Nắm rõ địa bàn để xây dựng kế hoạch đảm bảo TTATGT
Ngày 26/5 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an đã tổ chức giao ban công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tại một số địa phương ở khu vực phía Nam. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi giao ban…
Cùng dự buổi giao ban có lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), đại diện Ban Giám đốc Công an và chỉ huy Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh cùng 6 tỉnh, thành lân cận.
Thông tin về tình hình đảm bảo TTATGT , Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, triển khai các Điện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Công an về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT, Công an các tỉnh, thành trong khu vực đã vào cuộc quyết liệt. Trong 5 tháng đầu năm, tai nạn giao thông (TNGT) tại 7 địa phương đã được kéo giảm 24% về số vụ, số người chết giảm hơn 18% và số người bị thương giảm 26%. Từ việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn của Công an các địa phương, số vụ TNGT do sử dụng rượu bia chỉ còn chiếm 3,87%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là số vụ TNGT do xe máy gây ra vẫn chiếm hơn 57%, số vụ tai nạn do xe tải, xe đầu kéo gây ra chiếm 21%, số vụ TNGT xảy ra tại các tuyến đường huyện chiếm gần 50%...
Đại diện Ban Giám đốc Công an các tỉnh, thành và Phòng CSGT đã nêu ra nhiều ý kiến trong công tác tăng cường đảm bảo TTATGT. Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh đã báo cáo về hiệu quả từ việc thành lập các tổ phòng chống đua xe của lực lượng CSGT. Song, để biện pháp này phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có biện pháp giám sát chặt chẽ các cơ sở độ xe, các nhóm kín chuyên tổ chức đua xe và “nài” ngay từ cơ sở và từ khi mới manh nha.
Về tình hình xử lý phương tiện quá khổ quá tải, vi phạm nồng độ cồn và chạy quá tốc độ trên địa bàn, đại diện Ban Giám đốc Công an Tây Ninh cho rằng, người dân địa phương rất ủng hộ. Ngoài việc tuyên truyền, vận động và xử phạt nghiêm, Công an Tây Ninh đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp vận tải cam kết không vi phạm TTATGT trong quá trình hoạt động. Công an Tây Ninh đã thành lập 2 tổ kiểm soát cơ động đến các địa bàn nóng và đã yêu cầu Công an các huyện, thành phố thành trực thuộc lập thêm các tổ cơ động để giám sát, xử lý vi phạm về TTATGT.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long biểu dương sự chủ động vào cuộc của Công an các địa phương trong công tác tăng cường đảm bảo TTATGT, nhất là hiệu quả trong việc thực hiện các chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an và gần đây là Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ trong đảm bảo TTATGT.
Đồng chí Thứ trưởng lưu ý, dù TNGT trong khu vực đã được kéo giảm, nhưng 7 địa phương vẫn chiếm gần 30% số vụ của cả nước trong 5 tháng đầu năm. Để kéo giảm TNGT, Công an các địa phương phải tập trung rà soát lại cơ sở hạ tầng, nắm rõ từng điểm đen, từng khiếm khuyết trong hệ thống giao thông hay từng đặc tính riêng về cư dân, về phương tiện trên địa bàn để đưa vào kế hoạch tăng cường đảm bảo TTATGT. Công tác điều tra cơ bản phải bám sát, nắm chắc từng tuyến, địa bàn, đối tượng, đặc điểm của địa bàn trong xây dựng kế hoạch. Nắm cụ thể về số phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, trong đó có bao nhiêu xe hết đăng kiểm, bao nhiêu xe cơ nới thành, thùng để có biện pháp xử lý.
Trên địa bàn một huyện, Công an phải xác định rõ tuyến nào, địa bàn nào có điểm đen về tai nạn; địa bàn nào có đường giao cắt nhưng không có gờ giảm tốc, không có đèn đường, cần phải được khắc phục ngay… để tham mưu cho UBND huyện phân công cụ thể trách nhiệm cho từng đơn vị xử lý. Thậm chí, Công an huyện phải nắm rõ trên địa bàn có bao nhiêu trường học gần đường giao thông nhưng chưa có chỗ đỗ xe cho phụ huynh và chưa có đầu đủ các biện pháp đảm bảo an toàn để có giải pháp cụ thể.
Để ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập đua xe trái phép, đồng chí Thứ trưởng đề nghị Công an các địa phương tập trung kiểm tra, lập danh sách để giám sát đối với nhưng đối tượng chuyên làm nghề độ chế xe và các đối tượng chuyên cầm đầu các nhóm đua xe. Từ đó, lên kế hoạch phối hợp với lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát quản lý hành chính, Cảnh sát kinh tế để triệt phá tình trạng độ chế, đua xe trái phép. Từ kinh nghiệm trong việc thành lập tổ phòng chống đua xe của Công an TP Hồ Chí Minh, đồng chí Thứ trưởng cho rằng Phòng CSGT Công an các tỉnh có thể lập ngay tổ này để giám sát, ngăn chặn đua xe từ khi mới nhen nhóm.
Công an các tỉnh, thành cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo và mục tiêu đặt ra đối với công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới. Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh an toàn giao thông là an ninh con người. Đảm bảo TTATGT là động lực để phát triển. “Từ việc kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn và các hành vi vi phạm TTATGT khác, phải tập cho người dân hình thành thói quen chấp hành pháp luật về giao thông, xây dựng ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo.