TikTok và nỗi lo giới trẻ bị đầu độc

Thứ Hai, 20/12/2021, 22:09

Mỗi video chỉ khoảng vài chục giây nhưng sức truyền đạt thông tin, hình ảnh bắt mắt, nhạc nền hay khiến TikTok đang là một ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới. Nhưng bên cạnh đó, TikTok lại ẩn chứa không ít sản phẩm độc hại, nhảm nhí, có nội dung tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên, trẻ em.

Bùng nổ người dùng TikTok tại Việt Nam

Theo thống kê, lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này. Với sự phát triển mạnh mẽ như vậy, trẻ em rất có thể bị rơi vào “ma trận” của những video không được sàng lọc. Bất kỳ ai cũng có thể tải ứng dụng TikTok, thậm chí dễ dàng trở thành một TikToker chính hiệu.

Là phụ huynh đang có 2 con gái (đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ đang học lớp 2) rất mê TikTok, anh Lê Văn Bình (Hà Đông, Hà Nội) cũng không giấu được sự lo lắng. Anh chia sẻ: “Quả thực nếu như TikTok có sự quản lý về nội dung thì cũng rất hay, tôi thấy hai con của tôi có thể học được những điệu nhảy, hay cách sáng tạo đồ vật trên đó. Tuy nhiên, cũng không ít những video có hình ảnh khiêu dâm, bạo lực, thậm chí có cả những trò thử thách ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em. Nếu mình không giám sát được suốt quá trình xem của các con thì thực sự quá nguy hại”.

TikTok và nỗi lo giới trẻ bị đầu độc -0
Nếu không kiểm soát được, TikTok chính là mối nguy hại với trẻ em

Cũng giống như anh Bình, chị Lê Thanh Huyền (38 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), có con trai đang học lớp 9 cũng suốt ngày lướt TikTok. Chị bảo, giờ con học online ở nhà nên không thể nào kiểm soát được con xem những gì. “Có lần tôi về nhà thấy hai má con mình tím bầm. Tôi lo lắng hỏi con bị làm sao thì nó hồn nhiên trả lời: “Con học trên Tik Tok. Cái chú đấy bảo là các bạn cứ thử lấy hai ngón tay kẹp mạnh lên má sẽ có kết quả bất ngờ”. Và thế là kết quả bất ngờ của con tôi là hai má tím bầm như bị đánh”, chị Huyền kể lại.

Mới đây, trang Q&Me đã công bố nghiên cứu rằng, thói quen của người dùng Việt Nam trong thời gian dịch bệnh có sự thay đổi lớn. Cụ thể, với giới trẻ họ dành nhiều thời gian xem video trực tuyến trên Youtube và TikTok, xu thế chuyển nhiều hơn cho việc xem TikTok. Trong khi đó người lớn dành nhiều thời gian rảnh cho Zalo sau Facebook.

Còn theo báo cáo mới nhất của We Are Social, TikTok được tìm kiếm nhiều thứ 5 trên YouTube sau các từ khóa “phim”, “nhạc”, “remix” và “karaoke”. Theo đó lượng người dùng ứng dụng TikTok trên 18 tuổi tại Việt Nam 39,65 triệu người, tức đã tăng thêm hơn 5,4 triệu người dùng chỉ trong một thời gian khá ngắn. Con số 39,65 triệu cũng đưa Việt Nam lên vị trí thứ 6 toàn cầu về lượng người dùng TikTok sau các quốc gia Mỹ, Indonesia, Brazil, Nga, Mexico.

Trong các ứng dụng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất Việt Nam, TikTok đứng vị trí thứ 6 với tỉ lệ 47,6% (tức khoảng 34,2 triệu người dùng) nhưng nếu xét xếp hạng lượt tải về tại Việt Nam thì TikTok xếp số 1.

Tuy nhiên, số người dùng thực tế tại Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều bởi TikTok cho người dùng từ 13 tuổi được đăng ký mở tài khoản. Số người dùng trong khoảng 13 - 18 tuổi tại Việt Nam được nhiều chuyên gia trong ngành ước đoán rất nhiều.

Tràn lan những video rác

Chẳng khó khăn gì để chúng ta tìm được những video có nội dung “người lớn” trên TikTok. Đó là những clip mà người chơi cố tình khoe những điểm nhạy cảm trên cơ thể, nhảy những điệu khêu gợi. Điều đặc biệt, người thực hiện còn là những bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.

TikTok và nỗi lo giới trẻ bị đầu độc -0
Trào lưu bẻ tay trên TikTok cũng được nhiều chuyên gia cảnh báo nếu làm không đúng sẽ phải gánh hậu quả khôn lường

Không những vậy, trên thế giới TikTok còn có cả những video kiểu: “Mẹ đơn thân, cần tìm người tâm sự. Ai hợp thì nhắn cho mình…”; hoặc: “Gái xinh cần tìm người đỡ đầu, đảm bảo nhìn ngoài như video…”. Bên cạnh đó là những video bán hàng, bán mỹ phẩm, thậm chí bán đồ chơi tình dục, thuốc kích dục. Một điều nguy hiểm hơn là nhan nhản các video thách thức người chơi như: thả rắn đồ chơi điều khiển từ xa vào váy phụ nữ; #FrozenHoneyChallenge (tạm dịch: Thử thách mật ong đông lạnh).

Cho đến nay trò “Thử thách mật ong đông lạnh” đang thu hút khoảng 900 triệu lượt xem. Được biết, thử thách này bắt đầu từ đầu tháng 7 do một TikToker có tên Dave Ramirez đăng tải lên, ghi lại cảnh mình dùng hai tay bóp chặt một chai mật đông lạnh. Thứ nước mật ong màu vàng óng chảy ra và Dave đưa vào miệng thưởng thức. Anh nhận thấy hương vị của chúng rất ngọt ngào, hấp dẫn như ăn thạch.

Tuy nhiên, khi học theo trào lưu này nhiều người đã tự pha chế theo công thức của riêng mình. Người tự pha chế sirô ngô và kẹo để tạo ra hỗn hộp giống mật ong đông lạnh, người khác lại cho thêm phẩm màu hoặc kẹo vào, thậm chí còn cho tương ớt hay trà sữa. Sau khi trend này trở nên nổi tiếng, những người thực hiện thử thách đưa ra nhiều ý kiến khá đa dạng. Nhiều TikToker nhận xét hương vị món ăn này khá mới lạ và hấp dẫn, nhưng cũng có người cảm thấy buồn nôn, thậm chí bị đau bụng và tiêu chảy sau khi ăn.

Ngoài ra, còn nhiều trào lưu xấu vẫn đang lưu hành trên TikTok trong thời gian vừa qua như: “Ăn cà rốt chấm mù tạt để giảm cân”, “Tự tẩy trắng răng tại nhà bằng banking soda…”.

Một trào lưu cũng “làm mưa làm gió” trên TikTok gần đây chính là “Bẻ xương khớp trị đau”. Với đủ tư thế kiểu nắn chỉnh xương khớp được các “bác sĩ online” thực hiện rất hấp dẫn, tạo ra những âm thanh rắc rắc. Dù có người sợ nhưng cũng không ít bạn trẻ thấy kích thích và hưởng ứng, xem nó như một trào lưu mới, thử thách đầy thú vị. Chính điều này mà ngày càng nhiều các clip bẻ xương khớp xuất hiện với mục đích tham gia thử thách, biểu diễn, câu view. Mặc dù đây chỉ là những video vô bổ của các TikToker nhưng cũng nhận được vô vàn bình luận kiểu như: “Mình bị thoát vị địa đệm có chữa được ko?”, “Cho mình xin địa chỉ để đến chữa bệnh thoái hóa đốt sống”, “mình bị vẹo cột sống, thầy có chữa được cho mình không?”…

Các bác sĩ chuyên ngành xương khớp cho rằng, phương pháp bẻ xương khớp được dùng rất nhiều trong vật lý trị liệu. Tuy nhiên không phải bất kỳ tình trạng nào của xương khớp cũng có thể dùng phương pháp này được. Đặc biệt phải là những người có chuyên môn, được đào tạo mới có thể thực hiện đúng kỹ thuật chuyên môn.

Bác sĩ Vũ Văn Khánh, Viện y Học cổ Truyền cho hay: “Tiếng rắc rắc phát ra là do dịch chuyển của các khớp đi lệch ra khỏi hoặc trở về vị trí bình thường. Khi nắn chỉnh xương khớp, tiếng kêu này không thể hiện tính hiệu quả. Các bệnh nhân có bệnh về xương khớp nhất định phải đến các cơ sở y tế có chuyên môn đề khám và điều trị. Tuyệt đối không được làm theo những hướng dẫn trên mạng xã hội nếu không muốn gánh hậu quả sau này”.

Với những người nghiền TikTok không lạ gì Fanpage VIETNAM ANTI TIKTOKER với hơn 184 nghìn thành viên. Đây là một page tập hợp những video rác của các TikToker. Lướt một vòng Fanpage này chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi những video được điểm mặt tại đây. Những video tục tĩu, bậy bạ mà các TikToker đăng tải khiến người xem không khỏi đỏ mặt. Đó là hình ảnh phản cảm, hở hang mà bất cứ ai nhìn cũng phải bàng hoàng.

Một tài khoản TikTok khác có tên Thuynguyen đăng tải đoạn video khoảng 30 giây dạy cách dưỡng da mà không ít người rùng mình. TikToker này có cầm một cốc chứa chất dịch, mà theo người này đó là... tinh trùng. Sau vài câu giới thiệu, TikToker dùng ngón tay bôi chất dịch này lên mặt… hình ảnh khác choán vào là một làn da mịn màng sau khi sử dụng. Tài khoản Hùng Nguyễn bình luận: “Cứ bất chấp để câu view thế này thì hỏng hết cả một thế hệ. Cháu bé thực hiện clip chắc cũng chỉ 16 tuổi, bố mẹ cháu đâu mà không dạy bảo?”.

TikTok và nỗi lo giới trẻ bị đầu độc -0
Trào lưu ăn mật ong đông lạnh thu hút hàng triệu lượt người theo dõi

Hay một đoạn video thu hút khác khi một cô gái trẻ dùng nhạc nền bốc lửa sau đó bất ngờ kéo hở hẳn bộ ngực của mình ra, trên môi phì phèo điếu thuốc lá. Chỉ một đoạn video khoảng 30 giây nhưng thu hút hàng trăm nghìn lượt thả tim, kèm theo hàng nghìn bình luận tục tĩu, chửi thề.

Trước những “ma trận” video mà TikTok bày ra rất dễ trẻ em có thể tiếp cận được, khi ấy hậu quả thực sự là khôn lường. Theo báo cáo tại Việt Nam người dùng TikTok chủ yếu là học sinh, sinh viên từ 13 – 24 tuổi. Chính vì vậy thách thức về nội dung vừa hấp dẫn lại phù hợp với lứa tuổi luôn đè nặng lên nhà quản lý của TikTok. Trước đây, Mỹ và Ấn Độ đã có những cáo buộc, TikTok đã có những động thái đầu tiên như đưa ra những điều khoản riêng cho người dùng nhỏ tuổi như cơ chế liên kết tài khoản gia đình Family Pairing. Ngoài ra, những tài khoản có thông tin từ 13 - 15 tuổi cũng sẽ được mặc định ở chế độ riêng tư và tắt những tính năng đề xuất, livestream và nhận tin nhắn. Tuy nhiên, những điều khoản này chỉ hữu dụng khi người dùng khai báo thông tin trung thực, việc kiểm soát và đảm bảo đúng độ tuổi là rất khó.

Đã có những lo ngại về nội dung không được kiểm soát, đại diện TikTok tại Việt Nam khẳng định rằng “an toàn của người dùng luôn được đưa lên hàng đầu”. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh rằng, TikTok chưa sàng lọc kỹ nội dung – đã có không ít các nội dung đang vô tình lan truyền những xu hướng nguy hiểm cho nhóm đối tượng dưới 18 tuổi.

Việc TikTok mang đến nhiều lợi ích như tính giải trí cao, cập nhật tin tức xã hội, xu hướng nhanh là không thể phủ nhận. Tuy nhiên đối với trẻ em thì cần phải xem xét lại, cần phải cho trẻ hiểu và phân biệt được đâu là nội dung phù hợp. Đây là việc làm không hề dễ dàng đối của cha mẹ và cả TikTok.

Phó giáo sư – tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học cho biết: “Bên cạnh những sáng tạo và tiện ích mà Tiktok mang lại thì nó vẫn tồn tại những mặt trái khác. Chính sự tiện dụng, hay ho và dễ làm khiến ai cũng có thể trở thành Tiktoker. Tuy nhiên, nhiều người chỉ vì muốn nổi tiếng đã không ngại ngần làm ra những video nhảm nhí, phản cảm. Hiện nay, số lượng trẻ em xem Tiktok là rất nhiều nhưng chính những người sáng lập ra Tiktok vẫn chưa thể đưa ra được những biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết triệt để hoặc hạn chế tối đa những video mang tính độc hại. Các bậc phụ huynh cần giám sát chặt chẽ việc con cái mình sử dụng ứng dụng này. Có thể bằng cách như thường xuyên xem lại lịch sử Tiktok mà con mình đã xem trên smartphone hay máy tính. Từ đó định hướng cho con xem những thứ vui vẻ, hữu ích”.

Minh Trí
.
.
.