-xã hội, vừa thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, vừa đảm bảo ANTT.
Thiếu tướng, TS. Vũ Hữu Tài, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng đã khẳng định những kết quả đạt được trong quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Ngoại giao, đồng thời đề xuất cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai bộ nói riêng, các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố nói chung trong việc quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đối với người nước ngoài.
Với tham luận “Hoàn thiện pháp luật quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự đối với người nước ngoài trong tình hình hiện nay”, Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Ban nghiên cứu giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, một yêu cầu quan trọng đặt ra trong quản lý người nước ngoài ở Việt Nam là vừa đảm bảo thủ tục thông thoáng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải đảm bảo ANQG, đảm bảo TTATXH trong tình hình hiện nay. Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cũng đề nghị sau hội thảo này, Học viện ANND có thể xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu mang tính chiến lược liên quan đến vấn đề quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.
Trong tham luận “Giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đối với người nước ngoài trong tình hình hiện nay”, Thiếu tướng, TS. Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cũng đề xuất sớm có giải pháp xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, lao động của người nước ngoài tại Việt Nam một cách đồng bộ, đảm bảo kết nối an toàn, sẵn sàng kết nối với Công an các đơn vị, địa phương khi có yêu cầu. Đồng thời, góp phần củng cố hệ thống an ninh, ngăn chặn những phần tử khủng bố quốc tế thông qua con đường xuất nhập cảnh để thâm nhập hoạt động phá hoại hoặc hoạt động phi pháp…
Kết luận hội thảo, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã đánh giá cao các bài viết đăng trong kỉ yếu hội thảo và các ý kiến tham luận tại hội thảo đều thể hiện rõ sự tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý và cán bộ hoạt động thực tiễn và chính điều đó tạo nên sự thành công của hội thảo.
Theo đồng chí Thứ trưởng, hội thảo đã thống nhất một số vấn đề về kết quả đạt được trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam. Điều này góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Để đạt được những kết quả trên, có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Công an trong đấu tranh, điều tra nhiều vụ việc vi phạm của người nước ngoài ở Việt Nam; huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn dân, trong đó lực lượng CAND giữ vai trò chủ công, nòng cốt… Thứ trưởng Lương Tam Quang cũng đề nghị các đơn vị chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có hệ thống chính sách về quản lý người nước ngoài ở Việt Nam; chủ động hợp tác quốc tế sâu rộng; tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu nhằm chỉ ra những chồng chéo, bất cập; đẩy mạnh phân công, phân cấp trong quản lý người nước ngoài ngay trong lực lượng CAND. Quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nước ngoài ở Việt Nam, trước mắt hoàn thiện hệ thống quản lý xuất nhập cảnh đồng bộ từ Cục đến công an cấp xã; Tập trung đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, sai quy định.
Đồng chí Thứ trưởng cũng giao Học viện ANND phối hợp với các đơn vị chức năng tập hợp ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là Công an các địa phương để bổ sung, hoàn thiện lý luận, sớm báo cáo Bộ Công an làm luận cứ khoa học nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý người nước ngoài trong tình hình mới; xây dựng giáo trình và tổ chức thực hiện việc đào tạo chuyên ngành quản lý xuất nhập cảnh và quản lý người nước ngoài theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.