Chuyển từ "truyền thống” sang “hiện đại” để chống vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi
Chiều 23/11, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Kế hoạch 506, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2023.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo KH506 chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Phó Ban chỉ đạo KH506; đại diện lãnh đạo Vụ tư pháp, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Vụ Văn hóa – Giáo dục, Văn phòng Quốc hội; thành viên Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương.
Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2023 và định hướng, kiến nghị xây dựng chương trình công tác năm 2024, Đại tá Vũ Văn Đấu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, năm 2023, Ban Chỉ đạo các địa phương đã tham mưu hiệu quả cho Đảng ủy, chính quyền các địa phương ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Công tác tăng cường lực lượng Công an về cơ sở được chú trọng, đẩy mạnh thực hiện phối hợp liên ngành giữa Công an với các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan trong giải quyết tình hình nổi lên và từng vụ việc cụ thể ngay từ cấp xã đã tạo sự chuyển biến rõ nét, thông tin được xử lý nhanh, phản hồi báo chí về kết quả giải quyết vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra trên 22.840 vụ, trên 42.400 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lực lượng Công an đã điều tra, làm rõ 18.880 vụ, đạt tỷ lệ 82,66% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao 7,66%); riêng án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90,73%. Số người người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật là 12.041 em, riêng phạm pháp hình sự là 5.688 em (chiếm 47,2%).
Lực lượng Công an đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, nhận diện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của các loại tội phạm và có sự quyết liệt triển khai ở cơ sở, đặc biệt, chú trọng công tác phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ nên trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo...; thường xuyên cập nhật thông tin di biến động của dân cư bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, nhằm góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi xâm hại trẻ em, phòng ngừa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật và đấu tranh hiệu quả với tội phạm này; xây dựng, triển khai phần mềm “Người trợ lý ảo”, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em, được cài đặt trên hệ điều hành của điện thoại thông minh, sử dụng kể cả khi không có mạng Internet...
Dưới sự điều hành tham luận của Trung tướng Trần Ngọc Hà, tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu, thẳng thắn nêu ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn cũng như kéo giảm tội phạm xâm hại trẻ em cũng như các hành vi vi phạm pháp luật do trẻ em thực hiện...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ đạo, thời gian tới, các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; trong đó, phải bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác này để tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể.
Cơ quan điều tra các cấp trong CAND, quá trình điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi tổ chức rút kinh nghiệm các chuyên án, vụ án điển hình, những khó khăn, vướng mắc; phối hợp với VKSND và TAND các cấp trong thực hiện các hoạt động tố tụng điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi để tham mưu xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật theo chức năng, thẩm quyền, trong đó chú ý hướng dẫn công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố...;
Ban Chỉ đạo Kế hoạch 506 địa phương, nhất là nhóm địa phương có số vụ chưa giảm, cần có giải pháp phòng ngừa xã hội gắn chi tiêu cụ thể, gắn trách nhiệm người đứng đầu...; tập trung thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành trong chuyển đổi trạng thái các mặt công tác từ "truyền thống” sang “hiện đại” vào công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi. Trong đó, triển khai thực hiện Độ án 06 của Chính phủ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phần mềm “Người trợ lý ảo", ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em...