Tập trung xử lý 3 nguyên nhân gây tai nạn giao thông
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT đã triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ...
Trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tới tai nạn giao thông, Bộ Công an đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính là: vi phạm nồng độ cồn, ma tuý; vi phạm về tốc độ và vi phạm về chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe. Để tạo chuyển biến tích cực tình hình TTATGT, thực hiện mục tiêu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông bền vững, ngay từ tháng 6/2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 299/KH-BCA về tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm và Điện 76/HT của đồng chí Bộ trưởng về thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, trong đó đặc biệt chú ý vào giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, lực lượng CSGT toàn quốc đã tổ chức các đợt cao điểm ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT theo chuyên đề. Trong đó chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” đã được lực lượng CSGT triển khai nghiêm túc, quyết liệt trên toàn quốc. Điều này, đã tạo được những dấu ấn, tác động tích cực đến đời sống xã hội và đã đem lại những hiệu quả bước đầu.
Kết quả xử lý vi phạm chuyên đề nồng độ cồn được dư luận và quần chúng nhân dân ủng hộ. Câu chuyện về “xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm từng gia đình”. Mọi người trong gia đình, bạn bè nhắc nhở nhau đã uống rượu, bia thì không lái xe. Qua đó, đã dần dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân “không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia” và hạn chế tình trạng gây mất an ninh, trật tự, gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người do uống rượu, bia gây ra.
Lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục CSGT cũng đã nhận được thư của nhiều chị em phụ nữ cảm ơn, hoan nghênh vì trước đây, chồng thường xuyên say rượu về gây gổ với vợ con, bây giờ không dám uống rượu nữa nên không còn gây sự, cuộc sống gia đình bình yên, hạnh phúc hơn. Bên cạnh đó, những hành vi gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, cố ý gây thương tích, phạm pháp hình sự liên quan đến đối tượng sử dụng rượu bia cũng giảm, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội.
Tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 17,76% số vụ, giảm 17,92% số người chết và giảm 10,95% số người bị thương); xử lý vi phạm tăng 21,38%, tiền phạt tăng 94,92% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xử lý vi phạm nồng độ cồn chiếm 22,24% các hành vi vi phạm…
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó chú trọng vừa kiên quyết xử lý, vừa kiên trì thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn để người tham gia giao thông nắm rõ những quy định của pháp luật, từ đó tự giác chấp hành. Đồng thời kiên quyết xử lý đối với tất cả các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo đảm TTATGT, hình thành bằng được văn hóa, thói quen “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, thời gian tới, lực lượng CSGT tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo TTATGT; quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.
Tập trung phát hiện, xử lý triệt để hơn nữa các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; xử lý nghiêm theo quy định đối với các đối tượng chống lại lực lượng Công an trong khi thi hành công vụ. Trong đó, thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu, bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến nhân dân.