Đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo trong CAND

Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng mô hình đại học CAND thông minh (Bài cuối)

Chủ Nhật, 19/11/2023, 07:08

Thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và công tác chuyển đổi số trong CAND. Chương trình chuyển đổi số trong CAND đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số của toàn lực lượng.

Nhận thức rõ về vị trí, vai trò quan trọng của công tác giáo dục và đào tạo, các học viện, trường CAND đã luôn chủ động đổi mới, ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào công tác quản lý, vào dạy và học với mong muốn xây dựng “đại học thông minh”, góp phần đào tạo ra những cán bộ CAND giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng 4.0 và một nền giáo dục mở.

Điểm sáng trong xây dựng đại học

Triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và thực hiện các giải pháp dạy học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” và Chương trình chuyển đổi số trong CAND đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công an đã quan tâm đầu tư, mua sắm thiết bị dạy học cho các cơ sở đào tạo trong CAND như xây dựng thư viện điện tử, phòng học chuyên dùng, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bắn điện tử, phòng học thông minh.

3cf3e92a-29ec-4f9a-b205-8adffad0a531.jpeg -0
Chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là xu hướng tất yếu trong hệ thống các trường CAND.

Một số chuyên ngành đã được trang bị phòng học, phương tiện dạy học đồng bộ, phục vụ công tác đào tạo kỹ năng, thực hành nghề nghiệp cho học viên. Bên cạnh những trang thiết bị được Bộ Công an cấp từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, một số học viện, nhà trường CAND cũng đã chủ động xây dựng dự án, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành, các tổ chức quốc tế để trang cấp đồng bộ các thiết bị thực hành phục vụ công tác dạy học.

Cách đây 7 năm, vào tháng 10 năm 2016, Học viện CSND là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trong CAND đã triển khai vận hành “Học viện CSND điện tử” theo định hướng và mô hình điều hành của Chính phủ điện tử. Sau 7 năm triển khai, mô hình “Học viện CSND điện tử” đã thu được những kết quả rất khả quan. Việc điều hành của Học viện đã thực hiện hoàn toàn trên hệ thống các phần mềm, trong đó phần mềm “hệ thống văn bản và điều hành” được ví như “trái tim”của "Học viện CSND điện tử".

Theo Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND, năm học 2019-2020, Học viện CSND là cơ sở đào tạo CAND đầu tiên chính thức đưa và triển khai hệ thống phần mềm tuyển sinh sử dụng mạng WAN nội bộ của Bộ Công an giúp kết nối, trao đổi dữ liệu tuyển sinh giữa Học viện và Công an các đơn vị, địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, học viện đã triển khai có hiệu quả 40 phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành công tác hành chính cũng như quản lý giáo dục, nghiên cứu khoa học; 100% các đơn vị trong Học viện CSND đều có cổng thông tin trên mạng nội bộ, học viện cũng xây dựng cổng thông tin trên mạng nội bộ và Internet bao gồm cả Tiếng Việt và tiếng Anh…

Bên cạnh đó, Học viện CSND cũng đã đầu tư trang bị nhiều phòng máy tính chuyên dùng để phục vụ đào tạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thực hành các môn Tin học, Ngoại ngữ và các môn chuyên ngành khác; tổ chức thi kiểm tra theo hình thức thi trắc nghiệm, thực hành. Đặc biệt, việc triển khai dự án “Xây dựng thư viện điện tử” do tổ chức Koica tài trợ và đưa vào khai thác sử dụng tại Học viện CSND được xem là thư viện hiện đại nhất trong các trường CAND với hàng vạn đầu sách được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong hệ thống mạng LAN…

Là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm trong CAND, từ năm 2017, Học viện ANND cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các mặt công tác của học viện nhằm xây dựng “Học viện ANND điện tử”, tạo điều kiện cho chuyển đổi số. Hạ tầng phần cứng được quan tâm đầu tư, mạng wifi được phủ sóng đến toàn bộ ký túc xá, khu nhà làm việc; trang bị hệ thống cổng kiểm soát an ninh, hệ thống camera giám sát phòng học. Hạ tầng phần mềm cũng được đảm bảo, bên cạnh hệ thống phần mềm chuyên dụng, các phần mềm mới được xây dựng theo mô hình liên thông của học viện điện tử như: Phần mềm quản lý chương trình đào tạo, phần mềm xếp lịch học, phần mềm quản lý thi đua khen thưởng.

Thiếu tá, TS Trần Nghi Phú, Phó Chánh Văn phòng Học viện ANND cho biết: Một trong những điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt lớn với các trường đại học ngoài ngành là các trường CAND có nhiều nội dung quản lý, giảng dạy và nghiên cứu thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Do đó, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo lưu trữ, xử lý, khai thác dữ liệu phải được triển khai thành 3 nhóm độc lập, đảm bảo yêu cầu bảo vệ bí mật Nhà nước. Điều này khiến cho việc xây dựng “nhà trường thông minh” trong CAND mang những đặc thù riêng với những thuận lợi và khó khăn song hành.

Theo Trung tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC, với mục tiêu xây dựng, phát triển Trường Đại học PCCC thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đầu ngành về PCCC&CNCH tại Việt Nam, nhà trường đã tăng cường ứng dụng CNTT vào quản lý giáo dục, giảng dạy và học tập.

Hiện trường đã triển khai nhiều phần mềm phục vụ công tác quản lý đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học theo các lĩnh vực khác nhau; xây dựng nhiều phòng học thông minh, phòng học chuyên đề, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực như: Tiếng Anh, Tin học, Vật lý, Hoá học; thực hành ôtô, máy bơm, hệ thống chữa cháy tự động; các phòng thử nghiệm khả năng chống cháy, trung tâm huấn luyện, thực hành về PCCC&CNCH. Nhà trường cũng đã trang bị bảng tương tác thông minh cho nhiều phòng học chuyên dùng; 100% phòng học được trang bị hệ thống máy chiếu, máy tính; xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống thư viện điện tử, trường bắn điện tử, trung tâm công nghệ thông tin, website, mạng LAN hệ thống camera giám sát giảng đường; 100% đội ngũ giảng viên được trang bị máy tính xách tay để phục vụ công tác chuyên môn…

Những kết quả trên đã giúp cho công tác giáo dục đào tạo của Trường Đại học PCCC đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ Cảnh sát PCCC&CNCH của lực lượng CAND trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Đảm bảo tính đặc thù

Mặc dù việc ứng dụng CNTT để xây dựng đại học số, đại học thông minh đang là xu thế tất yếu của các trường CAND song việc triển khai trên thực tế hiện đang có sự chênh lệch và khoảng cách khá lớn về cơ sở hạ tầng và việc ứng dụng CNTT giữa các học viện với các trường đại học và giữa các trường đại học với các trường cao đẳng. Theo Thiếu tướng, TS Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, việc chuyển đổi mô hình nhà trường sang nhà trường thông minh là xu thế tất yếu và cần thiết phải thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, bài toán chuyển đổi mô hình đối với các học viện, trường CAND đang gặp phải một số khó khăn nhất định bởi ngoài việc xây dựng kế hoạch dài hạn còn cần phải huy động tổng hợp các nguồn lực về tài chính, nhân lực.

Do đó, các học viện, trường CAND cần chủ động cập nhật, xây dựng kiến trúc nhà trường số, xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số theo lộ trình cụ thể, có trọng tâm trọng điểm nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo, đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng CAND vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo nhìn nhận, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số giáo dục đào tạo trong CAND cần có sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ, sự quyết liệt của lãnh đạo các cấp và của cơ quan quản lý, sự chủ động, tích cực của các cơ sở giáo dục, Công an các đơn vị địa phương và sự ủng hộ, tham gia tích cực của mỗi nhà giáo, mỗi giảng viên và học viên.

Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong CAND phải được thiết kế đồng bộ, bao quát, có hệ thống và đồng nhất trong tổng thể chương trình chuyển đổi số của quốc gia và của Bộ Công an; hoàn thiện thể chế, cơ chế trên cơ sở các mô hình đã có trong các cơ sở giáo dục của CAND và phát triển một số nền tảng, tài nguyên giáo dục chung; phát triển nguồn nhân lực CNTT chuyên trách chất lượng cao đáp ứng yêu cầu…

Đại tá, GS.TS Nguyễn Trường Thọ, Phó Giám đốc Học viện ANND cũng cho rằng, trong chuyển đổi số quan trọng nhất không phải là công nghệ, cũng không phải là đầu tư kinh phí mà chính là quyết tâm chính trị cao nhất của người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nhà trường.

Chuyển đổi số trong các trường CAND nhìn chung có những khó khăn hơn so với các trường đại học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân vì tính đặc thù riêng. Tuy nhiên, khó khăn không đồng nghĩa với việc dừng lại mà phải quyết tâm hơn.

Trong đó, sự quyết tâm của lãnh đạo các trường CAND đóng vai trò quan trọng nhưng sự quyết tâm chỉ từ lãnh đạo là chưa đủ, chuyển đổi số đòi hỏi toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên phải mạnh dạn tiếp cận công nghệ, học hỏi các kỹ năng mới, chấp nhận sự thay đổi.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND nhấn mạnh: Đối với nhà trường thông minh trong lực lượng CAND, do những đặc thù của ngành nên việc ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả, chuyển đổi mô hình đào tạo sang trường đại học thông minh cũng như việc kết nối, chia sẻ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Từ thực tiễn trên, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương đề xuất cần quan tâm thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Xây dựng, ban hành các quy chế về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng trong hoạt động lưu trữ, tra cứu, giảng dạy trong CAND cũng như quy chế quản lý, sử dụng khai thác các hệ thống trong trường đại học thông minh; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, học viên; có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về đảm bảo an toàn, an ninh trong nhà trường thông minh; xây dựng mô hình ứng dụng ICT theo các nguyên tắc định hướng và đảm bảo các đặc trưng cơ bản để phát triển trường học thông minh…

Huyền Thanh
.
.