Cần lan tỏa rộng mô hình Đội công nhân xung kích
Đó là phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trong Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đội công nhân xung kích (CNXK) tự quản về an ninh, trật tự (ANTT) trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, diễn ra vào sáng ngày 19/7/2023 tại tỉnh Bình Dương.
Hội nghị do Bộ Công an phối hợp cùng Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Công an, Liên đoàn lao động Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng đại diện 31 đơn vị Công an các tỉnh, thành có nhiều khu, cụm công nghiệp với số lượng công nhân đông.
Đại tá Tạ Văn Đẹp, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương hiện có 41 khu, cụm công nghiệp, thu hút khoảng 39.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gần 48.500 doanh nghiệp trong nước, tạo việc làm ổn định cho khoảng 1,2 triệu người lao động.
Do người lao động đến từ nhiều vùng, miền có phong tục, tập quán khác nhau nên dễ nảy sinh mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội…Việc dân số cơ học tăng nhanh cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về ANTT. Tội phạm lợi dụng địa bàn có đông người nhập cư, khu vực giáp ranh để ẩn nấp, hoạt động.
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 100 vụ đình, lãn công trái luật. Mặc dù nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ kinh tế, mâu thuẫn nội bộ giữa công nhân và chủ doanh nghiệp (vấn đề tiền lương, chế độ, chính sách, bảo hiểm, chất lượng bữa ăn, điều kiện lao động…) nhưng do có đông người tham gia, tốc độ lây lan nhanh, nên dễ bị các thế lực thù địch kích động, xúi giục, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến gây rối ANTT.
Do vậy, công tác đảm bảo an ninh công nhân, an ninh doanh nghiệp luôn được Công an Bình Dương đặt lên hàng đầu và đề ra nhiều giải pháp phòng ngừa hiệu quả, trong đó điển hình là mô hình Đội CNXK tự quản về ANTT tại các doanh nghiệp.
Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thành lập 1.021 Đội CNXK trong và ngoài KCN với 19.390 thành viên tham gia. Đội CNXK hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, trong đó nhiệm vụ chính là lao động sản xuất, khi có yêu cầu của chủ doanh nghiệp hoặc các cơ quan chức năng thì các thành viên trong đội sẽ tham gia tuần tra, canh gác, phối hợp với lực lượng bảo vệ, Công an địa phương đảm bảo giữ gìn ANTT tại doanh nghiệp và ở địa phương nơi doanh nghiệp trú đóng theo đúng pháp luật.
Cũng trong giai đoạn 2018-2022, Đội CNXK trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương đã tổ chức 9.662 lượt tuần tra, canh gác bảo vệ tại doanh nghiệp; kịp thời cung cấp cho lực lượng Công an 3.239 tin có liên quan về ANTT; giải quyết hơn 1.182 vụ việc các loại; phối hợp tham gia chữa cháy trên 57 vụ cháy nhỏ; triển khai các biện pháp phòng ngừa không để xảy ra đình công tại 210 doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp.
Để hỗ trợ về chuyên môn, cơ quan Công an các cấp đã phối hợp cùng các ban ngành, địa phương và doanh nghiệp tổ chức 316 đợt tập huấn trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng cho 13.489 thành viên của Đội CNXK. Nhờ cách làm này đến nay đã có hàng trăm vụ mâu thuẫn trong công nhân và giữa công nhân với người bên ngoài được kịp thời ngăn chặn, hòa giải.
Trước đây, các doanh nghiệp chưa thành lập Đội CNXK có lúc xảy ra những vụ việc liên quan đến tình hình ANTT (trộm cắp tài sản, gây rối,…) nhưng từ khi thành lập Đội CNXK, số vụ trộm cắp tài sản giảm đáng kể. Có những công ty, doanh nghiệp trong suốt 5 năm liền không xảy ra vụ việc trộm cắp tài sản như Công ty TNHH Phú Xuân (TP Thủ Dầu Một), Công ty TNHH Đông Hưng, Công ty Eins Vina (TP Dĩ An), Công ty Kemn Kwang Vina (TX Bến Cát)…
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương có rất nhiều mô hình hay về ANTT như mô hình Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, Câu lạc bộ chủ nhà trọ, Dân quân thường trực mà đặc biệt nhất là Đội CNXK tự quản về ANTT trong doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Công an các đơn vị tham gia đã có nhiều tham luận trao đổi kinh nghiệm để xây dựng mô hình này ngày càng hoàn thiện hơn, nhân rộng ra toàn quốc. Từ các tham luận cho biết, ở các địa phương khác cũng có nhiều mô hình tương tự như Đội CNXK ở Bình Dương như: Mô hình “Tự quản trong sản xuất kinh doanh”, “Tổ công nhân tự quản về ANTT” ở tỉnh Ninh Bình; mô hình “Khu nhà trọ an toàn về ANTT” ở Quảng Nam; mô hình “4 không, đảm bảo ANTT tại doanh nghiệp” ở Bà Rịa- Vũng Tàu…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đánh giá cao mô hình Đội CNXK ở Bình Dương đã phát huy hiệu quả từ thực tế và cần được nhân rộng, lan tỏa trên toàn quốc. Bộ Công an phối hợp cùng Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức hội nghị này là để Công an các địa phương nơi có nhiều khu công nghiệp trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cách làm của tỉnh Bình Dương để xây dựng tốt mô hình này ở địa phương mình.
Đồng chí Thứ trưởng lưu ý, trong quá trình xây dựng mô hình, Công an các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, phân tích, đánh giá để các doanh nghiệp trong và ngoài nước thấy rõ được vai trò quan trọng của Đội CNXK trong việc ổn định phát triển sản xuất, đảm bảo ANTT trong doanh nghiệp. Để từ đó việc thành lập Đội CNXK hoàn toàn mang tính tự nguyện, tự giác và công nhân chính là người làm chủ, người thực hiện và cũng là người hưởng lợi từ mô hình này. Không để việc thành lập chạy theo thành tích, số lượng mà phải nâng tầm chất lượng, đi vào thực tế, giúp ích cho doanh nghiệp và công nhân.
Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng 4 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng mô hình Đội CNXK trong giai đoạn 2018-2022. Các cá nhân trong đó có ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương; ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP Tân Uyên; Thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp, Trưởng Phòng phong trào và bảo vệ anh ninh Tổ quốc; Thượng tá Hà Tấn Phú, Trưởng Công an TP Tân Uyên…
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tham dự hội nghị tham quan thực tế mô hình Đội CNXK tại Công ty Apparel Far Eastern (Việt Nam) ở khu công nghiệp Vsip 1 (TP Thuận An) và Công ty TNHH Rochdale Spears ở TP Tân Uyên.