Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học đối với sự nghiệp xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Báo CAND trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an về “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học đối với sự nghiệp xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh”.
“Nền an ninh nhân dân là sức mạnh tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt”(1). Quá trình hình thành, phát triển nền an ninh nhân dân gắn liền với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản ra đời; được minh chứng bằng những thành công trong bảo vệ an ninh quốc gia suốt chặng đường cách mạng. Chiến thắng “chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ năm 1954 đã một lần nữa khẳng định: Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân phải là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò tham mưu và nòng cốt.
1. Trong lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, nguyên tắc gắn bó mật thiết với nhân dân được Đảng cụ thể hóa thành định hướng chiến lược: xây dựng nền an ninh nhân dân trở thành nghệ thuật huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng xây dựng nền an ninh nhân dân được thể hiện trong đường lối đấu tranh chống phản cách mạng của Đảng, bắt đầu từ huy động sức mạnh quần chúng trong phong trào “ba không”, “phòng gian bảo mật” thời kỳ kháng chiến chống Pháp, phong trào “bảo vệ trị an” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” sau này. Tư tưởng ấy còn được thể hiện qua việc xây dựng, giáo dục, rèn luyện lực lượng Công an để “Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”(2), bởi “khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(3).
Trên cơ sở đó, tư tưởng xây dựng và phát huy sức mạnh của nền an ninh nhân dân tiếp tục được khẳng định, bổ sung, phát triển, hoàn thiện qua các kỳ Đại hội của Đảng, có tính lịch sử, hệ thống, tính cách mạng, khoa học sâu sắc và được đặt trong tổng thể tư duy lý luận về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”(4). Đây là sự bổ sung, phát triển tư duy của Đảng về đường lối an ninh, quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng nền an ninh nhân dân là vấn đề có tính chiến lược, thường xuyên, liên tục và phải dựa trên “thế trận lòng dân” bởi “thế trận lòng dân” không chỉ là nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân mà hơn thế, “thế trận lòng dân” thâm nhập vào từng yếu tố, tạo sức mạnh nội sinh từ bên trong góp phần củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2024 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã nêu bật: phát huy dân chủ của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhấn mạnh phương châm dựa vào dân, “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, ý chí kiên cường bất khuất, văn hóa tốt đẹp, sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; “thế trận lòng dân”, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” là kết tinh của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, tinh thần yêu nước nồng nàn của quần chúng nhân dân, vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Đã 70 năm trôi qua, tinh thần Điện Biên Phủ vẫn luôn hiện hữu, khẳng định là thắng lợi của thế trận chiến tranh nhân dân. Trong đó đóng vai trò đặc biệt quan trọng là sự gắn kết chặt chẽ giữa “thế trận lòng dân” với thế trận quốc phòng - an ninh trên nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.
Thắng lợi của một chiến dịch quân sự, trước hết là thắng lợi của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lực lượng, phương châm tác chiến. Bên cạnh đó, điều không kém phần quan trọng là việc giữ được bí mật và chủ động chuẩn bị mọi tiềm lực vật chất, tinh thần cho trận đánh. Hai yếu tố này liên quan mật thiết đến nhau. Giữ bí mật sẽ giành được thế chủ động chiến lược, đặt ta vào thế hiểu địch, địch không hiểu ta. Giữ bí mật cũng là để ta chủ động chuẩn bị huy động mọi điều kiện vật chất và tinh thần. Ngược lại, chủ động chuẩn bị mọi tiềm lực cũng phải được tiến hành một cách bí mật và là điều kiện bảo đảm chiến dịch đi đến thắng lợi. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hai yếu tố này được thực hiện chủ động, tích cực, đem lại hiệu quả. Chính việc xây dựng nền an ninh nhân dân có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm bí mật chiến dịch và chủ động chuẩn bị mọi điều kiện phục vụ chiến dịch.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trên một không gian rộng lớn, thời gian dài, cả địch và ta đều nỗ lực cao nhất trong cuộc đấu trí, đấu lực gay go quyết liệt nhất để giành thắng lợi. Vì vậy, hai bên đều tìm cách thâm nhập nhằm phát hiện những ý đồ chiến lược, chiến dịch, lực lượng, phương tiện chiến tranh, mục tiêu đánh phá và mục đích đạt được của các hành động quân sự. Nhận định rõ tính chất đặc biệt quan trọng của vấn đề này, Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm giữ bí mật tuyệt đối về chủ trương, nhiệm vụ của chiến dịch và mọi hành động của cán bộ, chiến sĩ, của các lực lượng được huy động tham gia từ khi chuẩn bị chiến dịch, hành quân tập kết cho đến lúc nổ súng tiến công, phát triển chiến dịch và kết thúc thắng lợi. Đối với công tác Công an, Thông tri số 64-CT/TW ngày 20/2/1954 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: “nếu ta không tăng cường đúng mức công tác công an thì sẽ không đối phó kịp với địch, không trấn áp được bọn phản động, không phục vụ kịp thời cho phong trào đấu tranh của nông dân và không làm tròn được nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, phục vụ tiền tuyến”(5).
Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở xây dựng và phát huy sức mạnh của quần chúng trong nền an ninh nhân dân, lực lượng Công an đã làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động phòng chống các hoạt động xâm nhập, phá hoại của địch, và xác định rõ đây là yếu tố bảo đảm bí mật, an toàn cho chiến dịch. Lực lượng Công an tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, làm rõ những vấn đề nghi vấn, đưa ra khỏi nội bộ những người không đủ tiêu chuẩn chính trị. Phong trào “phòng gian bảo mật” trong lực lượng vũ trang phát triển sâu rộng và có nội dung thiết thực như: không được tiết lộ bí mật địa điểm đóng quân, nơi tập kết, ngày, tháng hành quân cho người nhà qua thư từ; không tiết lộ phiên hiệu đơn vị, tên người chỉ huy cho bất cứ ai quen biết… Tại căn cứ địa Việt Bắc, vùng tự do ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, hầu hết các cơ quan cấp tỉnh và một số cấp huyện đã tiến hành công tác bảo vệ cơ quan với nội dung chính là thuần khiết nội bộ, chống địch thâm nhập, bảo vệ nghiêm ngặt tài liệu và những vấn đề cơ mật của Đảng, Chính phủ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo.
Nhằm mục đích nâng cao cảnh giác, giữ bí mật, lực lượng Công an đã tổ chức in hàng chục loại giấy tờ khác nhau như chứng minh thư, giấy chứng nhận, công vụ lệnh, nội quy bảo vệ bến bãi, các quy định về bảo mật phòng gian… Các giấy tờ trên được cấp cho cán bộ, dân công tham gia chiến dịch và treo, dán tại các trạm kiểm soát, nơi dừng nghỉ chân và các kho bãi trung chuyển hàng hóa. Đó cũng là cơ sở cho việc thống nhất kiểm tra, kiểm soát, đề phòng và ngăn chặn phần tử xấu trà trộn trong các đoàn dân công để phá hoại và trộm cắp, đồng thời nhắc nhở mọi người có ý thức bảo mật, phòng gian.
Phong trào “phòng gian bảo mật”, “ba không” được phát động rộng rãi trong quần chúng. Dưới sự hướng dẫn của lực lượng Công an, quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác cách mạng, thực hiện giữ bí mật; tham gia nắm tình hình, phát hiện những người lạ mặt, theo dõi, giám sát các đối tượng phản động, những phần tử nghi gián điệp, do thám, chỉ điểm hoặc người có quan hệ với vùng địch; thông báo với lực lượng Công an để có biện pháp xử lý, điều chuyển số đối tượng nguy hiểm đến nơi khác, làm trong sạch địa bàn.
Công tác dân vận cũng được lực lượng Công an phát huy hiệu quả trong đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, góp phần giữ bí mật, bảo vệ an toàn cho chiến dịch. Nhiều toán gián điệp, biệt kích ngay khi vừa xâm nhập bằng đường bộ hoặc đường hàng không đã bị quần chúng phát hiện, báo cho lực lượng Công an, đồng thời cùng lực lượng Công an, Quân đội trực tiếp tham gia truy lùng, vây bắt, vô hiệu hoá. Qua đó, lực lượng Công an đã bóc gỡ toàn bộ mạng lưới gián điệp, chỉ điểm, do thám của địch cài cắm dọc hành lang các tuyến đường giao thông từ hậu phương lên mặt trận Điện Biên Phủ; chặn đứng việc địch điều tra, thu thập tình báo, phá hoại cầu cống, bến bãi, kho tàng, phương tiện vận chuyển, đánh phá cơ quan đầu não của ta. Điển hình là chuyên án TN25 đấu tranh với toán gián điệp biệt kích gồm 3 tên hoạt động ở khu vực Vĩnh Yên - Thái Nguyên, khống chế chúng để cung cấp tin giả cho địch, góp phần “vô hiệu hóa tai mắt của địch”, bảo đảm yếu tố bất ngờ, bí mật, an toàn các kế hoạch tác chiến của chiến dịch; đồng thời mở ra phương thức đánh địch mới “dùng người của địch đánh địch, dùng phương tiện của địch đánh lại địch”.
Với tinh thần dồn sức cho Điện Biên Phủ, “toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”(6). Yếu tố “lòng dân”, “thế trận lòng dân” và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy ở mức cao nhất. Đảng đã tổ chức cả nước thành một mặt trận, tạo nên thế trận “cả nước đánh giặc”, “trăm họ ai cũng là binh”. Cùng với thế trận chiến tranh nhân dân, nền an ninh nhân dân đã trở thành phòng tuyến bảo vệ thiết yếu, góp phần quan trọng chuẩn bị mọi tiềm lực vật chất, tinh thần phục vụ chiến dịch.
Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, công tác chính trị tư tưởng trong toàn lực lượng Công an đã được chú trọng, triển khai đồng bộ, tạo niềm tin, động lực cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời Bộ Công an huy động tối đa lực lượng tham gia bảo vệ chiến dịch. Ban Công an tiền phương trực thuộc Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương được thành lập, trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch. Ở một số tỉnh thuộc Tây Bắc cũng thành lập “Ban Công an tiền phương” cấp tỉnh.
Với khối lượng công việc đồ sộ phục vụ chiến dịch, trong thời gian ngắn, Bộ Công an, Ban Công an tiền phương đã huy động đông đảo cán bộ, chiến sĩ ở Công an các đơn vị, địa phương tham gia công tác bảo vệ trên mọi lĩnh vực, với nhiều nhiệm vụ cụ thể khác nhau, từ bảo vệ lực lượng trực tiếp chiến đấu, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân; bảo vệ bí mật quân sự, quá trình chuẩn bị chiến dịch; thuần khiết lực lượng tham gia phục vụ chiến dịch, thực hiện các biện pháp phản gián; bảo vệ lãnh tụ của Đảng, Nhà nước; bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, bến bãi, khu tập kết lực lượng, vũ khí, khí tài, bảo vệ hậu phương, khu vực giải phóng.
Thông qua công tác vận động quần chúng, cùng với các cấp, các ngành, Ban Công an tiền phương đã huy động người dân tham gia tải thương, tải đạn, bảo đảm giao thông vận tải, góp sức phục vụ chiến dịch. Nhân dân các dân tộc ở các địa phương, từng làng, bản, thôn, xóm đã phối hợp cùng lực lượng vũ trang chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ vùng tự do; tham gia thông tin, liên lạc, trinh sát. Nhân dân các địa phương đóng góp hàng chục nghìn tấn gạo, hàng nghìn tấn thực phẩm và hàng nghìn xe đạp thồ… Đồng bào Tây Bắc đã giao cả rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị thu hoạch, kịp thời bảo đảm lương thực trong chiến đấu.
Trong công tác hậu cần phục vụ chiến dịch, khó khăn lớn nhất là nguồn đảm bảo tại chỗ rất nghèo nàn, do đó ta phải huy động nguồn lực phục vụ chiến dịch trải dài trên nhiều địa phương, với số lượng dân công tham gia rất lớn(7). Tuyến vận tải dài qua nhiều tỉnh, địa hình phức tạp, địch vừa tập trung thu thập thông tin về ta vừa đánh phá ác liệt. Điều này làm cho công tác bảo vệ bí mật chiến dịch, phòng chống thương vong của lực lượng phục vụ chiến dịch rất khó khăn. Nhận thức rõ vấn đề, trên các tuyến đường giao thông huyết mạch lên Điện Biên Phủ, Ban Công an tiền phương đặt các đồn, trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại, tổ chức các đội tuần tra vũ trang kiểm soát trên mặt đường. Tại các tuyến đường chính có phương tiện ôtô vận tải, các trạm gác còn làm nhiệm vụ cảnh giới máy bay địch, đồng thời tiến hành kiểm tra hành chính để phát hiện kẻ gian, người lạ mặt; quản lý chặt chẽ những người làm nghề tự do, quán nước, nhà trọ nằm hai bên đường giao thông; tham gia ngụy trang bảo vệ cầu phà và đường dây thông tin liên lạc.
Đối với nhiệm vụ bảo vệ kho tàng, trạm trung chuyển, cán bộ chiến sĩ Công an đã phối hợp với bộ phận quân nhu, hậu cần quân đội tổ chức kiểm tra thuần khiết nội bộ, lựa chọn những người có lý lịch tốt, đạo đức liêm khiết làm công tác quản lý, bảo vệ. Các đồn, trạm Công an phối hợp với bộ đội, dân quân du kích thiết lập vành đai, thường xuyên tuần tra, canh gác xung quanh khu vực kho, kịp thời phát hiện những đối tượng phá hoại, phòng và chống cháy nổ; đồng thời phát động phong trào “Phòng gian bảo mật”, vận động nhân dân tham gia bảo vệ kho tàng, tài sản của Nhà nước.
Nhờ những biện pháp tích cực và chủ động, lực lượng Công an nhân dân đã xây dựng nền an ninh nhân dân với cơ sở là sức mạnh của quần chúng nhân dân, trong đó quân dân ý chí một lòng tích cực bảo vệ chiến dịch, bảo đảm bí mật và huy động tối đa mọi tiềm lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi thế, mặc dù trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có nhưng chính “thế trận lòng dân” vững chắc trên nền an ninh nhân dân gắn chặt với nền quốc phòng toàn dân đã trở thành một trong những vũ khí sắc bén trong cuộc quyết chiến chiến lược này. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân được đẩy lên một tầm cao mới, tạo nền tảng chính trị vững chắc, góp phần hóa giải khó khăn thành thuận lợi, trở thành sức mạnh để Điện Biên Phủ vang khúc ca khải hoàn. Bài học sâu sắc mà lực lượng Công an rút ra trong việc phát huy sức mạnh của quần chúng, xây dựng nền an ninh nhân dân là lực lượng Công an phải quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, nắm vững tình hình, bám sát địa bàn, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, coi trọng công tác vận động quần chúng. Đó là những yếu tố quan trọng để quy tụ lực lượng vật chất và tinh thần, tạo sức mạnh tổng hợp trong bảo đảm an ninh, trật tự.
3. Công cuộc đổi mới đất nước đã trải qua gần 40 năm và giành được những thành tựu to lớn. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước tiền đồ hết sức xán lạn. Tuy nhiên, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; những nhân tố tác động đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đang diễn biến rất phức tạp. Không chỉ trước đây mà sau này, xây dựng và phát huy sức mạnh của nền an ninh nhân dân luôn là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia. Phát huy tinh thần và ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ, để tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh, cần tập trung vào một số công tác trọng tâm sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể các cấp cần nhận thức thống nhất, đầy đủ tính chất, tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của việc xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, trong đó lực lượng Công an làm tham mưu, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện. Hằng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình mới.
Hai là, tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, bảo đảm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp có liên quan trực tiếp đến lợi ích chính đáng của người dân, góp phần củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các phương án, đề án, kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chính trị nội bộ, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần củng cố “thế trận lòng dân” gắn với thế trận an ninh nhân dân. Trong đó, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình phòng chống tội phạm giai đoạn 2021-2025; Đề án ngăn ngừa nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Đề án công tác công an bảo đảm an ninh, trật tự các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; Đề án xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng…
Ba là, để xây dựng, củng cố vững chắc nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên cơ sở nền tảng của “thế trận lòng dân” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, lực lượng Công an và Quân đội phải phát huy hơn nữa hiệu quả của mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng trên các lĩnh vực công tác. Trong đó đặc biệt chú ý đến yếu tố “lòng dân”, “thế trận lòng dân” để “thế trận lòng dân” trở thành sức mạnh nội sinh từ bên trong, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc nền an ninh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân; trên cơ sở đó phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là các địa bàn chiến lược; tuyến biên giới, biển đảo; vùng dân tộc, tôn giáo; các khu kinh tế tập trung, các đô thị lớn. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, cả ở thành thị, nông thôn, trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường… Đổi mới cả nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, nhằm khơi dậy ý thức, trách nhiệm và lôi cuốn nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận. Mọi lĩnh vực, hoạt động của công tác công an phải được thực hiện trên cơ sở công tác dân vận, giáo dục, thuyết phục nhân dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự. Trong công tác dân vận, lấy suy nghĩ, việc làm, hành động trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ làm cơ sở, nền tảng, phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân để vận động, thuyết phục, hướng dẫn nhân dân, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm.
Năm là, tiếp tục chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị. Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng người cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đó là vũ khí sắc bén, là nguồn sức mạnh bảo đảm cho lực lượng Công an vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chiến thắng “thù trong, giặc ngoài”, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch; hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn chặt với nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân để tạo thành thế trận tổng hợp vững mạnh đem đến thắng lợi trong chiến dịch này có giá trị hết sức to lớn và có ý nghĩa trường tồn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
(1) Điều 3, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.8.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.498.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.270.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157.
(5) Bộ Công an, Văn kiện Đảng, tập II (11/1946 - 7/1954), Ban Nghiên cứu tổng kết, 1965-1967, tr. 366-367.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.88.
(7) Dẫn theo: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam tập 11, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, tr.428: Số dân công được huy động phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ lên tới 33.500 người với hàng triệu ngày công.