Mô hình hay giúp người mãn hạn tù làm lại cuộc đời

Thứ Bảy, 27/05/2023, 08:23

Mô hình “Chung tay, góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương” là một trong những mô hình điển hình được Công an phường Thanh Tuyền (TP Phủ Lý, Hà Nam) xây dựng, nhằm giúp những người có quá khứ lầm lỗi hoàn lương, tiếp thêm nghị lực giúp họ vươn lên sau những lầm lỡ.

Bảo lãnh cho người mãn hạn tù vay vốn lập nghiệp

Nhân chuyến đi công tác Hà Nam, chúng tôi có dịp về thăm xưởng gỗ của anh Đinh Văn Long (SN 1985, trú tại tổ 5, phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý). Qua giới thiệu chúng tôi được biết, anh Long là một trong những cá nhân tiêu biểu về nghị lực vươn lên sau lỡ lầm.

Trong xưởng gỗ rộng hơn 200m2 của anh Long, tiếng máy cưa, máy bào, máy chà và tiếng đục, đẽo vang lên rộn rã. Trở về quê hương sau 14 năm 6 tháng chấp hành án phạt tù về tội cố ý gây thương tích, không ai nghĩ anh Long giờ đã trở thành chủ một xưởng gỗ lớn ở địa phương chỉ sau 3 năm vay vốn không lãi từ một doanh nghiệp.

Anh Long cho biết, năm 2008, anh bị TAND tỉnh Đắk Lắk xử phạt 14 năm 6 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích” và chấp hành án tại Trại giam ở tỉnh Khánh Hòa. “Thời gian đầu mới ra tù, tôi luôn mặc cảm, tự ti, lại còn bị nhiều người kì thị, xa lánh. Quả thực lúc đó tôi hoang mang lắm, không biết sẽ phải làm gì". – Anh Long chia sẻ.

Mô hình hay giúp người mãn hạn tù làm lại cuộc đời -0
Trung tá Trương Quang Hà cùng các CBCS Công an phường Thanh Tuyền đến thăm xưởng gỗ và động viên anh Đinh Văn Long.

Thấu hiểu hoàn cảnh của anh Long, Trung tá Trương Quang Hà và các CBCS Công an phường Thanh Tuyền đã luôn gần gũi, động viên, không những vậy còn nhận bảo lãnh, giúp anh Long vay 50 triệu đồng không lãi từ một doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm để có vốn làm ăn. Đến nay, gần 3 năm hoạt động, xưởng gỗ của anh Long đơn hàng đều đặn, tạo cho anh và gia đình nguồn thu nhập thường xuyên.

"Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in lời anh Hà nói với tôi khi đứng ra bảo lãnh cho tôi vay vốn rằng "đây là danh dự của toàn ngành Công an chứ không phải chỉ của bản thân anh hay Công an phường". Chính điều này đã thôi thúc tôi cố gắng mỗi ngày để xây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay". – Anh Long tâm sự.

Hiện nay, không chỉ dần vững vàng kinh tế, anh Long còn dang tay đón nhận những người từng một thời lỗi lầm như mình vào xưởng gỗ làm việc. Được biết, hiện xưởng gỗ của anh đang có 5 công nhân, thì 4 trong số đó là những người mãn hạn tù, từng có quá khứ lỗi lầm như anh làm việc, với mức thu nhập ổn định từ 9 - 10 triệu đồng/tháng.

Câu chuyện của anh Đinh Văn Long là minh chứng cụ thể về hiệu quả của mô hình “Chung tay góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương” được Công an phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý tham mưu xây dựng, tiếp thêm nghị lực giúp những người có quá khứ lỗi lầm vươn lên.

Mô hình hay giúp người lỗi lầm có nghị lực vươn lên

Nói về mô hình “Chung tay, góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương” được Công an phường Thanh Tuyền tham mưu xây dựng và đã trở thành mô hình tiêu biểu của TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Trung tá Trương Quang Hà cho biết: Công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng luôn được chúng tôi đặt lên nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thế hiện chính sách nhân đạo, mang tính nhân văn rất lớn của Đảng, Nhà nước và cũng là biện pháp phòng ngừa tái phạm, phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT ngay tại địa bàn cơ sở.

“Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi người chấp hành xong án phạt tù về địa phương thường khó xin việc. Không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, bản thân họ thường tự ti, mặc cảm, bị xã hội kỳ thị, xa lánh. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng còn ngại chưa cho vay vốn; các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đôi khi chưa sẵn lòng tiếp nhận người mãn tù vào làm việc. Bởi vậy, có không ít trường hợp, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về khó hòa nhập cộng đồng, khiến tâm lý chán nản. Từ đó, dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng dẫn đến nguy cơ tái phạm cao. Bởi vậy, để giúp họ tự tin trở về cuộc đời lương thiện, phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống, bên cạnh tình thân, gia đình rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có lực lượng Công an”. – Trung tá Hà cho biết.

Nắm được mấu chốt nguyên nhân và những khó khăn đặt ra đối với công tác này, Công an phường Thanh Tuyền đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn; thường xuyên đến động viên, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng giúp những người từng lầm lỗi vượt qua mặc cảm tự ti của bản thân, đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt vận động các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vay vốn học nghề, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân và gia đình, dần trở thành người có ích cho xã hội.

Thời gian đầu, CBCS khá khó khăn để tiếp cận với những người nghiện hoặc những người mới chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Chỉ cần nhìn thấy hoặc nghe tin có Công an đến thăm là họ đã tìm cách trốn tránh. Khó khăn là thế nhưng Trung tá Trương Quang Hà và các CBCS Công an phường Thanh Tuyền vẫn không bỏ cuộc. Bằng sự kiên trì, nhẫn nại, mỗi ngày một chút, tranh thủ thời gian, cố gắng gần gũi, các CBCS đã dần giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti.

“Nhìn thành quả bước đầu của anh Long và sự tiến bộ của những công nhân lao động là những người từng lầm lỗi đang làm việc tại xưởng gỗ của anh Long càng cho chúng tôi thêm niềm tin vào hiệu quả của mô hình và tự hào về những nỗ lực của CBCS Công an phường Thanh Tuyền và cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng”. – Trung tá Trương Quang Hà tự hào chia sẻ.

P. Tâm
.
.