Hành trình trở về của người phụ nữ 22 năm bị bán ra nước ngoài

Thứ Năm, 28/04/2016, 14:25
Có lẽ, cho đến tận bây giờ cả ba bà cháu cũng không thể tin rằng, buổi chiều định mệnh đó người phụ nữ trẻ mà họ trông ngóng sẽ mãi không về. Bỏ lại sau lưng chị ấy là gánh nặng cơm áo gạo tiền, mẹ già ốm đau bệnh tật không người nương tựa, các con thơ dại đói ăn từng bữa…

“Bị lừa rồi chuốc thuốc mê, bán sang Trung Quốc để làm vợ một người đàn ông, ngày đó tui còn trẻ lắm. 22 năm mỏi mòn xứ lạ, không tiền bạc, rào cản ngôn ngữ, nên chỉ biết câm nín nhận sự nghiệt ngã của cuộc sống. Rồi cũng từng ấy năm, trĩu nặng lo lắng cho mẹ già và hai con nhỏ bơ vơ không ai chăm sóc, nuôi dạy… tất cả đã vắt kiệt tinh thần, sức lực và mái tóc trên đầu giờ cũng đã điểm bạc mất rồi. Vậy mà, nay may mắn tìm về được quê hương, lại gạt nước mắt chạy hỏi khắp nơi tìm tung tích của hai đứa con thất lạc ở phương trời xa. Cầu mong, bài viết này của chuyên đề CSTC đến được với các con tôi. Ước gì một phép nhiệm màu để cho mẹ con chúng tôi tìm được nhau!”…

Cuộc mất tích "bí ẩn" của một người mẹ trẻ

Buổi chiều một ngày hè oi ả của  22 năm trước tại một thôn nghèo của thị trấn Tân An (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam), tiếng hai đứa trẻ con ra rả khóc đòi mẹ, người bà ốm yếu, già nua vật vã ôm hai thằng cháu ngoại, đứa 3 tuổi, đứa mới chỉ 10 tháng tuổi nhấp nhổm ngóng ra cửa chờ con gái trở về.

Có lẽ, cho đến tận bây giờ cả ba bà cháu cũng không thể tin rằng, buổi chiều định mệnh đó người phụ nữ trẻ mà họ trông ngóng sẽ mãi không về. Bỏ lại sau lưng chị ấy là gánh nặng cơm áo gạo tiền, mẹ già ốm đau bệnh tật không người nương tựa, các con thơ dại đói ăn từng bữa…

Người phụ nữ “mất tích” đó là Phạm Thị Bậu (SN 1966), 22 năm sau người ta mới có thể gặp lại chị. Do bởi, trong chuyến đi bán hàng từ Quảng Nam ra Thừa Thiên - Huế, chị Bậu đã bị lừa, chuốc thuốc mê và bán qua Trung Quốc… Và cũng trong một buổi chiều oi ả cuối tháng 4, trong căn nhà gỗ tồi tàn ở thị trấn Tân An, chị Bậu và mẹ là cụ Lê Thị Ngữ nước mắt ngắn dài, lúc khóc đó, mừng tủi cũng ngập đầy, chia sẻ về câu chuyện mất tích bí ẩn 22 năm của chị Bậu.

Chị Bậu ngày hạnh ngộ.

Bậu lập gia đình với một người đàn ông lực điền, rồi lần lượt sinh hạ được hai cậu con trai kháu khỉnh. Tuy chị Bậu rất siêng năng làm lụng, chăm ruộng vườn, nhưng cuộc sống cũng không thể vượt được cái ngưỡng “khó nghèo”. Cuộc sống càng thêm khắc khổ, các con nhỏ, mẹ già ốm đau rất nhiều thứ phải chi tiêu. Đã vậy, anh chồng vô trách nhiệm, ăn bám vợ và không chung sức xây dựng gia đình, suốt ngày chỉ biết rượu chè, ngật ngưỡng say khướt còn về đánh vợ, chửi con...

Phận đàn bà đã cực nhọc, còn khổ tâm quá nhiều nên Bậu đành dứt khoát bồng hai con nhỏ về nương nhờ mẹ ruột. Bậu bỏ hẳn làm ruộng, theo mấy bà ở thôn nhảy xe đường dài làm nghề buôn trái cây từ Quảng Nam ra Huế để trang trải cuộc sống của mấy mẹ con.  Ngày ấy, tất cả mọi di chuyển giữa tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) với Huế đều phải vượt đèo Hải Vân bằng cách đi bộ. Đường đèo đối với người phụ nữ càng thêm khó khăn. Thế nhưng, với hy vọng có tiền nuôi con và mẹ già, chị không nề hà vất vả.

Nhưng số phận khổ đau của Bậu đâu chỉ dừng lại ở đó. Bậu và các con của chị lại tiếp tục gặp thêm một sóng gió lớn của cuộc đời. Hôm đó, như mọi lần theo một người đàn bà lạ rủ rê, Bậu theo bà ta lên xe khách làm chuyến buôn hàng ra Huế.

Xe nghỉ chân giữa đèo Hải Vân, Bậu được mời một ly nước mát lạnh, và bỗng cảm thấy đầu óc mụ mị, chìm vào giấc ngủ sâu. Lúc tỉnh, Bậu ngơ ngác, sợ hãi khi xung quanh rất nhiều người nói thứ tiếng kì lạ mà Bậu chẳng hiểu gì. Khi ấy, xuất hiện một người phụ nữ nói bằng tiếng Việt cho biết: “Mày bị bán sang Trung Quốc rồi”.

Người phụ nữ cũng “huỵch toẹt” mày  được người ta bán 20.000 Nhân dân tệ (tiền Trung Quốc), nếu muốn quay về nước, mày phải trả lại số tiền này. Còn không thì phải làm vợ cho lão Y… Hoang mang, Bậu lần lục lại trong túi áo và túi đem theo, nhưng hỡi ôi toàn bộ tiền đều bị những kẻ lạ mặt lấy sạch. Bị dọa, bị đánh, đất lạ, không tiền, Bậu khóc nhiều, chống đối chuyển sang van xin cũng rất nhiều, ý định tự vẫn cũng có… nhưng nghĩ đến mẹ già và hai con thơ dại đang ngóng chờ ở quê nhà, Bậu quyết định phải sống và hy vọng sẽ có cơ hội, chị đành phải câm nín để chờ đợi.

Vài ngày sau khi bị nhốt trong khu nhà chật hẹp, Bậu được bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc. Ông này có hoàn cảnh chẳng mấy khá giả gì, được cái khá hiền lành. Biết Bậu sợ hãi khi sống ở nơi xa lạ, ông ta ra sức dỗ dành.

Bậu biết phận, phải đành đón nhận sự nghiệt ngã của cuộc sống… Theo thời gian, Bậu bập bẹ biết nói tiếng Trung Quốc và chấp nhận cảnh sống vợ chồng với người đàn ông lạ rồi sinh hạ được cho người này 2 đứa con. Mặc dù được chồng yêu thương nhưng trong tâm thức của Bậu luôn canh cánh nhớ về quê hương. Cứ chiều chiều, Bậu lại hướng mắt về phương Nam, nơi đó mẹ già tóc đã bạc, hai con trai khi Bậu mất tích vẫn còn non nớt… Theo thời gian, cuộc sống của Bậu trôi qua trong thinh lặng.

Tiếp tục tìm hai con thất lạc

22 năm “giam lỏng” ở xứ người, hai đứa con của Bậu với người chồng Trung Quốc đã khôn lớn, có việc làm ổn định. Bậu xin chồng được trở về Việt Nam tìm người thân. Chồng Bậu hiểu hết tâm ý của vợ nên chấp thuận nhưng đưa ra điều kiện phải để dành ít tiền. Bởi, ông biết, khi trở về, cần chi phí khá lớn.

Cụ Ngữ tươi cười khi con gái mất tích trở về.

Khi đã kiếm đủ tiền, ông theo chân vợ về tỉnh Quảng Nam tìm gia đình. 22 năm, quê hương, xứ sở đã thay đổi quá nhiều, Bậu không tìm thấy những điều quen thuộc của ngày xưa. Nhưng, Bậu cố lần tìm những thứ lưu lại trong ký ức cùng dò hỏi mọi người và cuối cùng cũng tìm đến nhà. Bậu rơi nước mắt khi nhìn thấy mẹ già lọm khọm trong nhà.

Mẹ Bậu ngước lên vẫn không nhận ra đứa con thất lạc từ lâu. Bậu vào nhà, ôm chặt mẹ già bằng đôi cánh tay chai sần đẫm nước mắt, kể lại cuộc lưu lạc sau 22 năm, hai người phụ nữ, hai người đàn bà òa khóc tưởng chừng không thể ngớt.

Mẹ Bậu là cụ Lê Thị Ngữ kể, sau khi con gái mất tích đã đi tìm nhiều nơi. Tuy nhiên, càng tìm thì thông tin về Bậu càng trôi dạt. Từ đó đến nay, cụ tin rằng, con gái đã bị kẻ xấu sát hại để cướp tài sản. Sau khi chị Bậu mất tích, cụ Ngữ do tuổi đã già yếu, không đủ khả năng nuôi cháu nên gửi vào một trung tâm nuôi trẻ mồ côi ở thành phố Đà Nẵng. Sau đó, cả hai đứa được một cặp vợ chồng người Canada nhận làm con nuôi và đưa ra nước ngoài.

Từ đó, cụ không còn nhận được bất kì thông tin nào về hai cháu. Còn chị Bậu chia sẻ, mong ước trở về quê hương đã trở thành hiện thực. Lúc đoàn tụ, nụ cười hòa lẫn nước mắt. Bây giờ, chị xót xa không được gặp hai đứa con đầu nữa. 

Chị hy vọng, thông qua bài báo này trên chuyên đề Cảnh sát toàn cầu, một ngày nào đó mẹ con chị sẽ được đoàn tụ. Chị Bậu cũng cho biết, lần này sẽ ở lại Việt Nam khoảng 3 tháng rồi trở về Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian tới, chị sẽ còn nhiều lần về thăm quê và tìm kiếm tung tích của hai đứa con mất liên lạc của mình!…

Hoài Thu
.
.
.