"Bom" hàng đi chợ hộ: Hành động vô ơn phải bị loại trừ!

Thứ Ba, 07/09/2021, 08:55

Việc tổ chức đi chợ hộ của các cơ quan đoàn thể, tập thể, cá nhân trong mùa dịch giã khó khăn hiện nay là biện pháp hết sức cần thiết giúp người dân yên tâm ở nhà thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ cao. Song cũng có không ít trường hợp đặt đơn nhưng không nhận khiến đơn vị mua hàng giúp phải “ôm xô”.

Rất nhiều người đã lên án gay gắt và cho rằng trong lúc những người ở tuyến đầu đang phải hy sinh, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để giúp đỡ, bảo vệ cho người dân sớm vượt qua đại dịch thì lại có kẻ cố tình phá hoại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chống dịch nên cần phải xử thật nghiêm.

a1.jpg -0
Cán bộ Công an phường 1, quận Tân Bình đi chợ giúp dân.

Từ chối nhận hàng trăm đơn hàng trong ngày

Chị Nguyễn Thùy ở phường Linh Trung, TP. Thủ Đức cho biết, kể từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, chị gửi 2 con nhỏ cho người em chăm sóc để tham gia công tác tình nguyện đi chợ hộ do phường tổ chức. Mặc dù các Ban, ngành như Mặt trận Tổ quốc, thanh niên, phụ nữ… đã phối hợp liên kết chặt chẽ với hệ thống siêu thị cung cấp hàng trăm đơn hàng mỗi ngày và tất cả đều được giao ngay trong ngày, nhưng vẫn gặp một số trường hợp khi mang hàng hóa đến thì chê là giao chậm và đã đặt chỗ khác  rồi nên không nhận; số khác thì bảo không đặt....

Có ngày, cuối chuyến giao hàng, chị nhận 5 túi thực phẩm, mỗi túi có giá dao động từ 500.000-700.000 đồng về giao cho những người ở cùng khu phố và chỉ có 2 người bảo không đặt nhưng nể vì quen biết nên mua giúp, còn 3 người khác tắt điện thoại khiến chị phải bỏ tiền túi mua lại rồi mang về tặng cho mấy gia đình công nhân thuê nhà.

Trước đó, trong lần đi giao hai phần nhu yếu phẩm theo đơn đặt hàng cho một hộ gia đình ở chung cư, khi đến nơi mới phát hiện căn hộ này chưa hoàn thiện, không có người ở, đến khi xác định được người đặt đơn hàng đang ở một căn hộ khác nhưng tắt điện thoại và khóa chặt cửa để từ chối nhận hàng.

Cũng theo chị Thùy, không chỉ từ chối nhận hàng đi chợ hộ, hàng từ thiện cũng bị “bom”. Cụ thể vào ngày 22-8, sau khi nhận cuộc gọi nói nhà có người già neo đơn cần tiếp tế gấp, chị Thùy lấy xe gắn máy mang túi quà gồm gạo thơm, dầu ăn, nước mắm, trứng, thịt… tìm đến địa chỉ, nhưng đến nơi chị thấy choáng ngợp bởi đó là căn biệt thự rộng hàng ngàn mét vuông. Tần ngần một lúc, chị quyết định vẫn bấm chuông và từ bên trong, người giúp việc đi ra đưa tấm giấy ghi: “Xin lỗi. Chỉ gọi thử xem có từ thiện thật hay chỉ nói suông”.

Một địa bàn khác ở TP. Thủ Đức cũng xảy ra tình trạng từ chối nhận hàng đi chợ hộ với số lượng lớn, đó là phường An Phú. Theo Phó chủ tịch phường Nguyễn Văn Hải, sau thời gian vận động các nhà hảo tâm tặng nhu yếu phẩm cho người dân, ngày 27-8-2021, phường chuyển sang thực hiện việc đi chợ hộ.

Nhưng ngay ngày giao hàng đợt đầu tiên cho người dân thì có đến trên 100 đơn hàng mang đến địa chỉ nhưng không có người nhận, gọi điện thoại thì tắt máy. Nhiều lần liên lạc không được, đến 23 giờ đêm, ông quyết định cùng nhân viên đi tới các chung cư, nhà dân có nhu cầu để sang nhượng lại số hàng hóa nhằm gỡ gạc chút vốn tiếp tục mua hàng cho người dân, số còn lại, mỗi nhân viên bỏ tiền mua 1-2 phần mang về nhà.

Cũng theo ông Hải, việc không nhận hàng không chỉ xảy ra ở phường ông mà một số lãnh đạo ở các phường trên địa bàn cũng gọi điện cho ông than thở và địa bàn bị từ chối ít nhất cũng hơn chục phần. Có người gọi điện tới thì tắt máy, có người trả lời không đặt nữa, có người lại nói đặt thử xem chứ không mua…

Không chỉ ở TP. Thủ Đức, mà một số địa bàn khác như quận 1,3,5,8,10,12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình… cũng xảy ra tình trạng đặt đi chợ hộ rồi không nhận hàng. Điển hình vào ngày 27-8-2021, tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, có khoảng 30 đơn hàng người dân đặt mà không lấy. Khi gọi tới thì một vài số điện thoại không bắt máy, những trường hợp còn lại thì nói không đặt.

Theo một cán bộ đoàn phường An Lạc, quận Bình Tân, hiện nay việc đi chợ hộ, người đăng ký mua hàng chủ yếu qua phiếu, tin nhắn, phường bỏ tiền ra mua, khi đến nơi giao mới  nhận tiền, không có  sự ràng buộc cụ thể nào nên nhiều người có tâm lý muốn mua nhanh đã hủy đơn hàng, một số khác có ý đồ không tốt nên sau khi đặt thì tắt máy điện thoại.

Để hạn chế tình trạng này, địa phương đã chủ động yêu cầu người dân khi đặt đơn hàng, nếu theo combo thì sau khi đặt xong phải thanh toán trước bằng cách chuyển khoản cho cán bộ hoặc nhân viên cửa hàng phụ trách, trường hợp đặt đơn không theo combo thì phải đặt cọc số tiền tương ứng 2/3 giá trị/ và người dân khi đặt đơn hàng chỉ gọi hoặc nhắn tin vào số điện thoại do phường công bố nhằm tránh tình trạng lừa đảo.

Một địa phương khác là phường 1, quận Tân Bình lại chọn cách phối hợp chặt chẽ với Công an phường và các tổ trưởng dân phố để khi nhận đơn hàng ghi trực tiếp trên giấy hoặc tin nhắn thể hiện tên người và địa chỉ thì cán bộ Cảnh sát khu vực và tổ trưởng dân phố sẽ thẩm định lại thông tin xem có chính xác về người và địa chỉ hay không rồi mới đến siêu thị đặt mua.

Trường hợp nào thông tin chưa rõ ràng thì gọi điện thoại lại để xác định và nếu gọi nhiều lần không nghe hoặc tắt máy thì hủy ngay đơn hàng đó. Bên cạnh đó, cán bộ Công an phường cũng chia sẻ việc nhận và thẩm định thông tin, chốt đơn hàng, phân loại, đi mua mang về tự đi giao trực tiếp cho các hộ dân rồi nhận tiền nên vừa đảm bảo giao hàng trong ngày, vừa giảm thiểu tình trạng đặt đơn nhưng không nhận.

Ông Nguyễn Công Chánh, Phó chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết, tính đến ngày 28-8-2021, đã có 8/11 phường trên toàn quận có việc người dân đặt hàng rồi nhưng không nhận, có phường bị đến 30 đơn trong một ngày, một số phường khác cũng trên chục đơn, có nơi cán bộ phường phối hợp cùng với công an, quân đội đi giao hàng ngay trong tối nhưng rồi phải mang hàng quay ngược trở về…

Cần xử lý nghiêm!

Việc một số người dân đặt đơn hàng đi chợ hộ nhưng sau đó không nhận hoặc tắt máy không nghe điện thoại đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Đặc biệt đông đảo người dân còn đề nghị cơ quan thực thi pháp luật cần phải xử lý trách nhiệm hình sự vì đây là hành vi phá hoại gây cản trở đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Luật sư Nguyễn Minh Đức – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Mặc dù theo công văn khẩn do Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoà Bình vừa ký ban hành trong đó có việc giao Công an thành phố thống nhất với Sở Công Thương về phương án hoạt động của lực lượng shipper (chỉ hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức), cấp bổ sung 20.000 giấy đi đường cho nhân viên hệ thống bán lẻ để bổ sung thêm lực lượng đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang triệt để thực hiện giãn cách xã hội và chính quyền các địa phương triển khai rất tích cực mô hình đi chợ giúp dân để đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của người dân là hết sức quan trọng và rất cần thiết phải duy trì. Việc một số người cho rằng đặt thử xem có đi chợ hộ thật không chứ không có nhu cầu mua hàng hóa là suy nghĩ lệch lạc, thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và tâm lý của những người ở tuyến đầu.

Tuy chưa đủ yếu tố để xử lý trách nhiệm hình sự, nhưng trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay, việc người dân gửi đơn hàng đi chợ hộ viết bằng giấy hay nhắn tin qua điện thoại đến cán bộ cơ sở là đủ điều kiện cho một giao dịch nên đề nghị cơ quan Công an và chính quyền địa phương cần nghiêm khắc xử phạt vi phạm hành chính và cảnh cáo để làm gương cho người khác.

Đức Cương
.
.
.