Bàn giải pháp quản lý người bị kết án tử hình trong các trại tạm giam

Thứ Năm, 08/12/2022, 14:53

Hội thảo nhằm đánh giá thực tiễn trao đổi kinh nghiệm, trên cơ sở đó giúp lãnh đạo Bộ Công an và các đơn vị chức năng làm rõ những ưu điểm, hạn chế trong công tác quản lý người bị kết án tử hình, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.

Ngày 8/12, tại Học viện Cảnh sát nhân dân, Hội đồng lý luận Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học Công tác quản lý người bị kết án tử hình trong các trại tạm giam trong lực lượng CAND. Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Bộ Công an chỉ đạo Hội thảo.

Đại tá, TS Nguyễn Đăng Sáu, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân chủ trì Hội thảo.

Bàn giải pháp quản lý người bị kết án tử hình trong các trại tạm giam -0
Các đại biểu tại Hội thảo.

Dự Hội thảo có các đồng chí: Trung tướng, GS, TS Nguyễn Ngọc Anh, Ban chuyên đề, giúp việc Bộ trưởng; đồng chí Lương Minh Thống, Vụ trưởng Vụ 8, Viện KSND Tối cao; Thiếu tướng Lê Văn Tân, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an; Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng;  Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an một số địa phương…

Những năm qua, lực lượng  Cảnh sát quản lý trại giam đã và đang làm tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong công tác quản lý người bị kết án tử hình nhằm bảo đảm nghiêm minh của pháp luật,  góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; bảo vệ an toàn các trại giam, bảo đảm đúng quy trình công tác, thực hiện đúng các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người bị kết án tử hình.

Thời gian gần đây, trước diễn biến tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, công tác thì hành án hình sự nói chung và công tác quản lý giam giữ người bị kết án tử hình nói riêng sẽ đối mặt với những thách thức, khó khăn mới, đòi hỏi tất yếu cần phải được đánh giá một cách toàn diện về lý luận và thực tiễn công tác. Hội thảo nhằm đánh giá thực tiễn trao đổi kinh nghiệm, trên cơ sở đó giúp lãnh đạo Bộ Công an và các đơn vị chức năng làm rõ những ưu điểm, hạn chế trong công tác quản lý người bị kết án tử hình, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng mô hình tổ chức, nhiệm vụ của các trại giam; đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, kinh nghiệm trong quản lý người bị kết án tử hình; kinh nghiệm xây dựng pháp luật, quản lý bị án tử hình trên thế giới; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý người bị kết án tử hình…

Tham luận tại Hội nghị, Thiếu tướng Lê Văn Tân nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý bị án tử hình tại Trại tạm giam Bộ Công an; đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới, trong đó, kiến nghị cần sớm nghiên cứu mô hình nhà giam án tử hình kiểu mẫu sau đó đề xuất triển khai trên toàn quốc. Đại tá Nguyễn Văn Long chia sẻ khó khăn với các cơ sở giam giữ bị án tử hình bởi trách nhiệm nặng nề, áp lực lớn nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. “Trong tình hình cơ sở vật chất, cán bộ thiếu thốn, số bị án tử hình tiếp tục tăng lên nhưng công tác quản lý, giam giữ bị án tử hình ngày càng tốt hơn, không để xảy ra tình trạng trốn. Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương ưu tiên công tác quản lý tạm giữ, tạm giam, tăng cường biên chế, cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ… để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao” – Đại tá Nguyễn Văn Long cho biết.  

Bàn giải pháp quản lý người bị kết án tử hình trong các trại tạm giam -0
Bàn giải pháp quản lý người bị kết án tử hình trong các trại tạm giam -0
Bàn giải pháp quản lý người bị kết án tử hình trong các trại tạm giam -1
Một số đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Thượng tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc quản lý bị án tử hình vô cùng khó khăn, còn nhiều bất hợp lý trong công tác đào tạo, bố trí cán bộ và cơ sở vật chất phục vụ giam giữ. “Quản lý bị án tử hình vất vả hơn rất nhiều so với các công tác khác. Chính vì vậy, theo tôi, quan trọng là phải đầu tư đồng bộ các mặt công tác từ cán bộ, cơ sở vật chất vì nếu hổng khâu nào thì cũng sẽ gánh hậu quả rất lớn. Chính vì vậy, tôi đề nghị đầu tư  một lúc chứ không thể làm dần dần, từng bước” – Thượng tá Nguyễn Thuận cho biết.

Đại tá  Vũ Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, đơn vị đang quản lý 186 bị án tử hình, trong đó đa phần phạm các tội về ma tuý. Ngoài ra, có nhiều đối tượng trong các vụ án ma tuý chưa xét xử đang bị khởi tố khoản 4 – mức án cao nhất là tử hình. Chính vì vậy, để giảm số người bị kết án tử hình, cần kiến nghị giảm mức án cho nhóm đối tượng vận chuyển ma tuý thuê, không tham gia đường dây; tạo công ăn việc làm để bà con không tham gia các đường dây ma tuý…

Bàn giải pháp quản lý người bị kết án tử hình trong các trại tạm giam -0
Các đại biểu dự Hội thảo.

Trung tướng, GS, TS Nguyễn Ngọc Anh phát biểu, nhất trí với các ý kiến đề xuất cần rà soát khu vực  giam giữ nói chung và nơi giam giữ bị án tử hình, từ đó xây dựng mô hình phòng giam mẫu để triển khai trong cả nước; rà soát chế độ chính sách đối với CBCS trong lực lượng Cảnh sát trại giam; xây dựng hệ thống giáo trình đào tạo bài bản, sát thực tế, có chỉ tiêu đào tạo phù hợp; sớm tổng kết Luật Thi hành án hình sự để rút ra bài học thực tiễn…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Đại tá Nguyễn Đăng Sáu đánh giá Hội thảo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, các đại biểu đã chỉ rõ được các khó khăn, bất cập trong công tác; yêu cầu đơn vị chức năng tập hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tháo gỡ. Trong đó, rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật và văn bản hướng dẫn về công tác này, những gì còn bất cập thì đề xuất, kiến nghị; đánh giá tổng thể thực trạng, chức năng nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng Cảnh sát trại giam; đề xuất Bộ cho chỉ tiêu đào tạo cán bộ chuyên ngành quản lý trại giam…

Phương Thuỷ
.
.