Cảnh sát hình sự tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tỷ lệ điều tra phá án cao
Chiều 5/7, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát hình sự tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023. Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo hệ lực lượng tiếp tục tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch, điện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được tăng cường; tỷ lệ điều tra, khám phá cao, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2023, các nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm đã đặt ra nhiều thách thức đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Quán triệt Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ công tác năm 2023, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo hệ lực lượng tiếp tục tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch, điện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được tăng cường; tỷ lệ điều tra, khám phá cao, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Cảnh sát hình sự đạt tỷ lệ 73,84%. Lực lượng Cảnh sát hình sự đã điều tra, khám phá 18.880 vụ, bắt xử lý 40.297 đối tượng, đạt 82,66%; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90,73%; thụ lý, điều tra 44.217 vụ, 69.404 bị can; bắt, vận động đầu thú và thanh loại 1.491 đối tượng truy nã.
Về cơ bản, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ, các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn. Đã triệt phá 99 băng, nhóm tội phạm; trấn áp mạnh tội phạm liên quan hoạt động “tín dụng đen”; cưỡng đoạt tài sản; tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương đã phát biểu, tham luận liên quan đến công tác phối hợp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm; vi phạm pháp luật đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ công tác phòng, chống tội phạm; ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý cán bộ, nhận diện cũng như áp dụng pháp luật đối với tội phạm, điều tra khám phá tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá cao những chiến công, kết quả mà hệ lực lượng cảnh sát hình sự đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời, chia sẻ khó khăn, vất vả, nguy hiểm của hệ lực lượng phải đối mặt. Tuy nhiên, theo đồng chí Thứ trưởng, với bề dày truyền thống đầy tự hào, chưa bao giờ bị đối tượng khuất phục, hình ảnh, “thương hiệu” của lực lượng Cảnh sát hình sự Việt Nam được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, nhân dân mến yêu, tin tưởng…
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, lực lượng Cảnh sát hình sự cần tiếp tục bám sát chương trình, kế hoạch hành động, cùng với đó là quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà lực lượng CAND cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023; thực hiện có hiệu quả Phương án số 03, 06, Điện số 58 của Bộ về công tác phòng, chống tội phạm.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ rõ, hiện nay, tình hình tội phạm xuất hiện ở 3 phương thức: tội phạm truyền thống đang phức tạp, tội phạm truyền thống với công nghệ mới và tội phạm mới hoàn toàn. Do đó, lực lượng Cảnh sát hình sự cần tiếp tục chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, diễn biến hoạt động của các loại tội phạm; có giải pháp đấu tranh phù hợp hiệu quả ở từng địa bàn, bảo đảm giữ vững ANTT…
Đối với 9 nội dung trọng tâm trong thời gian tới của lực lượng Cảnh sát hình sự, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu, chú trọng 3 nhóm vấn đề: giỏi về nghiệp vụ, vững về pháp luật, nắm vững công nghệ và có văn hoá… Hệ lực lượng cần thống nhất về nhận thức, hành động và chỉ tiêu; nơi nào để xảy ra bị động, bất ngờ, xảy ra phức tạp trong phòng, chống tội phạm thì “Tư lệnh” ở đấy phải chịu trách nhiệm; nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm…