Nâng cao chất lượng đội ngũ pháp chế, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trên truyền thông

Thứ Sáu, 26/05/2023, 15:02

Ngày 26/5, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong CAND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới” (Đề án), tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong CAND (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) và quán triệt những nội dung cơ bản của các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua có liên quan đến công tác Công an.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu hội trường Bộ Công an, số 44 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Cục, lãnh đạo phòng phụ trách công tác pháp chế, cán bộ làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; đại diện các tổ, hội thuộc Chi hội Luật gia Bộ Công an; báo cáo viên pháp luật trung ương tại các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; đại diện các trường CAND… Tham dự hội nghị tại điểm cầu hội trường công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đại diện ban giám đốc; đại diện lãnh đạo các phòng; đại diện các tỉnh, TP trực thuộc trung ương…

Nâng cao chất lượng đội ngũ pháp chế, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trên các nền tảng truyền thống -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại hội nghị. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp báo cáo tổng kết việc thực hiện Đề án; tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Theo đó, việc triển khai Đề án cơ bản đã phát huy được hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và chỉ đạo của các cấp lãnh đạo trong tổ chức triển khai công tác PBGDPL, nâng cao kiến thức về chính trị, pháp luật, ý thức, tinh thần học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, và nhân dân, phục vụ hiệu quả công tác chuyên môn của từng đơn vị.

Trong quá trình triển khai Đề án, công an các đơn vị địa phương đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về công tác tuyên truyền PBGDPL; thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn lực; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL, cung cấp tài liệu cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL. Các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trong CAND ngày càng được đẩy mạnh, hướng về cơ sở do các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, thi hành án hình sự… thực hiện.

Công an các đơn vị, địa phương ngày càng có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong cách tiếp cận, thường xuyên đổi mới, đa dạng các hình thức PBGDPL; kết hợp hoạt động PBGDPL với hoạt động giáo dục đạo đức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, điều lệnh CAND; vận dụng kết hợp hài hòa giữa hình thức PBGDPL truyền thống với các hình thức PBGDPL mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn; gắn kết chặt chẽ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan làm cho công tác tuyên truyền, PBGDPL trở nên sinh động, dễ tiếp thu.

Bằng những việc làm, hành động cụ thể, lực lượng CAND đã đưa pháp luật vào cuộc sống. Hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ CAND vì nhân dân phục vụ, chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân xuất hiện ngày càng nhiều, mang tính phổ biến, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và nhân dân tin yêu, mến phục.

Nâng cao chất lượng đội ngũ pháp chế, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trên các nền tảng truyền thống -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng và các đại biểu tham dự hội nghị. 

Qua 10 năm triển khai Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật trong CAND ngày càng khởi sắc, đi vào nề nếp, có chiều sâu và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ANTT cơ bản đáp ứng yêu cầu, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả công tác thi hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ CAND.

Đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã quán triệt những nội dung cơ bản của các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua có liên quan đến công tác Công an.

Tại hội nghị, các đại biểu là đại diện công an các đơn vị, địa phương đã trình bày tham luận tổng kết việc thực hiện Đề án, triển khai Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, qua đó khẳng định tầm quan trọng của công tác pháp chế CAND, công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CAND. Đồng thời, các tham luận đã chỉ ra những hạn chế và đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ pháp chế cũng như công tác tuyên truyền, PBGDPL.  

Nâng cao chất lượng đội ngũ pháp chế, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trên các nền tảng truyền thống -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trao Bằng khen của Bộ Công an cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã biểu dương các ý kiến tham luận chất lượng tại hội nghị. Nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra bất cập, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện Đề án và Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Sau hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu công an các đơn vị, địa phương rà soát lại nhân sự thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL; kiên quyết loại bỏ các cán bộ làm việc hình thức, không hiệu quả, không nhiệt huyết yêu nghề. Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cần rà soát quy định pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, tiêu chuẩn và cấp giấy chứng nhận báo cáo viên pháp luật trong CAND. Những điểm nào không phù hợp cần thay thế, quy định nào bất cập cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện khung pháp lý về Hội đồng phối hợp PBGDPL, về báo cáo viên. 

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, các báo cáo viên tuyên truyền PBGDPL phải là những người nắm vững kiến thức pháp luật, giàu kinh nghiệm thực tiễn. Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cũng cần có biện pháp chỉ đạo công an địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật trên các nền tảng truyền thông để công tác PBGDPL đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP hiện đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, Thứ trưởng đề nghị sau hội nghị, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cần có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã trao Bằng khen của Bộ Công an cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án và tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

Nguyễn Hương
.
.