Giới thiệu cuốn sách “Những điểm mới về An ninh Quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng"
Cuốn sách “Những điểm mới về An ninh Quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” là sự phát triển sâu sắc hơn, toàn diện hơn những nội dung mới về An ninh Quốc gia (ANQG) và bảo vệ ANQG được phân tích thấu đáo tại Đại hội XIII của Đảng.
Chiều 30/11, Bộ Công an phối hợp với Nhà Xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ giới thiệu cuốn sách “Những điểm mới về An ninh Quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”.
Đại tướng GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an cùng đồng chí PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật đồng chủ trì buổi lễ.
Tới dự, có các đồng chí trong Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo các ban, ngành chức năng; đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ, học viện thuộc Bộ Công an; các cơ quan quản lý; nhà khoa học, nhà nghiên cứu…
Phân tích cô đọng, sâu sắc An ninh chủ động và toàn diện
Phát biểu tại buổi Lễ, PGS.TS Phạm Minh Tuấn khẳng định, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, đất nước và dân tộc ta trong năm 2021, đã diễn ra và thành công rất tốt đẹp.
Ngày 28/3/2021, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm đã phát biểu giới thiệu Chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về ANQG, thu hút sự quan tâm không chỉ của các Tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ CAND, mà còn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Trên cơ sở những nội dung cốt lõi của Chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về ANQG”, “Cuốn sách “Những điểm mới về ANQG trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” được nghiên cứu biên soạn, biên tập, xuất bản rất khẩn trương, dưới sự chỉ đạo sát sao, tâm huyết của đồng chí Đại tướng, Bộ trưởng; là sự phát triển sâu sắc hơn, toàn diện hơn những nội dung mới về ANQG và bảo vệ ANQG được phân tích thấu đáo tại Đại hội XIII của Đảng” – PGS.TS Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh.
Cuốn sách được tiến hành biên soạn ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 9/3/2021 về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh: “Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ... Công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, chất lượng;... nhấn mạnh, làm rõ những vấn đề mới, cốt lõi”.
Đồng chí Phạm Minh Tuấn khẳng định, Bộ Công an đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn sách với vai trò là một tài liệu chính thống đầu tiên đề cập những điểm mới, những nội dung cốt lõi trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; được phát hành rộng rãi phục vụ nhu cầu học tập, tham khảo của đông đảo bạn đọc trong và ngoài lực lượng CAND.
Cuốn sách có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, thể hiện sự đóng góp rất quan trọng, rất có trách nhiệm của các đơn vị thuộc lực lượng Công an, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an cho việc hoàn thiện và phát triển lý luận về ANQG và bảo vệ an ANQG trong tình hình mới.
Đồng thời nhấn mạnh “An ninh chủ động và toàn diện” là nội dung xuyên suốt trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về ANQG và bảo vệ ANQG trong tình hình mới. Quan điểm này được phản ánh cô đọng, sâu sắc trong cuốn sách.”
An ninh toàn diện của Đảng, Nhà nước
Theo PGS.TS Phạm Minh Tuấn, đối tượng phục vụ mà cuốn sách hướng tới là đông đảo bạn đọc trong và ngoài lực lượng CAND. Với mong muốn cuốn sách sẽ là tài liệu học tập, tham khảo hữu ích, dễ hiểu về mặt lý luận và dễ dàng triển khai trong thực tiễn, do đó, cuốn sách có dung lượng chỉ khoảng 280 trang sách khổ nhỏ, bố cục gồm 2 phần, diễn đạt xúc tích, ngắn gọn, cô đọng với điểm nổi bật là cách tiếp cận mới: Từ phân tích tổng quan những điểm mới về ANQG và bảo vệ ANQG được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII đến việc lựa chọn một số điểm mới nổi bật để phân tích, luận giải sâu sắc hơn.
Tại phần thứ nhất: Bối cảnh mới và khái quát những điểm mới trong nhận thức, tư duy về ANQG và bảo vệ ANQG, từ nhận định bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó dự báo, tác động mạnh đến môi trường an ninh của Việt Nam và phân tích bối cảnh trong nước sau 35 năm đổi mới, Đảng ta đã có nhận thức, tư duy toàn diện, sâu sắc hơn về ANQG và bảo vệ ANQG.
Thể hiện tập trung ở 9 điểm sau: 1) Nhận thức về ANQG và vị trí của nhiệm vụ bảo vệ ANQG; 2) Nhận thức về phạm vi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ ANQG; 3) Nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ ANQG; 4) Nhận thức về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANQG; 5) Tư duy về xây dựng lực lượng CAND; 6) Nhận thức về phương châm, kế sách bảo vệ ANQG; 7) Nhận thức về đối tác, đối tượng; 8) Nhận thức về huy động các nguồn lực trong bảo vệ ANQG; 9) Nhận thức về biện pháp bảo vệ ANQG.
Trên cơ sở tổng hợp và chắt lọc 9 điểm mới, phần thứ hai của cuốn sách dành dung lượng để giới thiệu 5 điểm mới nổi bật là: 1) Về an ninh con người và bảo vệ an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; 2) Về xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; 3) Về nghiên cứu, phát triển lý luận an ninh; 4) Về củng cố, phát huy tiềm lực quốc phòng, an ninh; 5) Về kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại, trong đó đặc biệt nhấn mạnh:
Với cách tiếp cận “An ninh toàn diện” của Đảng và Nhà nước, việc bổ sung “An ninh con người” vào chiến lược ANQG là cần thiết. Điều này cũng phản ánh quan điểm lấy người dân là trung tâm trong các chiến lược Quốc gia gần đây và sâu xa hơn là bản chất nhân văn của chế độ ta.
Cuốn sách khẳng định: Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu bảo vệ ANQG thực chất là bảo vệ an ninh con người và xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Bảo vệ ANQG suy cho cùng cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân, từ đó coi trọng và lấy thước đo cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của mỗi con người làm tiêu chí, hiệu quả của công tác bảo vệ an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản xây dựng lực lượng CAND tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thể hiện tư duy mới của Đảng trong xây dựng lực lượng CAND, phù hợp với xu thế, yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ANTT và tiềm lực của đất nước hiện nay.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, cuốn sách “Những điểm mới về ANQG trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng’” sẽ là tài liệu học tập, nghiên cứu quan trọng, có ý nghĩa của Bộ Công an trong việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lực lượng CAND, góp phần tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thời gian tới. Đồng thời là cẩm nang để từ cấp ủy các cấp đến chi bộ tìm hiểu, nghiên cứu, tham khảo có ý nghĩa lâu dài, phục vụ nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng trong cả nhiệm kỳ.
Tác phẩm có ý nghĩa thiết thực
Phát biểu tại buổi Lễ, GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu nhấn mạnh, tác phẩm có nội dung rất phong phú, toàn diện được kết cấu làm 2 phần lớn: Bối cảnh mới và khái quát nội dung mới trong nhận thức ANQG, bảo vệ ANQG.
Trong đó, 2 nội dung lớn là nhận thức về thời cuộc: Tác phẩm đã phân tích khá toàn diện tình hìnhh thế giới, tình hình Châu Á, Thái Bình Dương và tình hình đất nước, tình hình đất nước chỉ ra khó khăn, thách thức chúng ta phải đối mặt.
Phân tích làm sâu sắc thêm những nguy cơ của an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; những nhân tố như biến đổi khí hậu, đại dịch, sự xung đột sắc tộc, tôn giáo… “Bên cạnh đó, cuốn sách đã phân tích tình hình tội phạm xuyên quốc gia đang hoạt động rất tinh vi nhất là tội phạm công nghệ cao gắn với an ninh mạng bằng tư duy biện chứng” - GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Nói về những điểm mới, tư duy mới của Đại hội XIII xoay quanh các vấn đề cơ bản của ANQG, bảo vệ ANQG, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, tác phẩm tập trung vào 3 vấn đề rất quan trọng, vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, vai trò của nhân dân; vai trò của lực lượng CAND.
Đồng thời nêu bật phương châm và kế sách; phân tích huy động và bảo vệ nguồn lực; các biện pháp để bảo vệ ANQG… “Cuốn sách vừa tổng kết, dự báo, vừa có giá trị định hướng vừa có giá trị hành động. CBCS CAND đọc sách, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm của mình với công tác. Sách lý luận nhưng viết rất giản dị, dễ hiểu, cập nhật đời sống, sinh động “Đây là 1 tác phẩm quý có ý nghĩa thiết thực giúp công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ đảng viên; là 1 trong những tác phẩm bàn về 1 lĩnh vực đặc biệt quan trọng, cụ thể hoá được tư tưởng Đại hội XIII về bảo vệ ANQG sớm nhất…” - GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định.
Phấn đấu nhiều xã, huyện, tỉnh không có tội phạm
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn các cơ quan quản lý, các nhà khoa học; chúc mừng các cá nhân, tập thể được Bộ Công an trao tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ An ninh Tổ quốc; Bằng khen.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp, hiệp đồng của lực lượng QĐND, các cấp, các ngành và nhân dân, lực lượng CAND không ngừng quyết tâm vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, phục vụ hiệu quả sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. “Kết quả đó khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, là vấn đề có tính nguyên tắc là nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH và sự phát triển, lớn mạnh của CAND” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm đã khái quát về tình hình an ninh thế giới, khu vực và trong nước, những vấn đề đang đặt ra hiện nay về bảo vệ ANQG và khẳng định, đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng là trách nhiệm rất lớn của lực lượng CAND, để chắt lọc, tổng kết lại thực tiễn, đề xuất những vấn đề mới. “Từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay, chúng tôi đã vinh dự đóng góp vào Văn kiện Đại hội Đảng. Tại Đại hội XI đã đóng góp vấn đề An ninh phi truyền thống, đến nay đã trở thành vấn đề chung của Quốc tế. Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã bổ sung vấn đề “An ninh con người” vào chiến lược ANQG, quan điểm lấy người dân là trung tâm trong các chiến lược quốc gia” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, trước đây, mỗi ngày cả nước xảy ra khoảng 150-180 vụ phạm tội, năm 2020 còn 100-120 vụ, năm 2021 đã giảm chỉ 30-50 vụ phạm tội/ngày. Như vậy có ngày 2-3 tỉnh không có tội phạm. “Chúng tôi phấn đấu nhiều xã, huyện, tỉnh không có tội phạm”- Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, quán triệt sâu sắc nhận thức mới về ANQG và bảo vệ ANQG trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bộ Công an đang chỉ đạo đổi mới các mặt công tác nghiệp vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường cho Công an cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công an cấp xã, tập trung xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 tinh nhuệ, hiện đại.
“Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân, sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả các ngành, các cấp, của NXB Chính trị quốc gia Sự thật để ngày càng có thêm nhiều đầu sách, tài liệu phục vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong tình hình mới” – Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao tặng sách cho đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm; Ban biên soạn, biên tập và Hội đồng nghiệm thu sách; đại biểu các cơ quan Trung ương; đơn vị trực thuộc Bộ và Công an một số địa phương.
Bộ Công an cũng đã trao Kỷ niệm chương Bảo vệ An ninh Tổ quốc tặng GS.TS Phùng Hữu Phú và đồng chí Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật; trao Bằng khen của Bộ Công an tặng 6 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.