4 bộ ký Quy chế phối hợp phòng, chống mua bán người
Chiều 18/7, 4 cơ quan gồm: Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ Ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Dự lễ ký kết có đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. Tham dự và chứng kiến lễ ký kết còn có đại diện nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Những năm gần đây, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tập trung chủ yếu ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, Cận Đông và châu Á - Thái Bình Dương. Nạn nhân là những người dễ bị tổn thương, bao gồm người di cư, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi hoặc xuất thân trong các gia đình nghèo khổ, bất hòa. Các nạn nhân mua bán người phần lớn bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động và một số bị ép buộc tham gia các nhóm vũ trang.
Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng nạn mua bán người, như: Tình trạng di cư, phân hóa giàu nghèo, bất ổn kinh tế, chính trị, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; sự phát triển không gian mạng và các nền tảng kỹ thuật số đang tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người; chính sách mở cửa, hội nhập toàn cầu tạo cơ hội cho những kẻ mua bán người di chuyển và đưa dẫn nạn nhân qua biên giới một cách dễ dàng, an toàn dưới danh nghĩa hợp tác làm ăn, thăm thân, du lịch. Gần đây, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Việt Nam luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt. Bên cạnh việc thực thi các quy định của pháp luật, Chính phủ còn ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn các vấn đề về phòng, chống mua bán người. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Công ước Liên hợp quốc, Công ước ASEAN, Nghị định thư và các Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước liên quan về phòng, chống mua bán người.
“Qua gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và cộng đồng, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Lực lượng Công an phối hợp với Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai nhiều kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm; hàng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tội phạm mua bán người xảy ra ở hầu hết các địa bàn từ thành thị, tới nông thôn hay vùng sâu hẻo lánh. Phương thức thủ đoạn cũng rất tinh vi, núp bóng trá hình dưới nhiều hình dạng như: “cho nhận con nuôi”, “kết hôn có yếu tố nước ngoài”, “đẻ thuê”, “cho, hiến tạng”, “xuất khẩu lao động”, “vượt biên trái phép lao động tự do”… Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chủ yếu là sang các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam (80%). Số còn lại sang một số nước bằng đường bộ, đường không và đường biển nên công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý còn gặp nhiều khó khăn trở ngại.
“Trước tình hình trên, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chủ động tham mưu ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Qua đó, từ năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ cho hàng nghìn nạn nhân bị mua bán. 100% nạn nhân sau khi tiếp nhận được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ”, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng đánh giá việc ký kết Quy chế phối hợp liên Bộ là rất đúng, rất trúng và rất kịp thời. Quy chế phối hợp là cơ sở để phối hợp toàn diện hơn, thường xuyên hơn, hiệu quả hơn đối với công tác này.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết thêm, ngay sau lễ ký kết này, Bộ Công an sẽ chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các nội dung. Đồng thời với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm mua bán người của Chính phủ, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các địa phương tham mưu bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cần thiết cho công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”, nhất là trong quá trình tham mưu sửa đổi, bổ sung Phòng, chống mua bán người.