Ở những vùng hẻo lánh của Syria, Mỹ vẫn âm thầm “săn đuổi” IS

Thứ Tư, 21/08/2024, 21:30

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Đông Bắc Syria, nơi nhóm khủng bố này từng áp đặt chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo bạo lực của mình lên hàng triệu người dân cách đây hơn nửa thập kỷ.

Bóng ma IS đang trỗi dậy

Theo các sĩ quan Mỹ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nhóm vũ trang người Kurd đã cùng Mỹ đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cách đây 5 năm, IS đang tập hợp lực lượng tại sa mạc Badiya của Syria, huấn luyện tân binh trẻ trở thành những kẻ đánh bom liều chết, tổ chức các cuộc tấn công và chuẩn bị cho việc tái thành lập một nhà nước Hồi giáo cực đoan.

Ở những vùng hẻo lánh của Syria,  Mỹ vẫn âm thầm “săn đuổi” IS -0
Một xe bọc thép của Mỹ tuần tra ở Đông Bắc Syria trong nỗ lực giúp quân đội do người Kurd lãnh đạo truy lùng các phần tử khủng bố IS. Ảnh: WSJ.

Từ đầu năm tới nay, các chiến binh IS đã tăng gấp đôi cường độ tấn công, chủ yếu ở Đông Bắc Syria và một phần nào đó tại Iraq. Chúng nhắm vào các trạm kiểm soát an ninh, kích nổ bom xe và âm mưu giải thoát hàng nghìn đồng đội bị giam giữ.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, IS nhận trách nhiệm về 153 vụ tấn công, trong đó mới nhất là các vụ nhằm vào một nhà đầu tư dầu mỏ và một nhân viên của Chính quyền tự trị Bắc và Đông Syria (AANES) tại tỉnh Deir ez-Zor hồi cuối tháng 7. Cả hai đều thoát chết, nhưng đã nhận được lời cảnh báo nặng ký về việc không nộp zakat (một loại phí có thể tạm hiểu như tiền bảo kê) cho IS.

Chỉ huy đơn vị chống khủng bố của SDF tại Deir ez-Zor, Siamand Ali, cho biết cộng đồng quốc tế cần phải tập trung vào sự trỗi dậy ngày càng gia tăng của các chiến binh IS tại một khu vực mà họ tin là đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.

"IS đã ở lại Deir ez-Zor trong một thời gian dài và đang cố gắng hoạt động trở lại nên SDF cùng với các đối tác quốc tế cần duy trì sức đề kháng với nguy cơ này, để đảm bảo IS không thể hồi sinh tại đây", ông Siamand Ali nói.

Thực trạng này cũng được Đặc phái viên hàng đầu của Liên hợp quốc về Syria, Geir Pedersen đề cập khi ông phát biểu với Hội đồng Bảo an hồi cuối tháng 7 rằng mối đe dọa khủng bố đang "hồi sinh" với các cuộc tấn công của IS dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm nay tại Syria, gây nguy hiểm cho những thường dân vốn đã phải đối mặt với "tình trạng di dời kéo dài và điều kiện nhân đạo tồi tệ".

Ở những vùng hẻo lánh của Syria,  Mỹ vẫn âm thầm “săn đuổi” IS -0
Một tay súng IS đang vẫy cờ trên đường phố Raqqa, nơi từng là lãnh thổ của tổ chức khủng bố cuồng tín này năm 2014. Ảnh: IPS.

Mỹ vẫn hỗ trợ người Kurd “săn” IS

Khu tự trị Bắc và Đông Syria (AANES), còn được gọi là Rojava, là một khu vực rộng khoảng 50.000 km vuông ở Đông Bắc Syria bao gồm các các tỉnh Afrin, Jazira, Euphrates, Raqqa, Tabqa, Manbij và Deir Ez-Zor. Rojava đã giành được quyền tự trị trên thực tế vào năm 2012 khi Syria rơi vào nội chiến, trong đó lực lượng quân sự chính thức của khu vực này, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đóng một vai trò quan trọng.

 Nhưng Rojava cũng là một phần địa bàn của IS khi nhóm khủng bố cuồng tín này hoạt động phía Tây Bắc Iraq và miền Đông Syria, chiếm giữ khoảng 72.000 km vuông lãnh thổ và tuyên bố đây là một vương quốc Hồi giáo vào đầu năm 2014.

Mỹ khi đó đã tập hợp một liên minh quốc tế để giúp Iraq và người Kurd giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria từ tay IS. Vào năm 2017, lực lượng chính phủ Iraq và các chiến binh người Kurd đã chiếm lại thành phố Mosul của Iraq sau một trận chiến ác liệt, và quân đội SDF đã chiếm lại thành phố Raqqa ở Syria - nơi từng là thủ đô của IS.

Đến năm 2019, thị trấn Baghouz tại Đông Bắc Syria - thành trì cuối cùng của IS, đã rơi vào tay SDF, đánh dấu cột mốc bộ máy nhà nước của tổ chức khủng bố này trên thực tế đã không còn nữa. “IS là mối đe dọa đối với toàn thế giới và chúng tôi đã đánh bại chúng”, Tướng Mahmud Barkhwadan, một chỉ huy của SDF, kể lại đầy tự hào.

Nhưng mối đe dọa mà Tướng Barkhwadan nhắc đến năm 2019 giờ đây đã trở lại. Và vì thế, các lực lượng quân sự của Mỹ cũng đang phải quay lại Rojava để giúp SDF tận diệt IS.

Ở những vùng hẻo lánh của Syria,  Mỹ vẫn âm thầm “săn đuổi” IS -0
Khu tự trị Rojava được kiểm soát bởi lực lượng vũ trang SDF người Kurd ở Đông Bắc Syria đang chứng kiến sự trỗi dậy của IS. Ảnh: AANES.

Theo báo Wall Street Journal, Mỹ hiện có 900 quân nhân và nhân viên quốc phòng dân sự ở Syria. Dù các hoạt động của họ ít khi được công khai, nhưng sự hỗ trợ của họ với SDF là rất lớn. Máy bay Mỹ không kích và cung cấp giám sát trên không trực tiếp cho lực lượng mặt đất SDF, những người tiến hành các cuộc đột kích vào các cơ sở của IS.

Trong một chiến dịch như vậy vào cuối tháng 7, biệt kích SDF được Mỹ hỗ trợ đã tấn công 8 khu nhà tình nghi là nơi che giấu những chiến binh IS. Chiến dịch này mất 6 tuần để chuẩn bị, khi SDF xây dựng mô hình các khu nhà để lên kế hoạch tấn công và tổ chức diễn tập toàn diện trước khi chính thức tiến hành trên thực địa, giống như những gì biệt kích Mỹ chuẩn bị cho chiến dịch vây bắt và tiêu diệt Bin Laden tại Pakistan.

Vào sáng sớm ngày diễn ra cuộc đột kích, hơn 100 đặc nhiệm SDF đã di chuyển xen kẽ để đến cùng một lúc các mục tiêu trải dài trên 15 km. Họ lặng lẽ giăng kín mẻ lưới nhờ sự hỗ trợ từ trên không của các lực lượng Mỹ, với máy bay không người lái và trực thăng tấn công Apache giám sát mọi nguy cơ dưới mặt đất. Theo một sĩ quan Mỹ, trong vụ này SDF đã bắt giữ hàng chục kẻ tình nghi mà không cần bắn một phát súng nào.

Chia sẻ với báo Wall Street Journal, SDF cho biết trong 7 tháng đầu năm nay họ đã bắt giữ 233 chiến binh IS. Nhưng chừng đó vẫn chưa thể ngăn chặn được nguy cơ trỗi dậy của nhóm khủng bố này. “Năm nay là năm tồi tệ nhất kể từ khi chúng tôi đánh bại IS”, Tướng Rohilat Afrin, đồng chỉ huy SDF cho biết. “Những kẻ này rất gan lì, dù bạn có đánh ngã chúng thế nào đi nữa, chúng vẫn sẽ cố gắng đứng dậy”.

Ở những vùng hẻo lánh của Syria,  Mỹ vẫn âm thầm “săn đuổi” IS -0
Tướng Rohilat Afrin, đồng chỉ huy SDF cho biết, bà rất lo ngại nguy cơ IS tuyển mộ thiếu niên ở các trại tị nạn. Ảnh: WSJ.

Những “quả bom nổ chậm” đang chờ kích hoạt

Hiện tại, khoảng 9.000 chiến binh IS vẫn đang bị giam giữ trong 22 nhà tù do SDF kiểm soát trên khắp Đông Bắc Syria và những tàn dư của nhóm khủng bố này không hề che giấu ý định giải thoát cho đồng đội để chúng có thể trở lại chiến trường.

Hai lần trong năm nay, IS đã cố gắng tổ chức các cuộc cướp ngục. Trong một trường hợp, một kẻ đánh bom liều chết của IS đã cố gắng phá cổng một nhà tù tại Raqqa, thành phố lớn nhất của Rojava, bằng chiếc xe ba bánh chở đầy thuốc nổ.

Vụ giải cứu bất thành khi lực lượng an ninh của SDF kịp thời phản ứng. Nhưng đây là hồi chuông báo động về nguy cơ để xổng những “ác quỷ” khỏi nơi giam giữ khi mà IS dám thực hiện vụ cướp ngục ngay tại nơi được SDF canh phòng cẩn mật nhất.

Lần này thất bại, nhưng rất có thể chúng sẽ thành công vào một lần khác. “Tôi không dám tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu những kẻ này vượt ngục ra ngoài”, Al-Hassan, phát ngôn viên của lực lượng an ninh SDF lo ngại phát biểu.

Ngoài hàng nghìn tay súng đang chờ được giải cứu, IS còn một nguồn tuyển mộ lực lượng nữa, đó là khoảng 43.000 người trong các trại tị nạn ở Đông Bắc Syria. Số này có rất nhiều vợ và con của các chiến binh IS, và Mỹ cũng như SDF coi họ như những tân binh tiềm năng cho thế hệ chiến binh khủng bố tiếp theo.

Ở những vùng hẻo lánh của Syria,  Mỹ vẫn âm thầm “săn đuổi” IS -0
Nữ binh sĩ SDF đứng gác tại trại tị nạn Al-Hol, nơi có hàng chục nghìn người là vợ hoặc con của các chiến binh IS. Ảnh: The New Arab.

Góc nhìn ấy không phải một sự phóng đại, mà là thực tế được ghi nhận. Chẳng hạn, tại trại tị nạn lớn nhất có tên Al-Hol ở Raqqa, trẻ em thường vẽ tranh tô màu với hình ảnh lựu đạn, súng tiểu liên và áo khoác gi-lê gắn bom tự sát. Lính Mỹ cũng chụp được những bức ảnh về tiệc sinh nhật của trẻ em theo chủ đề IS, với lá cờ đen trắng của nhóm này treo trên tường giữa những quả bóng bay.

“IS đang len lỏi vào đây và cố tẩy não những đứa trẻ để khi lớn lên, chúng sẵn sàng giết người mà không do dự”, Tướng Rohilat Afrin, đồng chỉ huy SDF cho biết. Theo bà, khi các bé trai đến tuổi chiến đấu, IS sẽ lén đưa các em ra khỏi trại để huấn luyện quân sự ở sa mạc.

Chính quyền Rojava đang gặp khó khăn trong việc tìm ra cách giải quyết với gia đình của những chiến binh IS, những người hầu như không được chào đón ở quốc gia của họ nhưng lại bị coi là quá nguy hiểm để được thả ra tại Rojava.

Do đó, nhiệm vụ trước mắt đối với Mỹ và các đối tác quốc tế là giúp SDF cải thiện điều kiện sống đang ở mức báo động về an toàn và thiếu thốn trong các trại, qua đó chống lại những nỗ lực ngoan cố của IS nhằm cực đoan hóa người dân.

Nhưng câu hỏi khó khăn hơn là làm thế nào để đảm bảo hàng chục nghìn cư dân trong các trại được hồi hương an toàn và hòa nhập lại với cộng đồng, làm thế nào để chuyển những chiến binh IS bị giam giữ tới các nhà tù khác trong bối cảnh Rojava đứng trước nguy cơ rơi vào hỗn loạn vì xung đột leo thang còn Mỹ thì chịu áp lực lớn phải giảm dần hoạt động tại đây?

Nếu chính quyền Mỹ trong tương lai ngừng hỗ trợ SDF hoặc rút quân, an ninh tại các trại tị nạn cũng như những trung tâm giam giữ có thể sụp đổ và điều này chắc chắn sẽ châm ngòi cho sự hồi sinh của IS ở Rojava, rất nhanh và rất khó kiểm soát.

Quang Anh

.
.