Bát nháo thị trường thuốc điều trị COVID-19

Thứ Sáu, 14/01/2022, 20:55

Thời gian vừa qua số ca mắc COVID-19 tại cộng đồng trên địa bàn TP Hà Nội tăng mạnh. Chính vì thế nhiều người tự tìm cho mình thuốc phòng, điều trị COVID-19. Nắm bắt được nhu cầu đó, rất nhiều loại thuốc được quảng cáo là hàng xách tay, thuốc nam được rao bán rầm rộ trên khắp các trang mạng xã hội.

Điều đặc biệt là các loại thuốc xách tay hay thuốc nam này chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép lưu hành nhưng vẫn ngang nhiên buôn bán, thậm chí có dấu hiệu “cháy hàng” trên thị trường.

“Nếu thuốc được cấp phép thì nhà thuốc nào cũng có”

Trở thành F1 vì có lịch sử tiếp xúc với F0 ở cùng công ty, chị Nguyễn Thị Minh (ở Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) vô cùng lo lắng về nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Những ngày cách ly tại nhà, cùng với việc tích cực thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, xông, xịt mũi họng, chị Minh lên mạng tìm hiểu thấy nhiều nơi rao bán thuốc uống phòng và điều trị COVID-19 của Nga nên sẵn sàng bỏ ra gần 3 triệu đồng để mua dự trữ “nếu chẳng may mắc COVID-19”. Chị Minh chia sẻ: “Thực ra số tiền cũng không quá lớn, tôi mua phòng thân cho chắc. Tôi nghĩ thuốc nước ngoài chắc là tốt nên cứ mua mà không cần hỏi bác sĩ hay dược sĩ tư vấn”.

Bát nháo thị trường thuốc điều trị COVID-19 -0
Cơ quan chức năng liên tục thu giữ các loại thuốc chữa COVID-19 không rõ nguồn gốc

Còn chị Nguyễn Thị Hòa (Đông Anh, Hà Nội) cho hay: “Thực sự cho đến giờ tôi vẫn không thể tin mình và cả gia đình đều dương tính với COVID -19. Khi ấy tôi rất sợ, vì trong nhà hai cháu nhỏ cũng dương tính, tôi luôn cảm giác sự quan tâm của y tế địa phương là chưa đủ nên tôi đã lên mạng xã hội tìm thuốc điều trị COVID -19 tại nhà. Khi tìm thuốc trên mạng xã hội tôi thấy vô cùng hoang mang vì có rất nhiều loại dược chào bán. Từ thuốc xách tay của nước ngoài cho đến các bài thuốc nam gia truyền. Tôi đã quyết định mua một loại thuốc có xuất xứ từ Nga, do không biết tiếng Nga nên người bán đã hướng dẫn tôi sử dụng”.

Sau khi chị Hòa mua khá nhiều loại thuốc này về thì cán bộ y tế tại địa phương khuyên không nên tự ý sử dụng. Bởi loại thuốc này là hàng xách tay, tức là được nhập khẩu theo đường không chính ngạch, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Nếu sử dụng rất có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. “Cũng vì tâm lý hoang mang lo lắng nên tôi đã bỏ một khoản tiền không hề nhỏ để mua thuốc về điều trị cho cả gia đình”, chị Hòa chia sẻ.

Vẫn là tâm lý lo lắng khi có người thân mắc COVID -19, chị Lê Minh Hằng (Hà Đông, Hà Nội) cũng đã đánh liều mua thuốc điều trị của Trung Quốc được bán trên mạng cho mẹ uống. Chị Hằng kể: “Từ khi mẹ tôi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID -19 tôi rất lo lắng dù mẹ chỉ hơi đau họng, mệt nên không được kê đơn thuốc gì, chủ yếu dùng các loại vitamin để tăng đề kháng. Tôi lo mẹ có biến chứng nặng nên đã tự mua thuốc cho mẹ uống. Liều dùng thì do người bán thuốc hướng dẫn”.

Quả thực, chỉ cần lên mạng xã hội gõ từ khóa “thuốc điều trị COVID-19” sẽ cho hàng nghìn kết quả. Đó là những tài khoản cá nhân, fanpage quảng cáo rầm rộ các loại thuốc điều trị COVID-19 có xuất xứ từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… Một tài khoản Facebook có tên “Le Van Thang” rao bán công khai đủ loại thuốc xách tay từ Nga về, thậm chí bán theo “combo” như: Thuốc dự phòng virus Arbidol được cho là uống phòng chống khi tiếp xúc với F0, có thể uống trong thời gian điều trị với giá 390.000/hộp; thuốc đặc trị COVID-19 Areplivir giá từ 2,1 triệu đồng/hộp - 2,5 triệu đồng/hộp được cho là đang sử dụng phổ biến tại Nga...

Một điều đặc biệt nguy hiểm, người bán không cần quan tâm đến tình trạng của bệnh nhân thế nào mà sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng, liều dùng. Cụ thể tài khoản này hướng dẫn: Ngày đầu tiên uống 2 lần, mỗi lần 8 viên; từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 10 uống 2 lần/ngày, 3 viên/lần; uống trước ăn, nếu có hiện tượng mệt thì từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 10 giảm liều xuống 2 viên/lần…

Các loại thuốc này không chỉ được bán trên mạng, nhiều nhà thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng âm thầm bán. Trong vai người mua thuốc phòng chống COVID-19, chúng tôi đã tìm đến nhà thuốc P.K (đường Trần Cung, Hà Nội). Nhân viên bán hàng tại nhà thuốc này cho hay, các loại thuốc điều trị và phòng chống COVID-19 không bày bán tại quầy. Tuy nhiên, người mua có nhu cầu nhà thuốc có thể đặt hàng, chỉ cần để lại số điện thoại và địa chỉ sẽ có người ship tận nhà. Loại thuốc mà nhân viên này tư vấn sử dụng là Arbidol màu đỏ 200mg - hàng xách tay của Nga.

Tiếp theo chúng tôi đi theo địa chỉ trên một tài khoản Facebook, nơi bán nằm trên con phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội). Đây thực chất là một cửa hàng chuyên bán đồ xách tay, tại đây nhân viên bán hàng cũng tư vấn loại thuốc Arbidol màu đỏ 200mg - thuốc có thể kháng và ức chế virus COVID-19 và mời mua. Nhân viên này cho biết: “Chúng tôi không chuyên bán thuốc nhưng do có người quen bên Nga đã mang về được số lượng ít. Nếu có nhu cầu chúng tôi để lại, tuy nhiên giá cho mỗi vỉ là khá cao – 600 nghìn/vỉ 10 viên”.

Trên thực tế, không chỉ có những loại thuốc xách tay được rao bán tràn lan trên mạng mà ngay cả những loại thuốc nam với danh nghĩa “gia truyền” cũng khẳng định có công dụng chữa khỏi 99% COVID-19. Đăng bài trong các hội nhóm thuốc phòng, chống COVID-19, một dân buôn thuốc nam khẳng định rằng thuốc của gia đình mình làm ra có thể chữa bách bệnh, kể cả ung thư lẫn COVID-19 chỉ với việc súc miệng 3 lần mỗi ngày.

Trong vai là người đi mua thuốc điều trị cho người nhà là F0, phóng viên đến một số nhà thuốc thì đều nhận được câu trả lời rằng thuốc điều trị COVID-19 không có mẫu chung. Bởi biểu hiện bệnh mỗi người mỗi khác, người nặng, người nhẹ nên sẽ căn cứ vào mức độ để kê đơn thuốc. Khi phóng viên hỏi về những đơn thuốc lên tới vài triệu đồng được quảng cáo trên mạng thì nữ dược sĩ của nhà thuốc Bảo Khánh (Quang Trung, Phú La, Hà Đông, Hà Nội) trả lời rằng: “Ôi, họ cứ quảng cáo rồi làm vống giá trị thuốc lên, chứ ở đây chúng tôi bán một đơn thuốc điều trị cho 1 ca F0 thông thường, kéo dài khoảng 10 ngày cũng chỉ lên đến một triệu, hoặc hơn một triệu là cùng vì nó phụ thuộc vào thuốc nội hay ngoại và tăng thêm đề kháng. Tuy nhiên, nó không thể đến mấy triệu”.

Cũng theo nữ dược sĩ này thì với một người bình thường, không có bệnh nền, sức đề kháng tốt thì thời gian khỏi bệnh chỉ khoảng 5 ngày. Nếu người nào để lâu hoặc dai dẳng hơn thì thời gian điều trị phải mất từ 10 ngày đến khoảng 2 tuần. Lý giải về những đơn thuốc đắt đỏ được rao bán trôi nổi trên mạng, nữ dược sĩ này cho biết: “Đó là những loại thuốc không có nguồn gốc rõ ràng, tức là không được Bộ Y tế cấp phép bán nên họ thường bán chui. Để cho bệnh nhân F0 tin thì họ càng phải quảng cáo thuốc có công dụng thần thánh. Tâm lý người bị bệnh ai cũng muốn dùng loại thuốc tốt nhất để nhanh khỏi nhất. Nhưng họ không biết rằng nếu là thuốc được cấp phép thì nhà thuốc nào cũng có”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, thuốc Arbidol màu đỏ 200mg – xách tay từ Nga – chưa được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, nhưng vẫn được mua bán không kiểm soát. Trong khi đó Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định, việc mua bán, sử dụng thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu. Cục Quản lý dược cũng đã đề nghị  Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống dịch COVID-19. Các trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm. Khi phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, các đơn vị phải kịp thời lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Người dân không nên tự ý mua thuốc trôi nổi

Việc người dân tự mua và sử dụng các thuốc phòng và điều trị COVID-19 bán tràn lan trên mạng đã được rất nhiều chuyên gia cảnh báo. Bởi có nhiều yếu tố khiến người bệnh có thể “tiền mất tật mang”. Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: “Các loại thuốc điều trị COVID -19, đặc biệt là thuốc kháng virus đều là những thuốc vừa mới được nghiên cứu. Chính vì điều này, các đặc tính của thuốc cũng như tác dụng và độc tính vẫn cần được theo dõi, nghiên cứu tiếp. Người dân tuyệt đối không nên nghe theo lời đồn thổi, tự ý mua về uống thì có thể không phù hợp hoặc nếu dùng sai có thể gây hại”.

Bát nháo thị trường thuốc điều trị COVID-19 -0
Một trong những loại thuốc chữa COVID-19 được rao bán rầm rộ trên mạng thời gian qua

Đối với người dương tính với COVID -19, cần phải được theo dõi chặt chẽ để có hướng dẫn tốt nhất về chuyên môn. Với những người là F0 nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì có thể không cần phải uống thuốc. Khi có kết quả dương tính với COVID-19 các bệnh nhân nhanh chóng kết nối với các bác sĩ, y tế cơ sở, y tế địa phương. Từ đó các nhân viên y tế căn cứ tình hình thực tế của từng bệnh nhân và đưa ra hướng dẫn cần phải làm gì. Các bác sĩ sẽ đưa ra tiên lượng ở bệnh nhân, nếu có diễn biến không tốt sẽ được đưa đi điều trị kịp thời.

Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cảnh báo, việc quảng cáo và rao bán các loại thuốc như: Molnupiravir, Favipiravir và Remdesivir đều là trái phép. Bởi các thuốc này chưa được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành và mới chỉ được đưa vào sử dụng thí điểm có kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã xác minh, điều tra, bắt giữ nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển các loại hàng hóa tại thị trường nội địa. Đây là những loại thuốc, trang thiết bị y tế nhập lậu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hoặc chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp phép. Chỉ tính từ đầu quý III-2021 đến nay, lực lượng Hải quan đã phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu thuốc điều trị COVID-19, các trang thiết bị phòng dịch như: Găng tay y tế, bộ kit test nhanh virus SARS-CoV-2…

Tại kho hàng Công ty cổ phần nhà ga hàng hóa ALS, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều lô hàng có thuốc điều trị bệnh COVID-19, bộ test nhanh COVID-19, thuốc điều trị ung thư...  được vận chuyển từ Nga về Việt Nam. Tất cả số thuốc bị phát hiện bắt giữ đều chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Bát nháo thị trường thuốc điều trị COVID-19 -0
Không chỉ thuốc xách tay được quảng cáo hiệu quả mà một số loại thuốc nam cũng được quảng cáo có hiệu quả chữa COVID-19 tới 99%

Mới đây nhất, Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan TP HCM phối hợp với lực lượng chức năng đã khám xét 2 kiện hàng nhập khẩu trên chuyến bay từ Nga về Hà Nội, chuyển tiếp vào TP HCM. Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 266 hộp thuốc các loại tổng cộng hơn 3.000 viên thuốc có tác dụng điều trị, hỗ trợ điều trị COVID-19. Số thuốc này được nhập lậu, theo loại hình quà biếu, tặng, được cất giấu lẫn trong một vài món đồ dùng cá nhân, như quần áo, bánh kẹo...

Tại Hà Nội, chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Cục Hải quan TP Hà Nội phát hiện bắt giữ nhiều lô hàng nhập lậu là các bộ kit test nhanh và các loại thuốc được quảng cáo là thuốc điều trị COVID-19. Cơ quan chức năng đã thu giữ: 1.470 hộp (17 viên/hộp); 78.800 viên; 490 lọ thuốc điều trị COVID-19 (xuất xứ: Ấn Độ); 180 bộ test COVID-19 (xuất xứ: Trung Quốc); 220 hộp thuốc kháng virus (xuất xứ: Nga).

Song Ngọc
.
.
.