Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người

Thứ Sáu, 16/12/2022, 14:47

Việt Nam sẽ luôn là đối tác tin cậy, tích cực thực hiện các cam kết về nghĩa vụ thành viên của Tiến trình COMMIT vì sự hợp tác bền vững và vì một tương lai cương quyết nói không với nạn mua bán người.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, sáng 16/12, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng các nước thành viên COMMIT lần thứ 5 (IMM5) theo hình thức trực tuyến.

Chương trình Hội nghị bao gồm 7 phiên trình bày và thảo luận giữa các nước COMMIT, trong đó Đoàn Việt Nam chủ trì điều hành Phiên 1 mang nội dung “Cập nhật về những kết quả đạt trong triển khai Kế hoạch hành động COMMIT giai đoạn 4 (SPA IV) các năm 2020 - 2021” và Phiên 4 mang nội dung “Đạt được mục tiêu của COMMIT SPA thông qua tiếp cận liên ngành”.

Các phiên còn lại gồm Sáng kiến phát triển cơ chế chuyển tuyến xuyên quốc gia tại khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng và những giá trị cho các quốc gia COMMIT; Đánh giá và những bài học từ triển khai SPA IV; SPA V - Sự phát triển, những ưu tiên và cách tiếp cận trong tương lai; Phát triển Tiến trình COMMIT bền vững; Hỏi - đáp lần cuối và tổng kết.

Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, mua bán người được xác định là vấn đề hệ trọng, liên quan đến bảo đảm an ninh con người, quyền con người - nội dung trọng tâm tại Đại hội XIII mới đây của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những năm qua, công tác phòng, chống mua bán người đã có sự tham gia quyết liệt của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân; tuy nhiên, trước tác động đa chiều của tình hình thế giới và trong nước, tội phạm mua bán người vẫn là vấn đề nóng ở Việt Nam, gây ra hậu quả nghiêm trọng trực tiếp tới nạn nhân, tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về phương thức thủ đoạn, hoạt động phạm tội mua bán người có tổ chức, mang tính xuyên quốc gia, ngày càng tinh vi, chặt chẽ hơn. Đáng chú ý là một số xu thế mới như  hình thức tổ chức đưa người xuất cảnh, đi lao động ở nước ngoài trái phép hoặc “núp bóng” các tổ chức đưa người đi lao động nước ngoài để cưỡng bức lao động, mua bán người hoặc tổ chức các đường dây đưa người ra nước ngoài để mang thai hộ, đẻ thuê hoặc mua bán bộ phận cơ thể; các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng công nghệ cao, các mạng xã hội để tìm kiếm, lừa gạt nạn nhân; hoặc tìm kiếm, liên lạc với người có nhu cầu mua nội tạng hoặc mua con nuôi. Bên cạnh đó cũng xuất hiện hiện tượng đưa người từ một số nước khác trung chuyển qua Việt Nam để đến nước thứ ba.

Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người -0
Quang cảnh hội nghị.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ, trong các năm gần đây, theo tiêu chí thực hiện của SPA IV, Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng chú ý. Trong lĩnh vực phòng ngừa tội phạm, để giải quyết từ nguồn gốc phát sinh tội phạm, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và triển khai các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho Nhân dân khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, từng bước làm trong sạch địa bàn, hạn chế nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm.

Các hình thức tuyên truyền phòng, chống mua bán người có nhiều đổi mới sáng tạo như: Đã xây dựng Chuyên mục thông tin tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Nhiều địa phương cơ sở tổ chức biên tập, phát thanh, tuyên truyền lưu động bằng tiếng dân tộc phù hợp với từng vùng, miền...

Từ năm 2021, các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về ngày 30/7 hàng năm là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”; đề nghị các nhà mạng viễn thông nhắn tin miễn phí tuyên truyền về ngày toàn dân phòng, chống mua bán người đến khoảng 120 triệu thuê bao di động và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thực hiện cả công tác tiếp nhận thông tin bảo vệ phụ nữ, nạn nhân bị mua bán.

Trong lĩnh vực hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán, ở Việt Nam có thể nhắc đến thành công của mô hình Nhà Nhân ái với sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ Tổ chức Vòng tay Thái Bình. Trong thời gian triển khai hoạt động, Nhà Nhân ái đã tiếp nhận và hỗ trợ cho nhiều nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, gia đình an toàn. Trong đó, 100% được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh mua bảo hiểm y tế, được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được học hết văn hóa phổ thông; 80% được học nghề, có việc làm ổn định; 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình ổn định cuộc sống; nhiều nạn nhân đã tự tin trở thành người truyền thông phòng ngừa nạn mua bán người.

Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng và các đại biểu dự hội nghị.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán như hoàn thiện cơ sở pháp lý về công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), trong đó tập trung vào tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là các nội dung về quy định tiêu chí xác định nạn nhân; quy định về chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; chế độ hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Phát triển cơ chế huy động sự tham gia của toàn xã hội trong phòng, chống mua bán người.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, đổi mới nội dung, đa dạng hơn nữa các hình thức tuyên truyền. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng công nghệ số, các mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống mua bán người như đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống mua bán người; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, cán bộ làm công tác tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân.

Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, trong đó hợp tác trong khuôn khổ Tiến trình COMMIT. Việt Nam sẽ luôn là đối tác tin cậy, tích cực thực hiện các cam kết về nghĩa vụ thành viên của Tiến trình COMMIT vì sự hợp tác bền vững và vì một tương lai cương quyết nói không với nạn mua bán người.

Các tham luận tại Hội nghị cho thấy, các quốc gia mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 vẫn có những nỗ lực để thực hiện kế hoạch hành động SPA IV và đạt được những mục tiêu nhất định trong hoàn thiện cơ chế chính sách, hợp tác quốc tế, tuyên truyền phòng ngừa, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân và công tác đấu tranh với các loại tội phạm mua bán người mới nổi. Các quốc gia cũng thống nhất nhìn nhận những xu thế mua bán người mới nổi trong thời gian qua bao gồm các loại tội phạm mua bán người trực tuyến, lừa đảo cưỡng bức lao động, đối tượng nạn nhân tiềm năng đã mở rộng ra nhiều thành phần trong xã hội không còn trong phạm vi truyền thống như trước đây.

Trước những thách thức trong công tác về mua bán người xuyên quốc gia, các nước COMMIT cần tăng cường hơn nữa sự gắn kết và hợp tác trên cơ sở nâng cao khả năng quốc gia và sự phát triển của cơ chế hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, chuyển tuyến dựa trên một cơ chế chuyển tuyến xuyên quốc gia trong khu vực phù hợp, khả thi. Phát triển một kế hoạch hành động COMMIT giai đoạn tiếp theo đủ khả năng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và những lỗ hổng trong công tác phòng, chống mua bán người thời gian qua.

Sáng kiến cấp Bộ trưởng sáu nước khu vực Tiểu vùng sông Mekong (gọi tắt là Tiến trình COMMIT) là một tiến trình liên Chính phủ của sáu nước khu vực tiểu vùng sông Mekong bao gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar. Được khởi xướng từ cuối năm 2003, đây là cơ chế hợp tác duy nhất và hiệu quả giữa chính phủ các nước trong khu vực về phòng chống buôn bán người.

Khổng Hà
.
.