Nâng cao hiệu quả công tác nhân quyền ngay tại cấp cơ sở
Ngày 18/7, tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác Nhân quyền năm 2023.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ dự phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tham dự hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ; đồng chí Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Đắk Nông; Đại tá Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cùng các báo cáo viên, chuyên gia đến từ các bộ, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền và 300 đại biểu là các lãnh đạo, đại diện Ban Chỉ đạo Nhân quyền đến từ 22 địa phương trên cả nước.
Năm 2023 là năm đánh dấu vai trò, vị thế của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền toàn quốc năm 2023 được tổ chức nhằm cung cấp, cập nhật thông tin mới nhất về tình hình dân chủ, nhân quyền; thống nhất về nhận thức tư tưởng hành động từ Ban Chỉ đạo Trung ương đến địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền.
Hội nghị cũng là diễn đàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, giải đáp những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy mạnh công tác nhân quyền cấp cơ sở, đưa công tác này ngày càng phát huy hiệu quả thực chất ở từng địa phương, đóng góp vào thành tựu thúc đẩy, bảo đảm, bảo vệ quyền con người chung của quốc gia; đấu tranh với các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân chủ nhân quyền chống phá…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Đắk Nông cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác Nhân quyền trong sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, sau gần 20 phát triển, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kinh tế của tỉnh Đắk Nông được nâng lên, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nhất là trong lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt trong bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số…
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đến từ các bộ, ban, ngành địa phương cũng đã trình bày các chuyên đề về các vấn đề mới nổi lên liên quan đến công tác nhân quyền như: Công tác thông tin đối ngoại về quyền con người và quyền của người lao động trong các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết và công tác nhân quyền trong tình hình mới…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định: Nhân quyền ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong đời sống chính trị thế giới, là một trong ba trụ cột hoạt động của Liên hợp quốc cùng với hòa bình, an ninh và phát triển. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực ngày càng có những diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến tình hình trong nước, hoạt động can thiệp chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền vẫn tiếp tục diễn ra với cường độ cao, đặc biệt các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, vấn đề thành lập công đoàn độc lập…
Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, việc Việt Nam trở thành Thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, đã thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè, cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ và sự đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực của Ban Chỉ đạo Nhân quyền 63 tỉnh, thành phố, công tác nhân quyền đã chuyển động mạnh mẽ với những chuyển biến tích cực.
Thời gian tới, cần đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác nhân quyền ngay tại cấp cơ sở, trong đó cần chú ý đến các giải pháp chủ động nắm tình hình từ xa, từ sớm; nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý tình hình cho cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền với tinh thần chuyên sâu; nắm chắc chủ trương, đường lối và sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; đảm an sinh xã hội, bảo đảm tốt hơn quyền của người dân, đồng thời đấu tranh hiệu quả với hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam…
Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như rà soát, đánh giá những vấn đề còn tồn tại, bất cập để bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người; triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giải quyết tốt các nhu cầu, nguyện vọng của người dân; chủ động nắm tình hình từ xa, từ sớm, kịp thời phát hiện chủ động ngăn chặn hiệu quả âm mưu hoạt động của các đối tượng chống phá trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo…