Tình yêu cổ tích của cụ ông 95 tuổi

Thứ Sáu, 06/05/2016, 10:37
Ông nhìn bà, liếc khéo rồi niềm vui cũng như lây lan, ông cười khà khà xếp xô nếp nhăn trên rãnh mắt. Ngay cả cái cách xưng hô anh em ngọt xớt ấy khiến chúng tôi cảm giác, đây không chỉ đơn thuần là sự lắp ghép của hai mảnh vỡ, đây là một tình yêu vượt lên trên tất cả.


Ước gì bà ấy chịu làm vợ

Quen ông bà đã lâu, thi thoảng, ông gọi điện mời tôi đến ăn cơm, đàm đạo chuyện thời sự. Ngót trăm tuổi, ông vẫn minh mẫn lạ thường, vẫn nhớ tất cả những gì đã qua và đặc biệt là khoản tiếu lâm, ông luôn làm người khác phải ngả mũ bái sư. Nhưng vượt trên tất cả vẫn là chuyện tình xuyên thời gian, không gian của ông bà. Nó như một bản tình ca không có tuổi, lúc nào cũng da diết, khắc khoải.

Ông sinh ra trong một gia đình bần nông ở Nghệ An. Những năm thực dân Pháp đô hộ, Mai Kim Sơn quyết tâm từ bỏ ruộng vườn tham gia bộ đội đánh đuổi quân Pháp. Ông từng đặt chân đến nhiều nơi, từng suýt chết vì tên bay đạn lạc vài lần. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi vẻ vang, ông xin chuyển ngành sang làm công nhân đường sắt.

Những ngày cuối đời, ông Sơn hạnh phúc nhất vì có bà Thu bên cạnh.

Những năm tháng khoác lên mình chiếc áo công nhân ngày đêm miệt mài lao động cho "con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui", ông tự hào và hãnh diện vì công việc làm đẹp quê hương, đất nước của mình. Ngày đất nước giải phóng thì ông cũng đến tuổi hưu. T

rở về đời thường bằng đồng lương hưu ít ỏi với trăm nỗi lo toan gõ cửa gia đình. Vợ chồng ông không có con, chẳng hiểu do ai, tại ai nhưng ông vui vẻ chấp nhận số phận. Ông bà nhận một đứa trẻ về nuôi cho căn nhà có tiếng cười con trẻ. Ông yêu thương, chăm chút con trai hết mực, dành hết tình yêu cho nó. Sau khi trưởng thành, cậu đi nước ngoài làm việc, ít có cơ hội về thăm cha mẹ nuôi.

Ông Sơn từng có một thời gian dài sống ở Hà Nội. Những ngày ở Thủ đô, ông đã gặp một người phụ nữ, để rồi sau này trở thành mối lương duyên tiền định trong cuộc đời ông. Bà Thu kém ông Sơn gần 30 tuổi, lẽ ra phải xưng chú cháu, nhưng ngày ấy bà đã có hai mặt con, đã lên chức bà và theo đề nghị của ông Sơn thì cứ gọi "ông" xưng "em" cho tình cảm.

Bà Thu xuống thăm anh em, thường gặp ông Sơn. Hai người nói với nhau những chuyện trên trời dưới đất, buông lời trêu ghẹo rồi cười. Những lần gặp nhau như cơn gió thu thoảng qua làm rạo rực rái tim người đàn ông luống tuổi và người phụ nữ góa bụa.

Bà quý ông ở sự phong trần, am hiểu tình đời, ăn nói nhẹ nhàng, tế nhị. Ông thấy bà toát lên vẻ thùy mị, cần cù, rất biết cách làm hài lòng người khác. Họ trở thành bạn bè thân thiện của nhau. Tình cảm ấy tuy có những lúc xáo động, có những đêm nhớ nhung nhưng họ vẫn giữ được lý trí, giữ được phẩm chất bởi trước mặt và sau lưng họ là gia đình.

Năm 1996, gia đình ông Sơn chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và bà Thu cũng về quê ở Lạng Sơn chăm sóc con cháu. Từ đó, họ không có bất cứ một dòng thông tin nào về nhau.

Vợ chồng ông Sơn trải qua 62 năm gắn bó yêu thương, đói no, bệnh tật có nhau,  năm 2002, vợ ông qua đời, bỏ lại ông chơi vơi, hụt hẫng. Tuổi già cô quạnh một mình, nhiều  người ái ngại cho ông Sơn. Những hôm ông lọ mọ một mình ra chợ mua đồ về nấu ăn, những người bán hàng thường không lấy tiền vì thương ông một lẽ mà cũng không biết tính tiền sao vì món nào ông cũng chỉ mua cao lắm là một lạng.

Năm ngoái, ông bà có chuyến về Vũng Tàu kỷ niệm hai năm ngày cưới.

Đêm nằm co quắp trong căn nhà trống trải, ông chợt nghĩ: "Một mình thế này chẳng may trúng gió thì "đi" lúc nào cũng không ai hay". Rồi ông nhớ đến bà Thu. Ông cố gắng dò hỏi, tìm mọi cách nhờ người liên lạc tìm kiếm. Tin vui đến với ông khi người bạn ở Hà Nội đã tìm được địa chỉ liên lạc của bà Thu. Ông vui suốt mấy ngày, lòng cứ rạo rực một cảm giác gì đó thật khó tả.

Ông kể với bà Thu về hoàn cảnh của mình, mong bà thu xếp công việc rồi ông gửi tiền ra cho bà vào Nam thăm ông một chuyến, coi như thăm bạn lâu ngày. Nói là vậy, nhưng trong thâm tâm, ông Sơn đã nhen nhóm một suy nghĩ: "Ước gì bà ấy chịu làm vợ mình".

"Đó là tình yêu đích thực"

Sau 15 năm biệt tung tích, ngày ông ra bến xe đón bà Thu là ngày mà bao nhiêu nỗi ưu phiền tan biến. Đôi bạn già gặp nhau, tay rưng rưng nắm chặt, mắt nhòe đi vì hạnh phúc, vui sướng. Tiết trời ngày hè oi ả, nhưng căn nhà của ông Sơn ở khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh) bỗng trở nên ấm cúng, đầy ắp tiếng cười. Cả hai tíu tít kể cho nhau nghe về khoảng thời gian 15 năm ấy.

Đôi uyên ương già đi dạo biển và chụp ảnh làm kỷ niệm.

Ngày bà phải về Bắc, ông buồn nao lòng. Ông nắm tay bà tha thiết: "Em về thu xếp bọn trẻ rồi vào đây sống với anh nhé. Một mình anh ở đây chắc buồn mà về trời sớm thôi. Ngày xưa chúng mình là bạn nhưng tình bạn ấy bây giờ đã lớn lên thành tình yêu rồi".

Ông Sơn nhìn thật sâu vào mắt vợ mình âu yếm rồi nhìn chúng tôi mỉm cười hạnh phúc, không ái ngại, không rụt rè, ông triết luận: "Tại sao bao nhiêu năm như thế, bà ở một nơi, tôi ở một nơi mà nay lại sống chung trong một mái nhà. Đó chẳng phải cái duyên là gì, là số trời đã định từ trước rồi các cháu ạ". Ông bảo, chỉ tiếc rằng thời gian bên bà quá ngắn ngủi.

Ông đã mất 62 năm cho mối tình cha mẹ gán gả. Ông đã làm tròn bổn phận, trải qua bao nhiêu giông bão cuộc đời mà ông vẫn giữ được mái ấm gia đình cho đến ngày vợ nhắm mắt xuôi tay. Ông không còn ân hận gì với người bạn đời thuở trước nữa và có lẽ ở nơi chín suối, bà cũng sẽ mỉm cười mà ủng hộ ông và bà Thu.

Từ ngày có bà Thu bên cạnh, ngôi nhà ấm cúng hơn.

Đối với bà Thu, ông Sơn quả quyết: "Đó là tình yêu đích thực. Nếu không yêu tôi thì không bao giờ bà ấy chịu vào đây với tôi, chăm sóc tôi từng ly từng tí và tôi cũng thế. Tôi yêu bà ấy thật nhiều".

Quyết định đến với ông Sơn, bà Lý Thị Thu đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Từ TP Hồ Chí Minh trở về, bà canh cánh một nỗi buồn. Thấy cảnh ông Sơn côi cút khi tuổi quá cao, bà thương ông vô cùng. Các con của bà Thu biết chuyện đã kịch liệt phản đối. Bà Thu kể: "Các con cháu nói nhiều lắm. Nó bảo, bà có chắt rồi mà còn đi lấy chồng, xấu hổ với thiên hạ lắm, không dám nhìn mặt ai đâu".

Một bên là danh dự, một bên là tình thương, bà Thu không biết phải làm sao. Cuối cùng, trái tim đã mách bà phải về bên ông Sơn và bà quyết định trốn các con vào Nam. Trước khi đi, bà dựng lên một kịch bản: "Có người bạn gái thân ở trong TP Hồ Chí Minh gửi tiền ra cho mẹ vào đó chơi ít bữa". Vào tới nơi, bà Thu viết thư về cho con nói rõ sự tình. Con bà đã phẫn nộ vì mẹ "bỏ tất cả theo chồng".

Đứng giữa hai sự lựa chọn, hai ngã rẽ, bà Thu đã day dứt rất nhiều. Hỏi bà: "Có phải vì thấy hoàn cảnh của ông Sơn neo đơn, già nua mà bà thương cảm về chăm sóc ông"? Bà xua tay phân trần: "Nếu chỉ có sự đồng cảm thì tôi không hy sinh gia đình để vào đây với anh Sơn đâu. Tôi có tình cảm với anh ấy. Phải yêu thì mới sống với nhau được".

Ông Sơn quả quyết: "Tình yêu của chúng tôi có khi hơn cả giới trẻ ấy chứ. Ai bảo già rồi không có tình yêu, đó là cách nghĩ sai lầm. Tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ trái tim, khởi nguồn từ mạch máu. Cũng có rung động, có nhớ thương, có giận hờn".

Bà Thu về chung sống với ông Sơn tính đến nay đã hơn 10 năm. Suốt thời gian ấy, ông Sơn luôn suy nghĩ phải hoàn tất thủ tục để chứng nhận danh phận cho bà Thu. Bà vào đây làm vợ ông chứ không phải làm osin hầu hạ, phục vụ ông để rồi đến tháng nhận lương. Vậy là ông quyết định đi làm giấy đăng ký kết hôn với bà Thu.

Một ngày thành phố nhộn nhịp như mọi ngày, bà Thu dắt ông Sơn đi đăng ký kết hôn. Người đồng cảm thì chúc phúc ông bà, nhưng có người bĩu môi: "Ôi dào, gần đất xa trời rồi còn cưới mới chả xin". Ông mặc kệ người ta nói ra nói vào, miễn sao tình yêu ông dành cho bà cho đến chết vẫn không thay đổi.

Ở tuổi 95, ông Sơn vẫn không bỏ bữa cơm nào. Cùng lúc, ông duy trì chế độ tập thể dục đều đặn nên ông vẫn có thể đi xe đạp, chạy bộ, tập tạ. Mắt ông sáng, tai ông tỏ, đầu ông minh mẫn. Ông cho biết, bí quyết sống lâu sống thọ và sống khỏe của mình chỉ đơn giản là luôn vui vẻ, lạc quan. Đặc biệt, từ khi có vợ mới cưới, ông như trẻ thêm mấy tuổi.

Ngọc Thiện
.
.
.