Bộ Công an Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm cao của Interpol
Trong quá trình hơn 30 năm là thành viên của Interpol, Bộ Công an Việt Nam nói chung, lực lượng Cảnh sát Việt Nam nói riêng luôn thể hiện là một thành viên có trách nhiệm cao, có thiện chí hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Từ ngày 28/11 đến 1/12, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã tham dự Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 91 tại TP Vienna, Austria.
Trong thời gian tham dự kỳ họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã có các cuộc gặp, làm việc với Chủ tịch Interpol Ahmed Nasser Al-Raisi và Tổng Thư ký Interpol Jurgen Stock. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã gửi lời chúc mừng nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Tổ chức Interpol; bày tỏ sự tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch và Tổng Thư ký Interpol, Tổ chức Interpol sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh theo đúng các nguyên tắc sáng lập của Tổ chức.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đồng thời đề nghị Interpol tiếp tục hỗ trợ Bộ Công an Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực từ chia sẻ thông tin, điều phối hợp tác phòng, chống tội phạm cho đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ Công an Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, trong quá trình hơn 30 năm là thành viên của Interpol, Bộ Công an Việt Nam nói chung, lực lượng Cảnh sát Việt Nam nói riêng luôn thể hiện là một thành viên có trách nhiệm cao, có thiện chí hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Bộ Công an Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ với Interpol và lực lượng Cảnh sát các quốc gia thành viên trong xác minh, điều tra các vụ án, vụ việc có tính xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam và truy bắt đối tượng truy nã quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn cho xã hội và người dân trong khu vực cũng như trên thế giới.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đã có buổi làm việc song phương với Bộ trưởng Bộ An ninh Bosnia và Herzegovina, với Phó Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Hungary để tăng cường mối quan hệ đối tác sẵn có qua kênh Interpol, tranh thủ sự ủng hộ của hai nước trong công tác hợp tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của Việt Nam và đặc biệt là truy bắt, bàn giao đối tượng truy nã của Việt Nam.
Với chủ đề “Hôm qua, hôm nay và ngày mai”, Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 91 thu hút sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu đến từ 167 quốc gia thành viên Interpol và vùng lãnh thổ cùng các quan sát viên và đối tác của Interpol. Kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng khi Interpol tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức (1923-2023).
Tại Lễ khai mạc diễn ra chiều 28/11 (giờ địa phương), Đại hội đồng Interpol đã cùng đánh giá lại 100 năm với vai trò điều phối hợp tác Cảnh sát toàn cầu của Interpol và đưa ra những chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Trong 100 năm qua, Interpol đã trở thành một trong những tổ chức quốc tế liên chính phủ được công nhận rộng rãi nhất trên thế giới với 196 quốc gia thành viên khi chính thức kết nạp thêm một thành viên mới là Cộng hòa Palau tại Kỳ họp lần này, đồng thời thiết lập được sự hiện diện của mình trên phạm vi toàn cầu, cũng như luôn phát huy hiệu quả vai trò Trung tâm điều phối hợp tác Cảnh sát toàn cầu trong kết nối lực lượng Cảnh sát các quốc gia thành viên và hoạch định chiến lược về phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của thế giới.
Các công cụ và dịch vụ mà Interpol sử dụng để hỗ trợ Cảnh sát các quốc gia thành viên đã phát triển vượt bậc. Từ việc sử dụng mạng lưới phát thanh quốc tế (hệ thống liên lạc độc lập chỉ dành riêng cho các cơ quan Cảnh sát hình sự quốc gia vào năm 1935), đến nay Interpol đang sử dụng hệ thống liên lạc bảo mật kết nối tất cả các lực lượng Cảnh sát thành viên mang tên I-24/7. Hàng năm, hàng triệu tin nhắn được truyền qua hệ thống I-24/7.
Theo thống kê của Interpol, Cảnh sát các nước truy cập và tìm kiếm Cơ sở dữ liệu Interpol trung bình hơn 20 triệu lần mỗi ngày, tương đương 250 lượt tìm kiếm mỗi giây. Mặc dù thế giới đã trải qua những biến đổi sâu sắc trong thế kỷ qua, nhưng các nguyên tắc sáng lập của Interpol từ năm 1923 vẫn phù hợp trong bối cảnh ngày nay. Với khẩu hiệu “Kết nối Cảnh sát các quốc gia vì một thế giới hòa bình hơn”, Interpol hỗ trợ cho cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia trao đổi, chia sẻ, cập nhập thông tin về các loại tội phạm một cách nhanh chóng, qua đó xác định được xu hướng tội phạm, phân tích thông tin, tiến hành các hoạt động điều tra chung, truy bắt thành công nhiều đối tượng phạm tội trên thế giới.
Theo chương trình nghị sự, Đại hội đồng Interpol thảo luận, đánh giá tình hình tội phạm xuyên quốc gia trên thế giới và kết quả công tác hợp tác Cảnh sát toàn cầu trong năm 2023, đưa ra một số định hướng hoạt động của Interpol trong năm 2024 cũng như tầm nhìn, chiến lược đến năm 2030 trong phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia; những xu hướng mới nổi, những tác động và chuẩn bị cho tương lai, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tài chính, mua bán người, đưa người di cư trái phép,…
Đại hội đồng Interpol đã cho ý kiến đối với nhiều Nghị quyết quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác Cảnh sát quốc tế trong thời gian tới như các Nghị quyết về xây dựng, sửa đổi hoặc bổ sung một số quy định hoặc Điều lệ Interpol; sửa đổi Quy định về xử lý dữ liệu của Tổ chức; Ban hành Thông báo của Interpol để truy tìm và thu hồi tài sản; tăng cường ngăn chặn truyền bá các tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em; tăng cường các biện pháp điều tra, ngăn chặn và xử lý tội phạm môi trường.
Đại hội đồng cũng đã quyết định việc Ban Tổng thư ký Interpol ký Thỏa thuận hợp tác với Viện nghiên cứu chương trình vũ khí trong xung đột; trở thành Quan sát viên tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khi hậu, qua đó góp phần giúp Interpol tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế, tăng cường các nguồn lực trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong thời gian sắp tới.