Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND
Hội thảo nhằm thảo luận, tìm ra những giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động thanh tra CAND thời gian tới, vừa bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Thanh tra năm 2022, vừa phù hợp với tính chất, đặc thù trong tổ chức và hoạt động của lực lượng CAND.
Sáng 19/9, Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã chủ trì Hội thảo "Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND".
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an đến Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham dự của hơn 2.200 đại biểu, trong đó có đại diện Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương, các nhà khoa học trong CAND...
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Trung tướng Trần Đức Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Công an cho biết, quán triệt thực hiện Nghị quyết của Đảng uỷ Công an Trung ương và Kế hoạch số 339 ngày 29/6/2023 của Bộ Công an về triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022, Bộ Công an tổ chức hội thảo "Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND" nhằm tập trung thảo luận, tranh thủ ý kiến quý báu của các nhà quản lý, nhà khoa học, bề dày kinh nghiệm trong công tác của các chuyên gia, Công an các đơn vị, địa phương để có những giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động thanh tra CAND trong thời gian tới, vừa bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Thanh tra năm 2022, vừa phù hợp với tính chất, đặc thù trong tổ chức và hoạt động của lực lượng CAND.
Luật Thanh tra được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, gồm 8 chương, 118 điều với rất nhiều quy định mới liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra CAND. Dưới sự điều hành của Trung tướng Trần Đức Tuấn, hội thảo đã tập trung thảo luận về tổ chức và hoạt động thanh tra của lực lượng CAND, như: về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Thanh tra CAND; việc bố trí cán bộ thanh tra tại các đơn vị không có tổ chức thanh tra; việc thực hiện thẩm quyền của Chánh Thanh tra các cấp trong CAND... Phân tích, thảo luận về các lĩnh vực giao Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về ANTT và sự cần thiết phải xác định rõ nội dung, đối tượng của hoạt động thanh tra chuyên ngành CAND để đề xuất đưa vào nội dung xây dựng nghị định, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra chuyên ngành của lực lượng CAND trong thời gian tới.
Điển hình như tham luận "Những vấn đề mới về tổ chức Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra theo Luật Thanh tra 2022" của TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; tham luận của Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng về "Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành CAND góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT của Bộ Công an"; tham luận của Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp về "Bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra chuyên ngành của lực lượng CAND trên các lĩnh vực được giao quản lý nhà nước về ANTT"; tham luận của Đại tá Nguyễn Văn Trầm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động về "Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các kiến nghị, đề xuất về mô hình tổ chức thanh tra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thời gian tới"...
Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh, hội thảo là một trong những hoạt động nghiên cứu, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 29/3/2022 của Đảng uỷ Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ANTT đến năm 2026, định hướng đến năm 2030, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, đồng chí Thứ trưởng biểu dương Thanh tra Bộ Công an đã tham mưu phối hợp tổ chức hội thảo chu đáo, ý nghĩa; cảm ơn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã bám sát gợi ý của cơ quan tham mưu để tham gia ý kiến với hội thảo, làm sáng tỏ lý luận, thực tiễn sau 12 năm thực hiện Luật Thanh tra năm 2010.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ yêu cầu Thanh tra Bộ Công an chủ trì, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp trực tiếp phối hợp, Công an các đơn vị, địa phương cùng phối hợp để khẩn trương tham mưu Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tổ chức tổng kết thành công công tác thi hành Luật Thanh tra trong CAND 12 năm qua, những kết quả đạt được, tồn tại, khó khăn, làm rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, nhân hội thảo này, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ giao Cục Tổ chức cán bộ chủ trì, Thanh tra Bộ Công an đề xuất, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp phối hợp rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy thanh tra CAND theo đúng tinh thần Nghị quyết số 22 ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; Nghị định số 01 ngày 6/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an và Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị, phù hợp với thực tiễn tổ chức và yêu cầu, nhiệm vụ mang tính đặc thù của lực lượng CAND.
Lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu Luật Thanh tra năm 2022, có hiệu lực từ 1/7/2023 và Nghị định số 43 ngày 30/6/2023 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra để chuẩn bị cho việc tổng kết Luật Thanh tra năm 2010...